Truyền thông quốc tế đồng loạt đăng tải về vụ kiện Biển Đông

Hà Phương

Sau khi Toà Trọng tài Thường trực (PCA) công bố phán quyết về vụ kiện Biển Đông ngày 12/7/2016, các hãng tin, tờ báo lớn như Strait Times, South China Morning Post, Xinhua, Reuters, AP, AFP… đã đồng loạt đăng tải các tin, bài viết trên các mặt báo nhằm ca ngợi phán quyết của PCA.

Toà trọng tài quốc tế bác bỏ 'chủ quyền lịch sử' của Trung Quốc.
Toà trọng tài quốc tế bác bỏ 'chủ quyền lịch sử' của Trung Quốc.

Ca ngợi phán quyết của PCA

Sau khi PCA ở The Hague, Hà Lan ngày 12/7 công bố phán quyết về vụ kiện Biển Đông cho biết, Trung Quốc không có cơ sở pháp lý để đòi quyền lịch sử với các nguồn tài nguyên bên trong “đường lưỡi bò”.

Trong bản phán quyết dài 497 trang, PCA cũng kết luận không thực thể nào ở quần đảo Trường Sa có thể mang lại vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) cho Trung Quốc. Hơn nữa, việc Trung Quốc cải tạo đất, xây dựng các đảo nhân tạo là không phù hợp với nghĩa vụ của một quốc gia trong quá trình giải quyết tranh chấp.

TờStrait Timescủa Singapore dẫn phân tích của Li Mingjiang, chuyên gia về châu Á - Trung Quốc tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam, cho rằng dù phán quyết của PCA bất lợi cho Trung Quốc, song nước này sẽ không rút khỏi Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) bởi Bắc Kinh vẫn còn nhiều lợi ích tại các vùng biển khác cần được công ước bảo vệ, ví dụ như ở Ấn Độ Dương.

“Phán quyết của PCA, Trung Quốc vi phạm chủ quyền Philippines ở Biển Đông” là tựa đề đăng trên trang nhất của báo South China Morning Post của Hong Kong mới đây đã đưa tin đậm nét về vụ việc với nhiều ý kiến đánh giá từ chuyên gia.

Lo ngại phán quyết của PCA tờ Korea Heraldcủa Hàn Quốc cho biết, phán quyết của PCA có thể đẩy nước này vào tình thế “tiến thoái lưỡng nan” trong mối quan hệ “cực kỳ phức tạp” với Trung Quốc.

Theo dự báo của tờ báo này, sau phán quyết của PCA, nhiều khả năng Mỹ sẽ kêu gọi các đồng minh cùng lên tiếng phản đối hành vi hiếu chiến của Trung Quốc ở Biển Đông.

TờChina Postcủa Đài Loan cho biết, ngay từ trước khi có phán quyết của PCA, giới chức Trung Quốc đã liên tục vận động hành lang trên toàn cầu để các nước ủng hộ quan điểm của Trung Quốc bác bỏ phán quyết của PCA.

Tờ báo này cho rằng, trong bối cảnh Trung Quốc vẫn khăng khăng không chấp thuận một bên thứ 3 làm trung gian hòa giải tranh chấp ở Biển Đông với các nước có liên quan và cho rằng, đối thoại là cách duy nhất để giải quyết tranh chấp, Trung Quốc sẽ vấp phải áp lực rất lớn để có thể đạt được một kết quả khả dĩ như tuyên bố của họ.

Nhìn nhận ở khía cạnh khác, tờJakarta Globelại lấy vụ Philippines kiện Trung Quốc lên PCA làm “hình mẫu” mà giới chức Indonesia cần học hỏi trong việc giải quyết tranh chấp lãnh thổ với Malaysia ở Biển Đông.

Đáng chú ý là thông tin đăng tải trên tờ Nikkei của Nhật Bản gọi phán quyết của PCA là văn bản pháp lý khẳng định rằng “một số hành động của Trung Quốc ở khu vực trong những năm gần đây đã đi quá giới hạn”.

Chưa hết, tờ báo này đã dẫn lời GS. Makoto Seta từ Đại học Yokohama cho biết: “Đây là một bản án vô cùng nghiêm khắc đối với Trung Quốc và Bắc Kinh sẽ phải xấu hổ trước dư luận quốc tế vì điều này”.

Thời khắc chuyển mình” của khu vực

Trong những ngày qua, không chỉ các tờ báo, hãng tin ở châu Á tích cực đăng tải các tin, bài về phán quyết PCA, mà các tờ báo, hãng tin ở các nước trên thế giới cũng đã phản ánh tuyên truyền sâu đậm xung quanh vấn đề này.

“Phán quyết của PCA đã tạo ra một thời khắc chuyển mình của khu vực…”, hãng tin AP dẫn lời một giáo sư về kinh tế chính trị ở châu Á.

BBCđăng bài viết với tựa đề “Tuyên bố của Trung Quốc về Biển Đông bị tòa trọng tài bác bỏ” trên mục nổi bật. Kênh này cũng đưa chi tiết các điểm mấu chốt trong phán quyết vừa được tòa đưa ra, đồng thời dẫn lại bình luận của Philippe Sands, luật sư đại diện cho Philippines trong vụ kiện, khẳng định đây là một "phán quyết rõ ràng và thống nhất".

Không giống với các bài báo khen ngợi về phán quyết của PCA của các báo, hãng thông tấn Xinhuacho biết, Trung Quốc “không chấp nhận và không công nhận phán quyết yếu kém” từ Tòa Trọng tài về “đường lưỡi bò”…

Trước đó, năm 2013, Philippines đã khởi kiện “đường lưỡi bò” của Trung Quốc và cho rằng nó không phù hợp với Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) và cần được tuyên bố là vô căn cứ. Philippines khẳng định rằng một số rạn san hô và bãi cát ngầm bị Trung Quốc chiếm đóng không được hưởng lãnh hải hoặc làm cơ sở để tuyên bố có lãnh hải. Tháng 10/2015, PCA tuyên bố có thẩm quyền xử vụ kiện.

Trung Quốc nhiều năm nay giữ quan điểm rằng tranh chấp với các nước có tuyên bố chủ quyền chồng lấn ở Biển Đông cần được giải quyết song phương và kiên quyết không tham gia vụ kiện, cảnh báo sẽ phớt lờ phán quyết từ PCA./.