Trách nhiệm xã hội của một số tập đoàn kinh tế Nhật Bản và gợi mở cho doanh nghiệp Việt Nam
Bài viết nghiên cứu trách nhiệm xã hội của một số tập đoàn kinh tế lớn của Nhật Bản qua đó gợi mở kinh nghiệm cho các doanh nghiệp Việt Nam trong quá trình hội nhập và phát triển.
Ngày nay, trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp đã trở thành một trào lưu phát triển rộng khắp trên thế giới. Mặc dù đã nhận thức được tầm quan trọng và những lợi ích mà trách nhiệm xã hội mang lại để phát triển bền vững, nhưng phần lớn doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa thật sự biết cách áp dụng một cách chủ động, linh hoạt và hiệu quả. Các hoạt động trách nhiệm xã hội hầu hết chỉ tuân theo những quy tắc, chuẩn mực do doanh nghiệp tự xây dựng để đạt được mục tiêu lợi nhuận mà chưa thực sự vì xã hội, vì cộng đồng.
Kinh nghiệm từ doanh nghiệp Nhật Bản
Trách nhiệm xã hội của Tập đoàn Hitachi AIC
Hitachi AIC hiện là công ty xuyên quốc gia kinh doanh đa ngành: Công nghệ thông tin, năng lượng, điện tử, máy công nghiệp, tài chính... với 947 công ty con, tổng doanh thu hàng năm đạt gần 10.000 tỷ Yên (91 tỷ USD). Là tập đoàn toàn cầu, Hitachi AIC chia sẻ những giá trị của xã hội và theo đuổi tăng trưởng bền vững bằng cách tích hợp Chiến lược quản trị và trách nhiệm xã hội (TNXH); sắp xếp hoạt động TNXH vào kế hoạch quản lý trung hạn để hoàn thành sứ mệnh của Tập đoàn là: “Đóng góp cho xã hội thông qua những sản phẩm và công nghệ nguồn, có chất lượng cao”.
Là một thành viên có trách nhiệm tích cực đóng góp vào sự phát triển bền vững của xã hội, Tập đoàn Hitachi AIC nhận thức rõ, hoạt động kinh doanh có ảnh hưởng đến xã hội theo nhiều cách khác nhau. Vì vậy, không chỉ cung cấp sản phẩm chất lượng cao với giá cả hợp lý cho khách hàng mà còn phải giảm gánh nặng cho môi trường toàn cầu và thực hiện các hoạt động phù hợp với luật, quy định và quy tắc xã hội. Tập đoàn coi TNXH là công cụ để hiện thực hóa mục tiêu góp phần xây dựng một xã hội an toàn, tiện nghi và công bằng; hỗ trợ giải quyết các thách thức toàn cầu như nghèo đói, bất bình đẳng trong giáo dục...
Về cơ cấu quản lý TNXH, từ năm 2013, phòng TNXH được sáp nhập với Văn phòng chiến lược môi trường tại Công ty mẹ Hitachi thành Phòng TNXH - Chiến lược môi trường nhằm phù hợp với tuyên ngôn và sứ mệnh mới của Tập đoàn. Nhiệm vụ TNXH được chia sẻ trong toàn Tập đoàn, nhờ đã đạt được một số kết quả đáng chú ý: Hitachi thực hiện mua sắm các sản phẩm, dịch vụ thân thiện với môi trường thông qua chính sách "Mua Xanh". Từ năm 2012, đã có 92% sản phẩm đầu vào cho khối văn phòng của toàn Tập đoàn là các sản phẩm được chứng nhận có ý thức về môi trường thông qua hệ thống mua sắm điện tử "The E-Sourcing Mall"...
Trách nhiệm xã hội của Tập đoàn TOYOTA Motor Corporation
Toyota là hãng sản xuất xe hơi lớn của Nhật Bản nổi tiếng thế giới với triết lý thành công của Tập đoàn gắn liền với thực hiện tốt TNXH. Chính sách TNXH được xác định là nền tảng cho toàn bộ hoạt động sản xuất, kinh doanh của Toyota với mục tiêu: Trở thành Công ty được xã hội tin cậy và ngưỡng mộ thông qua việc nâng cao nhận thức và hành động của từng nhân viên, từng đối tác trong thực thi chính sách TNXH. Đồng thời, tham gia tích cực vào việc xây dựng và thực hiện các chuẩn mực được nêu trong Hiến chương doanh nghiệp (DN) do Hiệp hội các DN hàng đầu của Nhật Bản khởi xướng.
