Vốn Nga chảy khỏi các ngân hàng nước ngoài

Theo gafin.vn

(Tài chính) Khách hàng Nga bắt đầu rút tiền từ các tổ chức tín dụng thuộc sở hữu của người nước ngoài.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Đài tiếng nói nước Nga hôm nay 11/5 dẫn số liệu cho biết, chỉ riêng vào tháng 3 năm 2014, số tiền chảy khỏi 60 tổ chức tín dụng nước ngoài lên tới 63 tỷ rúp (1,8 tỷ USD ).

Rất nhiều người dân Nga và hàng loạt tổ chức Nga rút tiền gửi của mình và đóng tài khoản tại chi nhánh của các ngân hàng nước ngoài trên địa bàn Nga. Đứng số một về lượng vốn chảy ra là ngân hàng Moscomprivatbank, và gần đây là Privatbank của Ukraine. Nguồn vốn ngân hàng đã giảm đi 40%.

Ngoài ra, trong top 10 các ngân hàng bị thiệt hại có:ngân hàng HCF - công ty con của Home Credit Group ở Séc; Raiffeisenbank (chi nhánh của ngân hàng lớn Raiffeisen của Áo); Rosbank – công ty con của nhóm Pháp Societe Generale; Citibank – công ty con của Citigroup ở Mỹ và các chi nhánh của tập đoàn Đức Deutsche Bank, BNP Paribas và Credit Agricole của Pháp, Ngân hàng ING (Hà Lan), Commerzbank (Đức).

Người Nga không còn xem xét các ngân hàng đó là nơi an toàn để gửi tiền. Nhận định về tình hình này, tiến sĩ kinh tế Yosif Diskin cho rằng: “Trước hết, người dân Nga lo lắng công ty con của các ngân hàng nước ngoài sẽ chấm dứt hoạt động trên lãnh thổ Nga do các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga của phương Tây.

Mỹ và các nước đồng minhh tiếp tục dùng lệnh trừng phạt để gây sức ép với chính quyền Nga. Các nghị sỹ Mỹ, trong đó có nghị sĩ John McCain, cho rằng các biện pháp trừng phạt của Mỹ chưa ảnh hưởng đáng kể đến Matxcơva, do đó, họ yêu cầu phải áp đặt lệnh trừng phạt đối với ngành tài chính. Tuy nhiên, Mỹ không thể tác động đến các ngân hàng Nga, mà chỉ có thể gây áp lực lên các ngân hàng nước ngoài. Vì vậy, người dân Nga ứng xử khá hợp lý và chuyển tiền đi các ngân hàng của Nga”.

Các ngân hàng nước ngoài không nêu ý kiến ​​chính thức và không muốn giải thích quá trình vốn “chảy” khỏi nhà băng bởi cuộc khủng hoảng địa chính trị. Kinh tế trưởng của Ngân hàng Deutsche Bank chi nhánh Nga, ông Yaroslav Lissovolik tuyên bố rằng, tháng 3 năm nay, nhiều khách hàng và công ty Nga đã rút tiền từ các chi nhánh của ngân hàng nước ngoài do tình hình bất ổn trên thị trường tài chính quốc tế.

Vào tháng 3, khách hàng của một số ngân hàng Nga đột nhiên bị tước mất cơ hội mua sắm, rút tiền mặt và chuyển tiền với thẻ Visa và Master Card. Những người Nga đang hiện diện ở nước ngoài đã lâm vào tình huống khó khăn nhất. Hai hệ thống thanh toán quốc tế đã giải thích rằng, họ phải thực hiện biện pháp trừng phạt chống lại Nga. Cổ đông lớn nhất của Visa và MasterCard là các ngân hàng Mỹ. Do đó, các hệ thống thanh toán quốc tế phải thực hiện chỉ thị của Bộ Tài chính Mỹ, và họ đã chặn hoạt động của một số tổ chức tín dụng Nga mà không thông báo từ trước.

Động thái của Visa và MasterCard đã tạo động lực giúp Nga thông qua quyết định đẩy nhanh quá trình thành lập hệ thống thanh toán thẻ quốc gia.