Trung Quốc thách thức thị trường vận chuyển dầu thô toàn cầu

Theo gafin.vn

(Tài chính) Trung Quốc sẽ phát triển đội tàu chở dầu sau khi tuyên bố sẽ phát triển một hạm đội tàu kho nổi.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Theo Đài tiếng nói nước Nga, đến 30/9, hai công ty vận tải biển lớn do nhà nước kiểm soát sẽ thành lập công ty cổ phần làm cơ sở cho đội tàu chở dầu. Tăng cường kiểm soát việc nhập khẩu nguyên liệu chỉ là một trong những mục tiêu của dự án toàn cầu này của Trung Quốc.

Dự án của Trung Quốc thành lập đội tàu chở dầu (một trong những đội tàu lớn nhất thế giới) sẽ làm gia tăng sự cạnh tranh trên thị trường toàn cầu vận tải dầu thô.

Chuyên gia Yakov Berger từ Viện Viễn Đông cho biết: “Nếu trước đây Trung Quốc đã thuê tàu chở dầu của nước ngoài, thì trong tương lai gần, Bắc Kinh sẽ đáp ứng đầy đủ nhu cầu của mình về vận chuyển dầu thô và sẽ cung cấp dịch vụ cho nước ngoài thuê tàu chở dầu”.

Nhiều công ty vận tải nhỏ có thể mất những người đặt hàng truyền thống. Hơn nữa, những công ty bị phá sản có thể trở thành con mồi của Trung Quốc: những người đang thành lập đội tàu chở dầu của Trung Quốc đã nói rõ rằng, họ sẽ không chỉ đặt mua những tàu mới, mà còn sẽ mua lại những tàu đã qua sử dụng. Mỗi tàu chở dầu và tàu chở hàng khô được hạ thủy đều làm giảm chi phí dịch vụ cho việc vận chuyển. Có lẽ, đây là một trong những mục tiêu của Trung Quốc trong dự án thành lập đội tàu chở dầu.

Phó Chủ tịch hãng “Ngôi nhà đồng tiền vàng", ông Alexei Vyazovsky nhận định: “Trung Quốc có ý định làm giảm giá cước vận tải, bằng cách thành lập đội tàu chở dầu lớn. Trung Quốc là nước nhập khẩu dầu mỏ lớn nhất thế giới. Tất nhiên, Bắc Kinh muốn để giá cước vận tải không tăng lên mà ngược lại giảm đi”.

Trước đó, Tổng công ty Dầu khí Hải dương Trung Quốc (CNOOC) thông báo đã hoàn tất công trình đóng tàu kho nổi FPSO thứ 17 mang tên Hải Dương 118 và dự kiến kho nổi chứa dầu này sẽ bắt đầu hoạt động vào cuối tháng 8. Sau khi Hải Dương 118 xuất xưởng, CNOOC sẽ có tổng cộng một hạm đội hùng hậu 17 tàu kho nổi "khủng" kiểu FPSO.

Tập đoàn Trung Quốc sẽ chủ yếu triển khai các "nhà máy lọc dầu trên biển" này ở vùng biển có độ sâu từ 10 m đến 330 m tạibiển Đông và biển Bột Hải.

Năm nay, Trung Quốc đã trở thành nhà nhập khẩu dầu mỏ lớn nhất thế giới, vượt mặt Mỹ. Điều đó cho thấy rằng, ảnh hưởng của Trung Quốc ngày càng tăng trên thế giới và nước này có khả năng bảo vệ lợi ích quốc gia. Đầu tư vào việc thành lập đội tàu chở dầu cũng có mục đích giảm thiểu rủi ro chính trị liên quan đến việc nhập khẩu nhiên liệu năng lượng.

Nhà phân tích của công ty đầu tư "Arbat Capital" Vitaly Gromadin nói: “Trung Quốc có đủ khả năng thành lập công ty vận tải dầu khô riêng để không phụ thuộc vào các hợp đồng thuê tàu của phương Tây. Không ai biết trong tương lai có thể xảy ra những thay đổi nào trên vũ đài chính trị. Trung Quốc sẽ có thể dễ dàng hơn đối phó với các biện pháp trừng phạt đang được áp dụng, cũng như những biện pháp trừng phạt có thể xuất hiện trong tương lai”.

Đối thủ đầu tiên có thể bị thua trong sự cạnh tranh với đội tàu Trung Quốc là các công ty của Iran. Các chuyên gia cho rằng, nếu loại bỏ các biện pháp trừng phạt chống Iran, thì nước này phải mất rất nhiều thời gian để giành lại vị thế của đội tàu vận tải của mình. Trung Quốc là nước lớn nhất nhập khẩu dầu thô của Iran, thì đội tàu chở dầu của Trung Quốc có nhiều khả năng trở thành hãng độc quyền vận chuyển nhiên liệu hydrocarbon từ Iran.