Tốc độ phục hồi kinh tế sau đại dịch của các nước châu Âu sẽ không đều

Theo H.Thủy (TTXVN/Vietnam+)

Giới quan sát nhận định một trong những lý do cho sự khác biệt trong tốc độ phục hồi giữa các quốc gia châu Âu là Đức không đóng cửa nhà máy nhiều như tại Italy và Tây Ban Nha.

Tốc độ phục hồi kinh tế sau đại dịch của các nước châu Âu sẽ không đều.
Tốc độ phục hồi kinh tế sau đại dịch của các nước châu Âu sẽ không đều.

Theo giới phân tích, các nền kinh tế châu Âu dự kiến sẽ chịu sự sụt giảm trong năm nay vì dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 và các biện pháp giãn cách xã hội để ngăn chặn đà lây lan của dịch bệnh này nhưng đà phục hồi của các quốc gia sẽ khác nhau rõ rệt.

Trong một báo cáo nghiên cứu mới công bố ngày 27/4, ngân hàng Morgan Stanley dự báo Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Đức - nền kinh tế lớn của khu vực Bắc Âu trong quý cuối cùng của năm 2021 dự kiến sẽ thấp hơn 2,5% so với cùng kỳ năm 2019.

Nhưng trong cùng giai đoạn, GDP của hai đại diện từ Nam Âu là Italy và Tây Ban Nha dự kiến sẽ thấp hơn lần lượt là 9,2% và 7,7%.

Morgan Stanley cũng dự báo tỷ lệ thất nghiệp Đức sẽ đạt mức trung bình 3,5% trong năm tới, còn tỷ lệ thất nghiệp của Italy là 13% và Tây Ban Nha là 17%.

Nhìn chung nước Đức - cường quốc công nghiệp của khu vực Bắc Âu - sẽ phục hồi sau dịch COVID-19 tốt hơn các quốc gia Nam Âu cùng khối.

Giới quan sát nhận định một trong những lý do cho sự khác biệt trong tốc độ phục hồi này là Đức không đóng cửa nhà máy nhiều như tại Italy và Tây Ban Nha.

Theo cuộc điều tra do Viện nghiên cứu kinh tế Ifo thực hiện tuần trước, trong khi việc đóng cửa nhà máy là chuyện bình thường tại hai quốc gia Nam Âu trên, chỉ 1/5 các nhà chế tạo của Đức dừng hoạt động các nhà máy trong những tuần qua.

Bên cạnh đó, các biện pháp phong tỏa và giãn cách xã hội được bắt đầu sớm hơn ở Italy và Tây Ban Nha so với Đức, song chúng cũng dự kiến sẽ kéo dài hơn so với quốc gia Bắc Âu.

Việc Đức không có sự phụ thuộc lớn vào ngành du lịch, một trong những ngành kinh tế chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ dịch COVID-19, cũng giúp đảm bảo tốc độ hồi phục của nền kinh tế này.

Số liệu từ Hội đồng Du lịch và Lữ hành Thế giới cho thấy du lịch đóng góp tới 13% vào GDP của Italy và 15% vào GDP của Tây Ban Nha, nhưng con số này của Đức chỉ là 9%.

Một yếu tố cần chú ý khác là các doanh nghiệp công nghiệp hạng trung - bộ phận hình thành nên “xương sống” của kinh tế Đức - đã xây dựng “bộ đệm” tài chính lớn trong suốt thập kỷ qua.

Ngoài ra, các chi nhánh của họ tại Trung Quốc cũng giúp những doanh nghiệp này “bắt nhịp” lối sống với dịch COVID-19 nhanh hơn.

Tuy nhiên, các nhà sản xuất Đức dựa khá nhiều vào thương mại quốc tế và chuỗi cung ứng toàn cầu, do vậy ngành này có thể chịu áp lực trong nhiều tháng hoặc nhiều năm tới.

Ngành công nghiệp ôtô của Đức cũng phải đối mặt với những thách thức dài hạn, bao gồm sự gia tăng hiện diện của xe điện, nơi các nhà sản xuất và nhà cung cấp ôtô Đức tụt hậu so với các đối thủ như Tesla của Mỹ.