TTCK Mỹ và "ảo giác 2007"

Theo cafef.vn

(Tài chính) Hiện nay, thị trường đang có nhiều điểm tương đồng với năm 2007.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Nếu Rip van Winkle “ngủ gật” năm 2007 và tỉnh dậy ngày hôm nay, có thể anh sẽ không nhận ra rằng đã tồn tại một cuộc khủng hoảng tài chính. Credit spread (chênh lệch giữa lợi suất của một loại trái phiếu và lợi suất của trái phiếu chính phủ với cùng kỳ hạn) ở mức thấp, giá nhà đang tăng lên và hoạt động M&A rất sôi động. Hai chỉ số chính của TTCK Mỹ là Dow Jones và S&P 500 liên tục lập kỷ lục trong khi khối lượng giao dịch cực thấp.

Tuy nhiên, Rip sẽ bị sốc khi kiểm tra lãi suất của khoản tiền đang gửi trong tài khoản tiết kiệm. 5 năm qua, lãi suất ở các nước phát triển đã hạ xuống mức gần 0. 

TTCK Mỹ và
Thị trường khởi đầu năm 2014 với tâm lý lạc quan, cho rằng chứng khoán sẽ có diễn biến tốt (phố Wall đã tận hưởng năm 2013 với chỉ số S&P 500 tăng tới 30%). Sau đó, một loạt tin xấu kéo đến, bao gồm GDP Mỹ sụt giảm trong quý I, căng thẳng Đông – Tây về vấn đề Ukraine và tình hình ở Iraq đẩy giá dầu lên cao. Ở châu Âu cũng xuất hiện những dấu hiệu cho thấy đà phục hồi bị chững lại. Tháng 6, hoạt động sản xuất của eurozone giảm mạnh hơn dự báo trong khi niềm tin tiêu dùng của người Đức bất ngờ rơi xuống mức thấp nhất 6 tháng.

Khảo sát mới nhất được Bank of America Merril Lynch thực hiện trên các nhà đầu tư định chế cho thấy khoảng 48% các chứng khoán đang được định giá cao hơn so với giá trị thực trong khi chỉ có 15% nhà đầu tư cảm thấy như vậy. 

Thêm một yếu tố đứng đằng sau đà tăng mạnh mẽ của thị trường là mua lại cổ phiếu. Theo chuyên gia Andrew Smithers, các công ty Mỹ đã mua vào lượng cổ phiếu quỹ có giá trị tương đương 2,5% GDP. 

Mọi người đã tưởng nhầm rằng các doanh nghiệp Mỹ đẩy mạnh mua cổ phiếu bởi là bởi bảng cân đối kế toán của họ đã được cải thiện. Một số công ty như Apple đang tràn trề tiền mặt. Tuy nhiên, Andrew Lapthorne (đến từ Société Générale) tính toán rằng các doanh nghiệp Mỹ đang gánh tổng số nợ cao kỷ lục 2.300 tỷ USD, tăng 14% trong năm vừa qua. Tỷ lệ nợ dài hạn/tổng tài sản đang ở gần mức đỉnh được lập năm 2009.

Đồng thời, lợi nhuận của các doanh nghiệp cũng bộc lộ những dấu hiệu bất ổn. Con số thống kê từ Cơ quan phân tích kinh tế (BEA) cho thấy lợi nhuận đã sụt giảm 198 tỷ USD trong quý I trong khi dòng tiền ròng giảm khoảng 120 tỷ USD. Mặc dù thời tiết lạnh giá bất thường là một nguyên nhân lớn, cần lưu ý rằng lợi nhuận từ thị trường nước ngoài cũng giảm 26 tỷ USD. 

Tuy nhiên, giới phân tích đã phớt lờ những con số của BEA và vẫn đang dự báo lợi nhuận sẽ tăng lên trong năm nay.  Lợi nhuận tăng là điều kiện cần thiết để điều chỉnh giá trị của chứng khoán hiện nay. Tỷ lệ P/E điều chỉnh chu kỳ (CAPE) hiện ở mức 25,6 lần – cao hơn nhiều so với mức trung bình 16,5 lần của lịch sử. 

Tuy nhiên, những chỉ số này cũng không thể làm nản lòng các nhà đầu tư – những người tin rằng cuối cùng thì các ngân hàng trung ương sẽ hỗ trợ thị trường. Báo cáo mới đây của Fed đã trấn an dư luận: cho dù chương trình mua tài sản hàng tháng bị cắt giảm, Fed sẽ không vội vã nâng lãi suất. Trong cuộc họp chính sách gần đây nhất, ECB hạ lãi suất tiền gửi xuống mức âm trong khi NHTW Nhật Bản vẫn tiếp tục tăng lượng cung tiền. Chỉ duy nhất NHTW Anh đưa ra dấu hiệu sẽ nâng lãi suất vào cuối năm nay. 

Các NHTW đang ở thế tiến thoái lưỡng nan. Dù tiếp tục giữ lãi suất ở mức thấp hay nâng lãi suất, cuối cùng vẫn là những kết quả không mấy sáng sủa.  Làn sóng đầu cơ năm 2007 sẽ không lặp lại, nhưng khi kết quả vẫn chưa rõ ràng, rất ít nhà đầu tư muốn từ bỏ chiến lược vốn luôn đem lại cho họ chiến thắng.