Trung Quốc vỡ mộng “chén cơm sắt”

Theo Người Lao Động

(Tài chính) Công chức Trung Quốc đang đổ xô đi tìm việc làm trong khối tư nhân do lo ngại chiến dịch “đả hổ, diệt ruồi”

Kỳ thi công chức Trung Quốc năm 2014 thu hút hơn 1,4 triệu người. Nguồn: internet
Kỳ thi công chức Trung Quốc năm 2014 thu hút hơn 1,4 triệu người. Nguồn: internet

Theo website tuyển dụng zhaopin.com có trụ sở ở Bắc Kinh, hơn 10.000 công chức nhà nước đã nộp hồ sơ xin việc cho nhà tuyển dụng tiềm năng qua trang web này kể từ đầu mùa săn việc thường niên từ tháng 2 đến nay. Con số này tăng 30% so với cùng kỳ năm ngoái và công chức hiện đứng đầu danh sách ứng viên.

“Đây là hiện tượng đáng quan tâm trong năm nay. Trước đây, chúng tôi không chú ý đến nhóm đối tượng này vì rất ít công chức bỏ việc” - bà Hoàng Nhược Thiện, cố vấn cấp cao của zhaopin.com, cho biết.

Ôm nỗi lo chiến dịch chống tham nhũng làm xói mòn đặc quyền, bổng lộc và đe dọa sự an toàn của công việc, nhiều công chức Trung Quốc toan tính tìm sinh kế tại các doanh nghiệp bất động sản, tổ chức tài chính và công ty internet. Theo các cố vấn cấp cao của zhaopin.com, “nhiều công chức thậm chí còn hy vọng kinh nghiệm làm việc và mạng lưới quan hệ có được trong thời gian tại cơ quan nhà nước sẽ là lợi thế để họ tìm việc mới dễ dàng hơn”.

Trước kia, xã hội Trung Quốc bị “ám ảnh” bởi những công việc thuộc khối hành chính nhà nước, nơi có tỉ lệ chọi lên tới 1/87. Trong năm 2010, có 1,6 triệu người tranh nhau 16.000 vị trí công chức. Tuy nhiên, tỉ lệ này giảm dần trong những năm gần đây. Chẳng hạn, theo Hoa thương nhật báo, có 1,4 triệu người nộp đơn thi tuyển công chức cho 22.000 vị trí vào năm ngoái.

Bà Hoàng lập luận chiến dịch “đả hổ, diệt ruồi” do Chủ tịch Tập Cận Bình khởi xướng khiến nhiều công chức bậc trung lo lắng cho sự nghiệp của họ, từng được ví von là “chén cơm sắt” (ám chỉ công việc vô cùng ổn định).

Hơn nữa, xu hướng trên bùng phát có thể còn vì lương công chức hiện nay minh bạch hơn trong lúc hoạt động đánh giá hiệu quả làm việc ngày càng nghiêm ngặt, còn triển vọng thăng tiến không chắc chắn như trước. Hệ thống lương hưu của công chức được cải cách cũng đồng nghĩa với việc họ nhận được ít tiền hơn khi về hưu.

“Việc làm trong khối nhà nước không còn hấp dẫn nữa. Các công chức có kiến thức chuyên môn hay có quan hệ với khối doanh nghiệp tư nhân sẽ nhảy việc thuận lợi hơn những người chỉ đơn thuần xử lý công việc hành chính” - bà Phùng Lệ Quyên, tư vấn trưởng của bộ phận cung cấp nhân lực thuộc trang web 51job.com, nhận xét với báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng.

Bà Phùng cho biết thêm ngay cả những công chức trẻ mới làm cho nhà nước vài năm cũng có ý tìm chân trời mới. “Một năm, chúng tôi chỉ có 5 ngày phép nhưng hầu như không ai dám nghĩ đến chuyện xin nghỉ vì sợ cấp trên không hài lòng” - cô Tưởng Anh - 30 tuổi, phó phòng tài chính cấp huyện tại một thành phố ở tỉnh Chiết Giang - than thở. Cô này manh nha tính chuyện “nhảy” việc từ năm ngoái nhưng vẫn chưa tìm được nơi vừa ý.