Vui vẻ đóng “thuế Apple” tại Mỹ

Theo VnEconomy

Đối mặt với nguy cơ bị tăng nhiều khoản thuế trong năm 2013, người tiêu dùng Mỹ có lẽ sẽ phải cân nhắc nhiều trong vấn đề chi tiêu. Một trong những khoản chi mà họ nên cắt giảm có lẽ là việc mua những sản phẩm của hãng công nghệ Apple.

Vui vẻ đóng “thuế Apple” tại Mỹ
Sản phẩm của Apple đang được xem là thứ phải có trong mùa nghỉ lễ cuối năm nay ở Mỹ
Hãng tin Reuters cho biết, “cơn nghiện” Apple đã khiến số tiền mà người Mỹ bỏ ra để mua sắm máy nghe nhạc iPod, điện thoại iPhone, máy tính bảng iPad và máy tính để bàn iMac trở thành một loại thuế, “thuế Apple”.

Những năm gần đây, rất nhiều hộ gia đình Mỹ chi hàng trăm, hàng nghìn USD mỗi năm để sắm các thiết bị Apple. Ngoài ra, họ còn tốn tiền với dịch vụ tải nhạc, phim và video từ iTunes cũng như mua sắm các phụ kiện khác cho thiết bị mang logo trái táo. Rồi thì chi phí sửa chữa thiết bị Apple khi hỏng. Chưa kể, trong những gia đình đông con, mỗi đứa có một nhu cầu công nghệ riêng, thì số tiền phải bỏ ra quả thật là không nhỏ.

Gia đình anh Sam Martorana, một chuyên viên về nguồn nhân lực của hãng hàng không WestJet, có 3 người, nhưng có tới 9 sản phẩm của Apple, bao gồm 3 chiếc máy tính MacBook, 2 chiếc iPhone, 2 iPad và 2 iPod.

“Tôi đã chi ít nhất 5.000 USD vào số thiết bị đó. Riêng năm vừa rồi là 700 USD. Tôi đúng là có điểm yếu rồi, tôi yêu Apple quá”, Martorana thốt lên.
Đối với rất nhiều trẻ em, việc mua một chiếc iPad hoặc iPhone đã thay thế cho việc sở hữu chiếc xe đạp đầu tiên hoặc tấm bằng lái xe đầu tiên.

Ông Paco Underhill, nhà sáng lập công ty tư vấn Envirosell 

Những trường hợp “phát rồ” vì Apple như gia đình Martorana không phải là hiếm. Theo một nhà phân tích của Morgan Stanley, năm 2011, tính bình quân mỗi hộ gia đình Mỹ chi 444 USD cho sản phẩm của Apple. Điều đáng nói là mức chi này đang tăng qua từng năm. Vào năm 2010, mỗi gia đình Mỹ chi 295 USD cho hàng Apple, còn vào năm 2007, con số này chỉ là 150 USD.

Và đây rất có thể mới chỉ là phần đầu của câu chuyện. Nếu Apple tung ra sản phẩm TV cao cấp như dự báo, thì số tiền trung bình mà mỗi hộ gia đình Mỹ “nướng” cho hãng này có thể tăng gấp đôi lên mức 888 USD/năm vào năm 2015.

Sản phẩm của Apple đang được xem là thứ phải có trong mùa nghỉ lễ cuối năm nay ở Mỹ. Một cuộc thăm dò do hãng tin Reuters phối hợp với công ty Ipsos thực hiện cho thấy, 1/3 người tiêu dùng Mỹ nghĩ sẽ phải mua một chiếc máy tính bảng, và hầu hết họ muốn iPad hoặc iPad Mini. Khoảng 1/4 số người được hỏi cho biết họ sẽ cắt giảm các khoản mua sắm khác trong kỳ nghỉ năm nay để có tiền mua những thiết bị đắt đỏ kia.

Việc xem tiền mua những sản phẩm Apple là một loại thuế có vẻ như hơi trầm trọng hóa vấn đề, nhưng đúng là chuyện mà người Mỹ cần xem xét. Theo số liệu của Cục Thống kê dân số Mỹ, thu nhập trung bình của các hộ gia đình ở Mỹ trong năm 2011 là 50.054 USD. Điều này đồng nghĩa với việc một phần khá lớn trong khoảng thu nhập này đã được đóng góp cho Apple.

