Vì sao giới đầu tư “quay lưng” với vàng?

Theo vneconomy.vn

(Tài chính) Trào lưu đổ xô mua vàng của giới đầu tư toàn cầu đẩy giá vàng tăng liên tục trong suốt 12 năm qua đang đi vào hồi kết. Ngay cả các ngân hàng trung ương, nhóm chuyển từ bán ròng sang mua ròng vàng trong những năm gần đây, cũng đang có dấu hiệu chán vàng.

Vì sao giới đầu tư “quay lưng” với vàng?
Vàng, một tài sản không sinh lợi tức và có thể mất chi phí nắm giữ, cũng đang trở nên kém hấp dẫn hơn nếu so sánh với những kênh đầu tư khác. Nguồn: internet
Tờ Wall Street Journal dẫn số liệu mới nhất từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho biết, trong tháng 9 vừa qua, Ngân hàng Trung ương Nga đã có lần đầu tiên bán ròng vàng trong vòng 1 năm trở lại đây. Kể từ đầu năm 2010, Nga chiếm khoảng 30% khối lượng vàng mua vào của các ngân hàng trung ương trên toàn cầu.

Cũng giống như các quốc gia mới nổi khác, Nga mua vàng để đa dạng hóa dự trữ ngoại hối. Việc nước Nga và các quốc gia khác giảm hứng thú với vàng sẽ là một nguồn sức ép giảm giá nữa đối với vàng, sau khi giá kim loại quý này đã hạ 19% từ đầu năm tới nay. Lần gần đây nhất giá vàng giảm trong cả năm là vào năm 2000.

Sức mạnh tăng giá của vàng ban đầu được đẩy lên cao khi các sản phẩm tài chính mới được tung ra vào giữa thập niên 2000, cho phép các nhà đầu tư thuộc mọi dạng tiếp cận dễ dàng hơn với vàng. Sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, giá vàng tăng tốc khi giới đầu tư tranh nhau mua vào vì lo ngại chính sách tiền tệ dễ dãi của các ngân hàng trung ương sẽ châm ngòi cho sự bùng nổ của lạm phát và sự sa sút thảm hại giá trị tiền giấy.

Nhưng 5 năm sau đó, lạm phát toàn cầu vẫn ở mức thấp, kéo theo là sức hấp dẫn của vàng sa sút theo.

Vàng, một tài sản không sinh lợi tức và có thể mất chi phí nắm giữ, cũng đang trở nên kém hấp dẫn hơn nếu so sánh với những kênh đầu tư khác. Việc giới đầu tư và các nhà phân tích tin tưởng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ sớm thu hẹp chương trình nới lỏng định lượng QE3 đã làm lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ gia tăng. Cùng với đó, triển vọng hồi phục của kinh tế Mỹ đã đưa các chỉ số chính của thị trường chứng khoán Phố Wall lên mức cao kỷ lục.

“Vàng hiện nay thực sự không có nhiều sức hút”, ông Joseph Murphy, một nhà phân tích cấp cao thuộc quỹ hàng hóa trị giá 2 tỷ USD Hermes Commodities ở London, nhận xét. Quỹ này đã cắt giảm nắm giữ vàng trong năm nay. “Mọi người đang đi tìm các cơ hội tốt hơn, trên thị trường trái phiếu hoặc cổ phiếu”.

Những nhà đầu cơ sừng sỏ đã hứng chịu thua lỗ trong đợt giảm giá năm nay của vàng. Quỹ vàng của tỷ phú đầu cơ John Paulson mất tiền. Vào tháng 6, nhà đầu tư chứng khoán kỳ cựu Jeffery Vinik đóng cửa quỹ đầu cơ của mình và trả lại hàng tỷ USD cho khách hàng sau khi đạt kết quả đầu tư không như kỳ vọng vì sai lầm trong đặt cược vào cổ phiếu của các công ty khai mỏ vàng.

Các ngân hàng trung ương đã liên tục bán ròng vàng cho tới năm 2009. Đến năm 2010, nhóm này trở thành đối tượng mua ròng vàng. Dẫn đầu xu hướng mua vàng là ngân hàng trung ương của các nền kinh tế mới nổi. Các quốc gia này có lượng dự trữ ngoại hối gia tăng mạnh do thặng dư cán cân thương mại ở mức cao.

