Venezuela - Cuộc chiến giá cả

Theo saigondautu.com.vn

(Tài chính) Chính phủ của Tổng thống Venezuela Nicolás Maduro tuần trước cho biết đã bỏ tù hơn 100 doanh nhân, với cáo buộc những người này đã đẩy giá cả lên gấp 10 lần giá gốc, làm lũng đoạn nền kinh tế.

  Venezuela - Cuộc chiến giá cả
Quân đội ngăn chặn đám đông tràn vào một cửa hàng điện tử. Nguồn: internet

Ông Maduro gọi những doanh nhân đó là các “ký sinh trùng tư sản”, và cho biết sẽ có những biện pháp mạnh để chống lại cuộc “chiến tranh kinh tế” về giá cả mà những doanh nhân đó tiến hành. Trong tuần trước, Tổng thống Maduro đã cho quân đội đến phong tỏa các cửa hàng điện tử bị ông buộc tội tăng giá vô căn cứ, tích trữ và đầu cơ. Một số nhân chứng tại hiện trường kể lại với tờ Finacial Times (FT - Anh) rằng những cửa hàng sau đó đã bị đám đông ùa vào cướp bóc, hôi của.

Ngoài những người bị bắt, ông Maduro cũng cho người đi thanh tra khoảng 1.400 doanh nghiệp tư nhân khác. Ông cũng yêu cầu nhà sản xuất lốp xe Hoa Kỳ Goodyear phải giảm giá. Theo thông cáo từ chính phủ, các doanh nhân bị bắt là những người vô đạo đức, là những “ký sinh trùng giai cấp tư sản”, đã nâng giá một số loại hàng hóa lên tới hơn 1.000%.

“Chúng tôi sẽ không khoan nhượng trước cuộc tấn công kinh tế này” - ông Maduro tuyên bố và cho biết sẽ sớm ban hành một mức trần đối với biên lợi nhuận của các doanh nghiệp, đồng thời gia tăng kiểm soát để thiết lập công bằng giá cả. “Họ đang lợi dụng những khó khăn của Venezuela để lũng đoạn nền kinh tế” - ông Maduro nói về các doanh nhân vừa bị bắt.

Tuy nhiên, trong mắt các nhà quan sát quốc tế, những động thái này là một nỗ lực để biến khu vực tư nhân thành “vật tế thần” cho nền kinh tế đang xấu đi của Venezuela. Chính phủ Tổng thống Maduro thừa hưởng một quả bom hẹn giờ về kinh tế từ cựu lãnh đạo Hugo Chávez.

Những chính sách bị tê liệt đã dẫn đến suy giảm dự trữ ngoại tệ và lạm phát phi mã 54%, trong khi nguồn cung nhiều loại thực phẩm và hàng hóa bị thiếu hụt trầm trọng. Các nhà kinh tế cho rằng tình trạng này là kết quả của biến dạng thị trường tiền tệ. Tuy nhiên, Tổng thống Maduro lại đổ lỗi cuộc khủng hoảng cho các lực lượng cánh hữu ủng hộ Hoa Kỳ, mà theo ông đang cố gắng gây bất ổn cho đất nước.

“Maduro đã cố gắng đóng khung cuộc khủng hoảng này như một cuộc chiến tranh kinh tế được thực hiện để chống lại chính phủ của ông, nhưng khảo sát cho thấy các giả thuyết của Maduro chỉ thuyết phục được từ 5 - 20% dân chúng” - theo David Smilde, một chuyên gia của Công ty Nghiên cứu Washington Office có trụ sở ở Caracas.

Kiểm soát giá cả và hạn chế trao đổi ngoại tệ nghiêm ngặt đã tạo nên tình trạng khan hiếm USD dùng để chi trả cho nhập khẩu, khiến người dân phải tìm đến thị trường chợ đen, nơi bán USD với giá cao hơn gần 10 lần so với tỷ giá chính thức của nhà nước là 6,3 bolívar ăn 1USD.

Trong một diễn biến được một số nhà phân tích xem như một nỗ lực để tăng cường dự trữ USD, công ty dầu khí quốc doanh PDVSA đã khởi động kế hoạch bán 4,5 tỷ USD trái phiếu. Các nhà kinh tế Alejandro Arreaza và Alejandro Grisanti của Ngân hàng Barclays đã viết trong một lưu ý khách hàng: “Sử dụng nợ để duy trì nguồn cung ngoại hối làm nổi bật tính thiếu nhất quán trong các chính sách của chính phủ”.

Cách làm của ông Maduro sẽ được phán xét vào ngày 8/12 tới, khi Đảng Xã hội cầm quyền phải đối mặt với các cuộc bầu cử địa phương. “Có vẻ như các phe cực đoan đã thắng trong cuộc chiến kinh tế và chính phủ cuối cùng cũng phải lựa chọn cách cực đoan, triển khai mô hình kiểm soát chặt chẽ nền kinh tế. Trước cuộc bầu cử, nó rất có ý nghĩa vì sức mạnh kinh tế được dịch chuyển sang quyền lực chính trị” - theo Henkel García, Giám đốc Công ty Tư vấn Econométrica có trụ sở Caracas.