Toyota rót 35 tỷ USD vào phát triển xe điện đến 2030

Theo Kim Ngân/nhadautu.vn

Toyota Motor sẽ đầu tư 4 nghìn tỷ yên (35 tỷ USD) vào phát triển xe điện từ nay tới 2030, với mục tiêu bán được 3,5 triệu xe chạy bằng pin nhiên liệu và xe điện trên toàn cầu.

 Ông Akio Toyoda, CEO của Toyota Motor, nói với báo chí hãng sẽ điện hóa tất cả các xe Lexus bán ở châu Âu, Bắc Mỹ và Trung Quốc vào năm 2030. Photo: Nikkei Asia
Ông Akio Toyoda, CEO của Toyota Motor, nói với báo chí hãng sẽ điện hóa tất cả các xe Lexus bán ở châu Âu, Bắc Mỹ và Trung Quốc vào năm 2030. Photo: Nikkei Asia

Nhà sản xuất ô tô Nhật Bản sẽ phân bổ 8 nghìn tỷ yên (70.4 billion USD) từ nay đến 2030 cho nghiên cứu phát triển (R&D) và cho sản xuất xe điện, xe hybrid (xăng-điện) và xe pin nhiên liệu. Một nửa số tiền này dành cho xe điện.

Tháng 5, Toyota công bố mục tiêu bán hàng năm 2030 là 2 triệu chiếc. Công ty nâng mục tiêu lên 3,5 triệu và dự kiến tung ra 30 mẫu xe điện vào năm 2030, gấp đôi số mẫu xe trong kế hoạch trước đó. 

Kế hoạch mới phản ánh nhu cầu tăng nhanh đối với xe điện ở châu Âu trong bối cảnh các quy định về môi trường ngày càng gia tăng, theo Nikkei Asia.

Dựa trên mục tiêu mới nhất, Toyota sẽ đầu tư khoảng 2 nghìn tỷ yên vào phát triển pin cho xe điện - tăng 30% so với kế hoạch được công bố vào tháng 9. Mức đầu tư này tăng công suất pin lên 280 gigawatt giờ vào 2030, tăng 40% so với kế hoạch trước đó.

Toyota thường bị chỉ trích vì quá thận trọng với xe điện, một hình ảnh mà CEO Akio Toyoda muốn thay đổi trong mắt công chúng. Hôm thứ Ba, tập đoàn giới thiệu các mẫu xe mới, trong đó có dòng bZ chạy hoàn toàn bằng điện.

Theo Toyota, thương hiệu Lexus hạng sang của hãng được coi là chìa khóa để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang xe điện vì người tiêu dùng có nhu cầu thay đổi nhanh chóng ở phân khúc cao nhất của thị trường.

“Chúng tôi sẽ phát triển Lexus thành một thương hiệu tập trung vào xe điện”, ông Toyoda nói, cho biết thêm hãng có mục tiêu cung cấp đầy đủ các dòng xe điện ở “tất cả các loại” và điện hóa tất cả các xe Lexus bán ở châu Âu, Bắc Mỹ và Trung Quốc vào năm 2030. Hãng cũng sẽ đảm bảo tất cả các xe Lexus bán ra trên toàn cầu đều chạy bằng điện vào 2035.

Theo ông Toyoda, con số 2 triệu chiếc đã là rất lớn, nhưng hãng đã đưa mục tiêu lên 3,5 triệu và con số này tương đương với sản lượng hàng năm của Daimler hay Suzuki. “Nếu một số người khăng khăng rằng chúng tôi vẫn chưa chuyển biến tích cực về xe điện sau khi con số 3,5 triệu ô tô và 30 mẫu xe được công bố, chúng tôi muốn họ cho biết cần phải làm gì để không còn bị nhìn nhận là chưa tích cực”.

Toyota cho biết hãng sẽ đảm bảo đủ nguồn cung nguyên liệu pin, trong đó có lithium, để đáp ứng nhu cầu của mình đến 2030 thông qua hợp tác với công ty thương mại Toyota Tsusho.

Động thái của Toyota diễn ra trong bối cảnh các nhà sản xuất ô tô toàn cầu đang gấp rút đầu tư mạnh vào xe điện và phát triển pin. Phát triển các loại pin bền và chi phí thấp sẽ là chìa khóa để cạnh tranh hiệu quả, Nikkei Asia bình luận.

Volkswagen (Đức) hôm thứ Năm thông báo họ sẽ đầu tư 89 tỷ euro vào các công nghệ mới, trong đó có xe điện, từ 2022 đến 2026. General Motors (Mỹ) từng cho biết họ sẽ đầu tư 35 tỷ USD vào phát triển xe điện, xe tự động và pin từ 2020 đến 2025. Nissan Motor (Nhật) cuối tháng 11 thông báo tập đoàn sẽ đầu tư 17,6 tỷ USD trong 5 năm tới để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh xe điện.

Trong khi công bố kế hoạch xe điện, Toyota cho biết công ty sẽ duy trì nhiều lựa chọn nhất có thể cho khách hàng, chứ không chỉ đơn giản là từ bỏ những chiếc xe động cơ đốt trong thông thường.

Simon Humphries, người đứng đầu bộ phận Thiết kế toàn cầu của Lexus và Toyota bình luận: “Nguyên tắc mà tất cả mọi người đều nhất trí là kiểu định hướng này là một điều cần thiết. Nhưng trở ngại tiếp theo là liệu họ có sẵn sàng chấp nhận điều đó trong thực tế hay không”.

Toyota cho biết số lượng khách hàng sẽ chuyển sang sử dụng xe điện ở các thị trường khác nhau là khác nhau và bị ảnh hưởng bởi tình trạng năng lượng quốc gia. Một đại diện của Toyota nói rất khó để xe điện có được sự đón nhận ở Trung Tây Hoa Kỳ hay Brazil, nơi ethanol sinh học là một lựa chọn rẻ hơn.

Ông Toyoda nói: “Lựa chọn và tập trung có thể hiệu quả hơn, nhưng chúng tôi nghĩ ứng phó linh hoạt với những thay đổi quan trọng hơn là dự báo tương lai”.

“Chúng tôi sẽ có các lựa chọn cho tất cả khách hàng của mình và theo sát xu hướng thế giới ngay sau khi xác định được chúng là gì. Đó là những gì sẽ giúp chúng tôi nâng cao khả năng cạnh tranh để tồn tại”.