Trung Quốc thôn tính cảng cửa ngõ châu Âu

Theo thoibaokinhdoanh.vn

Tập đoàn COSCO Shipping, đại gia vận tải biển của Trung Quốc, vừa hoàn tất việc mua lại 67% cổ phần của công ty OLP, nhà điều hành cảng Piraeus, Hy Lạp.

Cảng biển Piraeus lớn nhất Hy Lạp. Nguồn: Internet
Cảng biển Piraeus lớn nhất Hy Lạp. Nguồn: Internet

Theo thỏa thuận, COSCO mua lại cổ phần của công ty OLP với trị giá 368,5 triệu euro (409 triệu USD).

Vấn đề được Quốc hội Hy Lạp chấp thuận vào tháng 7/2016 vừa qua. COSCO sẽ quản lý và điều hành cảng Piraeus đến năm 2052.

Vấn đề sở hữu diễn ra trong hai giai đoạn. Đầu tiên COSCO sở hữu 51% với trị giá 280,5 triệu euro (313,7 triệu USD). 5 năm sau COSCO sẽ sở hữu tiếp 16% còn lại với giá trị 88 triệu euro.

Trước khi trở thành người đứng đầu Chính phủ Hy Lạp, Thủ tướng Alexis Tsipras đã từng phản đối việc tư nhân hóa cảng Piraeus. Tuy nhiên, sau khi có chuyến công du 6 ngày tới Trung Quốc trong tháng 7/2016, ông Tsipras đã thay đổi quan điểm.

Alexis Tsipras thuyết phục cá nhà lập pháp Hy Lạp chấp thuận việc bán cổ phần của công ty OLP - quản lý cảng Piraeus cho COSCO. Đặc biệt, COSCO là công ty duy nhất bỏ thầu việc mua cổ phần OLP.

COSCO cam kết sẽ đầu tư gần 294 triệu euro (326 triệu USD) để mở rộng và nâng cấp cơ sở hạ tầng, bến đậu và sửa chữa cảng Piraeus cũng như tăng thêm chỗ đậu cho ô tô tại cảng.

COSCO muốn biến Piraeus thành một cảng bốc xếp container lớn nhất châu Âu.

Đây được xem là một thành công cực kỳ quan trọng với Bắc Kinh bởi cảng Piraeus được coi là điểm chốt cuối cùng của tuyến đường thương mại “Một con đường, một vành đai” mà Bắc Kinh đang ra sức thiết lập để phục vụ cho tham vọng bành trướng kinh tế cũng như gây ảnh hưởng về mặt địa chính trị đối với khu vực châu Á - Thái Bình Dương và quốc tế.

Bắc Kinh thường khẳng định rằng chiến lược này nhằm kết nối Trung Quốc với đối tác thương mại ở châu Á và châu Âu.

Một số ý kiến cho rằng giới chức Trung Quốc đã nhìn xa hơn trong chuyện thôn tính cảng Piraeus, đó là biến nơi này thành cứ địa trung chuyển tàu của các nước xuất khẩu châu Á.

Một mặt thu được nguồn lợi kinh tế cho Cosco, một mặt phục vụ được ý đồ bành trướng địa chính trị sang hướng Đông Âu, cũng như lót đường để hàng hóa Trung Quốc tràn sang thị trường châu Âu nhiều hơn.

Giáo sư chính trị Trường đại học Bắc Kinh Tạ Hiển Vinh cho rằng Piraeus là cảng gần nhất ở khu vực bắc Địa Trung Hải đến kênh đào Suez, nên từ đây hàng Trung Quốc có thể xâm nhập thị trường châu Âu dễ dàng hơn.

Trong khi đó, theo truyền thông Hy Lạp, Piraeus chỉ cách phía nam thủ đô Athens vài kilômet, là cửa ngõ chính nối từ Hy Lạp với châu Á, Đông Âu và Bắc Phi. Năm 2014, cảng Piraeus đã tiếp nhận 16,8 triệu hành khách và chuyển vận 36 triệu container hàng hóa.