Viện trợ phát triển kiểu mới

Theo Trí thức trẻ

(Taichinh) - Các nước đang tìm ra cách để nguồn vốn viện trợ chảy vào các nước đang phát triển và nghèo đói hơn hoạt động hiệu quả hơn.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Tóm tắt:

- Để giải quyết vấn đề này, các nước phát triển đang cố gắng đưa ra một cách tiếp cận hoàn toàn mới: chỉ cấp viện trợ nếu tình hình được cải thiện. Nước nhận viện trợ sẽ đặt ra mục tiêu. Hai bên sẽ thống nhất về số tiền nhận được nếu đạt mục tiêu.

- Cách tiếp cận mới giúp giảm tình trạng quan liêu và thất thoát tiền viện trợ


Từ nhiều thập kỷ nay, các nước giàu vẫn tìm cách hỗ trợ kinh tế toàn cầu tăng trưởng thông qua các khoản viện trợ cho những nước kém phát triển hơn. Con số đã lên đến 135 tỷ USD mỗi năm và được dự báo sẽ còn tăng lên. Tuy nhiên, theo Erik Solheim – chuyên gia đến từ Ủy ban hỗ trợ phát triển trực thuộc OECD, thành công của các chương trình viện trợ sẽ phụ thuộc vào ý chí chính trị của nước nhận viện trợ và đáng buồn là điều này vẫn còn thiếu.

Đôi khi, lĩnh vực mà các nước tài trợ hướng đến lại không phải là thứ mà nước nhận viện trợ coi là ưu tiên hàng đầu. Bởi vậy, chính phủ các nước nghèo thường không thể giữ được thỏa thuận ban đầu. Số tiền viện trợ dành cho việc xây trường học có thể bị chiếm dụng, hay các xe cứu hỏa từ thiện có thể nằm im trong kho vì phải đợi phụ tùng thay thế.

Để giải quyết vấn đề này, các nước phát triển đang cố gắng đưa ra một cách tiếp cận hoàn toàn mới: chỉ cấp viện trợ nếu tình hình được cải thiện. Nước nhận viện trợ sẽ đặt ra mục tiêu (ví dụ như giảm tỷ lệ trẻ sơ sinh tử vong hay tăng số bé gái hoàn thành chương trình học phổ thông. Hai bên sẽ thống nhất về số tiền nhận được nếu đạt mục tiêu.

Phần lớn các nước phát triển vẫn sử dụng phương pháp tiếp cận truyền thống, nhưng một số quốc gia (như Anh và Na Uy) và một số quỹ từ thiện lớn (trong đó có Bill and Melinda Gates Foundation của tỷ phú Bill Gates) đang áp dụng cách tiếp cận mới.

Một vấn đề khác khiến các nước viện trợ lo ngại là tình trạng tiền viện trợ bị ăn cắp hoặc sử dụng một cách lãng phí. Chi phí mà World Bank bỏ ra cho 1 m2 đường ở các nước mà doanh nghiệp báo cáo họ phải hối lộ 2% giá trị hợp đồng sẽ cao hơn 50% so với ở các nước có chi phí hối lộ thấp hơn, mặc dù các biện pháp chống tham nhũng hối lộ của World Bank được thực hiện đồng đều trên toàn thế giới.

Một lý do khác là nước viện trợ thiếu niềm tin vào các thủ tục hành chính ở địa phương. Cách tiếp cận mới mang đến một số ưu điểm. Ví dụ, để có nhiều trẻ em được tiêm phòng hơn, nước nhận viện trợ cần đến những chiếc hộp giữ lạnh để vaccine không bị hỏng, đồng thời cần thêm tiền để trang trải chi phí vận chuyển đến những ngôi làng ở vùng sâu vùng xa. Theo cách viện trợ truyền thống, nước viện trợ khó có thể hình dung những vấn đề thiếu sót trong từng trường hợp. Trong chiến lược mới, nước nhận viện trợ sẽ tự chọn con đường hướng tới mục tiêu và chỉ cần tuân thủ những quy định cơ bản (như tôn trọng nhân quyền). Chính phủ nước nhận viện trợ bắt đầu bằng cách sử dụng tiền của riêng họ và từ tiền viện trợ của các chương trình trước đó. Nếu thành công, họ sẽ nhận được phần thưởng.

Các yếu tố của mô hình mới đã có trong một số chương trình viện trợ môi trường, giáo dục và y tế. Chính phủ Na Uy viện trợ cho một số nước để bảo tồn rừng và giảm khí thải carbon. Kể từ năm 2008, nước này đã trả tiền cho Brazil để nước này bảo vệ cây xanh. Các hình ảnh từ vệ tinh được sử dụng để giảm sát. Brazil sẽ tự quyết định biện pháp những biện pháp cứu cây xanh như mở rộng các công viên quốc gia, ngăn chặn dân phá rừng trồng mía ở khu vực Amazon và cải thiện hệ thống đăng ký đất trên toàn quốc.

Năm 2012, nước Anh cũng đồng ý trả cho Ethiopia 100 bảng (tương đương 157 USD) cho mỗi học sinh tham gia thi tốt nghiệp phổ thông và thêm 100 USD nữa cho mỗi học sinh thi đỗ. Tiền sẽ giảm xuống nếu đó là học sinh nam hay các học sinh sống ở những vùng có kinh tế phát triển. 2 năm sau, Ethiopia có thêm gần 45.000 học sinh tham gia thi và 42.000 học sinh thi đỗ.

Quan liêu là vấn nạn thường đi kèm với các chương trình viện trợ truyền thống gắn liền với các kế toán và nhà quản lý. Ngược lại, trong các chương trình theo phương pháp mới, điều cần quan tâm duy nhất là các thước đo đo lường kết quả. Điều này đặc biệt quan trọng khi dữ liệu quốc gia được sử dụng.

Chương trình tăng tỷ lệ trẻ em được tiêm vaccine trên toàn cầu là một ví dụ điển hình. Được khởi động từ năm 2000, sáng kiến công – tư có tên gọi GAVI thanh toán cho các nước nghèo 20 USD cho mỗi trẻ em được tiêm đủ 3 mũi chống các bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván. Kết quả nghiên cứu cho thấy khoảng cách giữa con số được báo cáo bởi các quan chức và số liệu có được từ khảo sát các hộ gia đình tăng lên trong những năm chương trình GAVI được thực hiện.

Bằng cách lập ra và đo lường các mục tiêu, phương pháp “thanh toán tiền lúc bàn giao” được cho là sẽ tạo nên sự cạnh tranh công bằng. Salud Mesoamérica, chương trình công – tư được vận hành bởi Ngân hàng Phát triển Liên châu Mỹ sẽ trả tiền cho những nước châu Mỹ có thể cải thiện dịch vụ y tế cho những công dân nghèo khó nhất.

Với phương pháp mới, các nước nhận viện trợ có nhiều hơn động lực để ngăn chương trình thất bại. Có lẽ lợi ích lớn nhất từ phương pháp mới là khuyến khích các chính trị gia và quan chức đảm bảo tiền của chính phủ đến các trường hợp và bệnh viện đúng lúc.