Về nợ xấu tại Trung Quốc hiện nay

Theo Minh Đức/thoibaonganhang.vn

Số liệu thống kê chính thức của Ngân hàng trung ương (NHTW) Trung Quốc cho thấy nợ xấu đã có sự gia tăng liên tục trong một số năm gần đây.

NHTW Trung Quốc cho biết nợ xấu đã có sự gia tăng liên tục trong một số năm gần đây.. Nguồn: Internet
NHTW Trung Quốc cho biết nợ xấu đã có sự gia tăng liên tục trong một số năm gần đây.. Nguồn: Internet

Sau khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008, để đối phó với tình trạng tăng trưởng kinh tế giảm sút, Trung Quốc đã phải tung ra gói kích thích kinh tế trị giá 4.000 tỷ RMB. Trong quá trình triển khai gói kích thích 4.000 tỷ RMB, thay vì lựa chọn thực hiện thông qua chính sách tài khóa mở rộng, gói kích thích này được tiến hành chủ yếu thông qua chính sách tiền tệ mở rộng, đó là thực hiện bơm tiền vào thẳng các NHTM Nhà nước, từ đó thúc đẩy hoạt động cho vay và mở rộng tín dụng trong nền kinh tế.

Trong gói kích thích kinh tế trị giá 4.000 tỷ RMB, phần lớn các khoản cho vay được dành cho đầu tư vào cơ sở hạ tầng đã khiến không chỉ quy mô tín dụng mà cả quy mô đầu tư tài sản cố định tăng trưởng nóng. Với việc tăng trưởng kinh tế vốn đã dựa quá nhiều vào đầu tư trước đây, nay lại có thêm gói kích thích kinh tế mới, hiệu quả của các khoản đầu tư ngày càng suy giảm. 

Thêm vào đó, chính quyền địa phương, bị hấp dẫn bởi chính sách kích thích kinh tế của chính phủ cũng tìm mọi cách huy động vốn để phục hồi kinh tế địa phương - trong đó bao gồm cả việc gây sức ép lên hệ thống NHTM tại địa phương để được tiếp cận các khoản tín dụng. Đối với hệ thống ngân hàng, việc buộc phải cho nhiều doanh nghiệp và chính quyền địa phương vay vốn với các điều kiện cho vay tương đối dễ dàng đã làm ẩn chứa nguy cơ gia tăng nợ xấu.

Trên thực tế, số liệu thống kê chính thức của NHTW Trung Quốc cho thấy nợ xấu đã có sự gia tăng liên tục trong một số năm gần đây. Nếu vào năm 2012 tỷ lệ nợ xấu tại Trung Quốc chỉ ở mức dưới 1% thì từ năm 2013 trở lại đây nợ xấu đã bắt đầu hình thành xu hướng gia tăng liên tục. Tính đến hết quý II/2017, nợ xấu của Trung Quốc đang ở mức 1,74%, mức cao nhất kể từ năm 2010 đến nay.

Mặc dù nếu so với tỷ lệ nợ xấu bình quân của thế giới mà World Bank tính toán (trung bình ở mức 3,93% tại thời điểm 31/12/2015), thì tỷ lệ nợ xấu của Trung Quốc hiện vẫn thấp hơn nhiều so với mức bình quân này. Tuy nhiên, cách tính toán chỉ tiêu nợ xấu của Trung Quốc có nhiều điểm khác biệt so với chuẩn mực kế toán quốc tế (IAS) và thông lệ phân loại nợ xấu ở hầu hết các quốc gia. Do đó, trên thực tế nếu tính toán theo chuẩn quốc tế tỷ lệ nợ xấu của Trung Quốc có thể còn cao hơn.

Về nợ xấu tại Trung Quốc hiện nay - Ảnh 1
Nguồn: PboC

Cụ thể theo ước tính của các tổ chức quốc tế, tỷ lệ nợ xấu của Trung Quốc có thể dao động từ mức 5% đến trên 20%. Theo ước tính của tổ chức tư vấn CLSA, nợ xấu của Trung Quốc tính đến thời điểm cuối năm 2015 ở mức khoảng 5%. Trong khi đó, ước tính của BNP Baribas cho thấy nợ xấu của Trung Quốc đã gần xấp xỉ 10% và theo ước tính của Fitch Ratings và Bloomberg thì nợ xấu của Trung Quốc còn ở mức cao hơn, có thể lên đến 21%.

Chính phủ Trung Quốc đã cam kết sẽ tìm giải pháp làm giảm rủi ro tài chính trong hệ thống ngân hàng ở nước này, giảm nợ xấu, đồng thời áp dụng các biện pháp mang tính thị trường tự do nhiều hơn. Trên thực tế, một số biện pháp đã được áp dụng mạnh mẽ trong năm 2016 như tăng trích lập dự phòng rủi ro trong hệ thống, chuyển nợ xấu thành cổ phần, thực hiện nghiệp vụ hoán đổi tín dụng…

Mặc dù vậy, theo đánh giá của các chuyên gia, các giải pháp điều hành trên vẫn chưa đạt được kết quả như mong muốn. Thậm chí, hiện tại nhiều ngân hàng Trung Quốc đang có xu hướng giảm mức dự phòng vốn dùng để xử lý các khoản nợ xấu vì mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận.

Theo thống kê của NHTW Trung Quốc, mức tăng trưởng dự phòng vốn để giải quyết nợ xấu của 4 ngân hàng nhà nước lớn nhất chỉ tăng thêm khoảng 5,4% trong nửa đầu năm 2017, thấp hơn tốc độ tăng trưởng tín dụng nói chung và thấp hơn tốc độ tăng trưởng các khoản vay có độ rủi ro lớn nhất tại các ngân hàng này.

Ngoài ra, hiện tại chính phủ Trung Quốc vẫn thông qua các ngân hàng nhà nước để tài trợ vốn cho các dự án cơ sở hạ tầng ở nước này để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, phần lớn trong số đó là thuộc diện không hiệu quả. Điều này tiếp tục làm xói mòn hiệu quả sử dụng vốn của các ngân hàng Trung Quốc.

Như vậy, vấn đề ở đây vẫn là thay đổi triệt để tư duy điều hành của các nhà hoạch định chính sách tại Trung Quốc. Để thực sự xử lý được các khoản nợ xấu, chính phủ Trung Quốc phải chấp nhận sự đánh đổi một mức tăng trưởng lợi nhuận thấp hơn của hệ thống ngân hàng trong nước.

Còn trong dài hạn, quốc gia này sẽ phải chấp nhận một mức tăng trưởng thấp hơn nhưng đảm bảo dòng vốn sẽ đi vào những khu vực hiệu quả trong nền kinh tế. Đây là vấn đề đã được các nhà lãnh đạo Trung Quốc nhắc đến nhiều tuy nhiên thực tế triển khai chưa được như mong muốn.