Nhưng mua hàng Apple không phải là khoản mà người tiêu dùng bắt buộc phải chi. Họ sẵn sàng móc ví cho những thiết bị công nghệ hào nhoáng này chẳng qua bởi họ đã bị mê hoặc.

“Đối với rất nhiều trẻ em, việc mua một chiếc iPad hoặc iPhone đã thay thế cho việc sở hữu chiếc xe đạp đầu tiên hoặc tấm bằng lái xe đầu tiên”, ông Paco Underhill, nhà sáng lập công ty tư vấn Envirosell và là tác giả của nhiều cuốn sách về hành vi người tiêu dùng, nhận xét.

“Tôi có bức ảnh một đứa nhỏ 9 tuổi ôm chiếc điện thoại đầu tiên của mình giống như ôm một chú gấu bông khi ngủ. Tôi cho là Apple đã nhìn thấy trước được sự kết nối sẽ có ý nghĩa ra sao đối với mọi người. Đó là một trong số rất ít những công ty hiểu được rằng, công nghệ đã không còn là công nghệ, đó là một thiết bị”, ông Underhill nhận xét.

Bà mẹ Jessica Torres đã rất quen thuộc với những thiết bị hiện đại này. Riêng trong năm 2011, nhà Torres đã chi tiền để sắm một chiếc iPhone mới, một chiếc iPad, một iMac, một MacBook, và một iPod Touch.

Với hai cô con gái, một 3 tuổi và một 9 tuổi, những vụ sắm hàng Apple của nhà Torres nhiều khả năng sẽ còn twang trong những năm tới. “Chúng tôi dễ dàng bỏ ra 5.000 USD trong năm ngoái để mua sản phẩm Apple. Chúng tôi đã đóng góp cho họ bao nhiêu là tiền qua các năm. Chắc chắn tôi là một ‘con nghiện’ rồi”, cô Torres nói.

Những khách hàng như nhà Torres chính là động lực phía sau mức lợi nhuận khổng lồ của Apple, lên tới 8,2 tỷ USD trong quý tài khóa thứ 4, từ mức 6,6 tỷ USD cùng kỳ năm ngoái. Thậm chí, mức lợi nhuận này vẫn bị cho là chưa đạt kỳ vọng.

Chúng tôi dễ dàng bỏ ra 5.000 USD trong năm ngoái để mua sản phẩm Apple. Chúng tôi đã đóng góp cho họ bao nhiêu là tiền qua các năm. Chắc chắn tôi là một ‘con nghiện’ rồi.

Cô Jessica Torres

“Mọi người ngày càng tiêu nhiều cho những sản phẩm được cho là sẽ ngày càng tốt hơn. Những sản phẩm gây cảm hứng có xu hướng khiến các thành viên gia đình muốn sở hữu, và đó là lý do tại sao chúng ta thấy các sản phẩm của Apple nằm trong danh sách quà tặng mong muốn trong các kỳ nghỉ ở mọi lứa tuổi, mọi giới”, ông Michael Gartenberg, giám đốc nghiên cứu tại hãng tư vấn công nghệ Gartner nhận xét.

Sự “quy phục” của gia đình anh Martorana đối với các sản phẩm của Apple có vẻ như sẽ kéo dài vô thời hạn. Anh đang muốn thay thế chiếc máy tính MacBook của mình bằng một mẫu mới hơn trong vòng 1 năm tới đây, và số tiền anh phải bỏ ra ít nhất là 1.300 USD. “Cuồng” hàng Apple, dường như anh không muốn ngừng việc “đóng thuế” cho công ty này.

“Với chiếc MacBook, iPad và iPhone của tôi, mọi thứ đều được kết nối. Tất cả các bản nhạc và ảnh của tôi được lưu trữ trên iCloud. Bởi vậy tôi không biết có thể chuyển sang dùng sản phẩm khác được hay không, cho dù tôi có muốn. Chắc chắn tôi đã ăn phải ‘bùa ngải’ của Apple rồi”, Martorana nói.