Tuy nhiên, đến năm nay, xu hướng này đảo ngược. Do tăng trưởng kinh tế giảm tốc ở các nền kinh tế mới nổi và giới đầu tư chuyển sang hứng thú hơn với tài sản ở các nền kinh tế phát triển, ngân hàng trung ương của các quốc gia mới nổi đã phải dùng dự trữ tiền mặt để ngăn các biến cố kinh tế và hỗ trợ tỷ giá đồng nội tệ. Vì lý do này, họ không còn nhiều USD để mua vàng.

Theo dự báo của công ty tư vấn Thomson Reuters GFMS, lượng vàng mua ròng của các ngân hàng trung ương trong năm 2013 có thể giảm 34% so với năm ngoái. Sự thoái lui của các ngân hàng trung ương đối với vàng diễn ra 2 năm sau khi khối này liên tục mua ròng với khối lượng năm sau cao hơn năm trước. Theo IMF, trong tháng 9, Ngân hàng Trung ương Nga đã bán 12.000 ounce vàng.

Giới chuyên môn nhận định, đợt giảm giá vàng của năm nay đã khiến các ngân hàng trung ương có thái độ thận trọng với vàng đứng ngoài thị trường, chờ cho tới khi giá cả ổn định hơn. Cũng theo số liệu của IMF, tính đến hết tháng 8 năm nay, tổng khối lượng vàng dự trữ của các ngân hàng trung ương trên toàn cầu tăng thêm 6,2 triệu ounce, so với mức tăng thêm 9,6 triệu ounce trong cùng kỳ năm 2012.

IMF thu thập các dữ liệu nói trên thông qua các bản báo cáo tự nguyện từ các ngân hàng trung ương. Dữ liệu được xem là chính xác đối với hầu hết các quốc gia. Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng, mức dự trữ 33,9 triệu ounce vàng mà Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đưa ra là thấp hơn so với thực tế. Trung Quốc hiện là nước nắm giữ vàng lớn thứ 5 trên thế giới. IMF cho rằng, các ngân hàng trung ương toàn cầu hiện dự trữ hơn 1 tỷ ounce vàng, tương đương khoảng 29.000 tấn vàng.

Dù tốc độ mua vàng của các ngân hàng trung ương nói chung có giảm, hầu hết các ngân hàng trung ương vẫn duy trì nắm giữ đối với số vàng mà họ đã mua. Nhiều nhà phân tích cũng tin rằng, các ngân hàng trung ương sẽ tiếp tục tăng nắm giữ vàng, dù với tốc độ chậm hơn. Phát biểu tại một sự kiện của ngành vàng vào tháng 9, các quan chức ngân hàng trung ương từ Pháp, Đức và Argentina nói rằng, biến động giá vàng chưa thể khiến họ lên kế hoạch bán ra kim loại quý này.

Các quan chức ngân hàng trung ương nói rằng, mua vàng là một phần trong chiến lược đầu tư dài hạn được tính bằng hàng thập kỷ của họ. Các ngân hàng trung ương nhìn nhận việc nắm giữ vàng cũng tương tự như việc nắm giữ các đồng tiền mạnh như USD hay Yên Nhật, giống như một công cụ để đảm bảo sự ổn định cho các điều kiện kinh tế hoặc can thiệp vào thị trường tiện tệ khi cần thiết. Bởi vậy, các ngân hàng trung ương xem việc lãi hay lỗ đối với nắm giữ vàng chỉ là vấn đề thứ yếu.

Tuy nhiên, các nhà đầu tư nói rằng, giá vàng sẽ càng khó mà tăng nổi trong bối cảnh các ngân hàng trung ương không còn “khát” vàng như trước. “Các nhà đầu tư, cho dù đó là nhà đầu tư nhỏ lẻ hay ngân hàng trung ương, đều có thể hành động kiểu bầy đàn”, ông Christoph Eibl, Giám đốc điều hành quỹ Tiberius Asset Management quản lý 1,55 tỷ USD, đánh giá.