Trung Quốc vay thêm 250 tỷ USD để đẩy mạnh sáng kiến Vành đai và Con đường

Theo Minh Hoàng/theleader.vn

Trung Quốc được dự kiến sẽ đầu tư thêm khoảng 150 tỷ USD vào sáng kiến kết nối thương mại này trong 5 năm tới.

Vành đai và Con đường là đề xuất của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào năm 2013. Ảnh: Asia Pacific Daily. Nguồn: internet
Vành đai và Con đường là đề xuất của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào năm 2013. Ảnh: Asia Pacific Daily. Nguồn: internet

Mặc dù đã trở nên thận trọng hơn do các khoản nợ doanh nghiệp đang gia tăng, nhưng Trung Quốc không có ý định trì hoãn các khoản đầu tư vào sáng kiến "Vành đai và Con đường", với việc chấp thuận vay 250 tỷ USD cho sáng kiến này từ Ngân hàng Phát triển Trung Quốc.

Khoản vay này còn lớn hơn tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Hy Lạp hoặc Phần Lan năm 2016.

Tại Diễn đàn Tài chính châu Á ở Hong Kong, ông Hu Huaibang, Chủ tịch Ngân hàng Phát triển Trung Quốc, cho biết, ngân hàng này đã mở rộng khoản cho vay từ mức cam kết 110 tỷ USD vào cuối năm 2017 cho các dự án dọc theo tuyến đường giao thương cổ đại.

Ngân hàng Phát triển Trung Quốc, có tổng tài sản 2,4 nghìn tỷ USD, được thành lập để cho các dự án phát triển kinh tế và xã hội lớn của nước này vay trong khoảng thời gian trung và dài hạn.

Đây cũng là tổ chức tài chính phát triển lớn nhất thế giới. Ngân hàng này nằm dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Hội đồng Nhà nước và được tài trợ bởi Bộ Tài chính và Trung tâm Đầu tư Huijin, công ty đầu tư lớn nhất Trung Quốc.

"Trung Quốc là trung tâm của chuỗi cung ứng toàn cầu.Nhiều quốc gia muốn tận dụng lợi thế của sáng kiến Vành đai và Con đường", ông Hu nói.

Vành đai và Con đường là đề xuất của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào năm 2013. Sáng kiến thương mại này sẽ lan rộng trên 60 quốc gia ở châu Á, châu Âu và châu Phi và được mệnh danh là "kế hoạch Marshall của Trung Quốc".

Giữa năm 2014 và năm 2016, Trung Quốc đã đầu tư 50 tỷ USD vào các nước tham gia sáng kiến, với khối lượng thương mại lên đến 3 nghìn tỷ USD, ông tiết lộ. Ông ước tính Trung Quốc sẽ đầu tư thêm 150 tỷ USD trong 5 năm tới và giá trị nhập khẩu từ các nước này sẽ lên đến 2 nghìn tỷ USD.

Chủ tịch Ngân hàng đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB) đã nhấn mạnh rằng lợi nhuận là tiêu chuẩn đầu tiên khi quyết định lựa chọn các dự án để tài trợ.

Ông Jin Liqun, Chủ tịch Ngân hàng AIIB, cho biết: "Chúng tôi sẽ không làm ăn thua lỗ".

Được thành lập vào năm 2016, ngân hàng AIIB được giao nhiệm vụ cung cấp tài chính cho các dự án cơ sở hạ tầng ở châu Á như một phần của sáng kiến Vành đai và Con đường. 

"Chúng tôi muốn đảm bảo rằng các dự án này là những dự án hiệu quả và tạo ra doanh thu", ông Jin nói.