Để phối hợp và thúc đẩy các hoạt động TNXH, Công ty đã thành lập Ủy ban TNXH vào năm 2007. Đến năm 2014, Ủy ban TNXH sáp nhập với Ủy ban Môi trường Toyota và trở thành một diễn đàn thảo luận về các giải pháp liên quan đến các vấn đề xã hội và tạo ra giá trị mới của công ty. Uỷ ban luôn lắng nghe khách hàng và các đối tác tại địa phương trong nước và tại các công ty thành viên tại nước ngoài để nâng cao tính hữu dụng của sản phẩm, đảm bảo sự hài hòa với cuộc sống của con người và môi trường xung quanh, đồng thời hướng tới mục tiêu xã hội phát triển bền vững thông qua hoạt động sản xuất.
Tháng 4/2016, Ủy ban TNXH được tổ chức lại, phân thành các tiểu ban trực thuộc vào Hội đồng TNXH môi trường, có chức năng tương đương Hội đồng quản trị DN và Hội đồng quản lý rủi ro của Toyota nhằm tăng cường chức năng của để tiến hành có hiệu quả hơn các hoạt động liên quan hoạt động TNXH của công ty.
Trách nhiệm xã hội của Tập đoàn Honda
Tập đoàn Honda đã ban hành nhiều chính sách liên quan đến TNXH nhằm đạt được mục tiêu trở thành một công ty mà các thành viên và đối tác đều mong muốn duy trì sự bền vững. Chính sách chủ yếu TNXH mà Honda tập trung vào 4 nội dung gồm: Môi trường; chất lượng sản phẩm; an toàn và xã hội. Trong đó, nội dung môi trường và an toàn được xác định là quan trọng nhất. Để thực hiện tốt mục tiêu trên, Tập đoàn Honda đã cụ thể hóa các chính sách như sau:
- Về môi trường: Thực hiện giám sát chặt chẽ việc đánh giá tác động của toàn bộ quy trình sản xuất đến môi trường và xây dựng các chính sách cụ thể để làm giảm lượng khí thải CO2 ra môi trường. Nhờ những nỗ lực của toàn hệ thống, Honda đã được đánh giá là một trong 500 công ty hàng đầu thế giới về chất lượng khí thải ra môi trường từ năm 2013.
- Về xã hội: Honda đã xác định rõ TNXH của mình đối với xã hội và đã cam kết đóng góp trở lại cho xã hội như là một nội dung giá trị cốt lõi trong triết lý kinh doanh của Tập đoàn. Và thực tế, Honda xác định các mục tiêu và ưu tiên cho chính sách TNXH thông qua việc trao đổi, giao tiếp với tất cả các bên có liên quan cả trong và ngoài nước. Công ty luôn duy trì khuôn khổ quản lý và các biện pháp khuyến khích cần thiết để thực hiện chiến lược phát triển bền vững trên phạm vi toàn cầu. Định kỳ, Honda đều tiến hành rà soát, đánh giá lại các nội dung và chủ đề của chính sách TNXH để tập trung các nguồn lực của mình.
- Về an toàn: Honda tiếp tục phát triển và ứng dụng những công nghệ mới nhằm phòng tránh tai nạn, giảm thiểu thương tích khi xảy ra tai nạn. Đồng thời, khuyến khích các sáng kiến lái xe an toàn ở tất cả các quốc gia trên thế giới. Kết hợp với tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về an toàn giao thông, hàng năm Honda đã chi khoản tài chính lớn cho tuyên truyền, cổ động lái xe an toàn,cáp phát mũ bảo hiểm cho các đối tượng ưu tiên...
- Tổ chức thực hiện chính sách TNXH: Từ năm 2014, Honda đã mở rộng phạm vi hoạt động của Ủy ban Môi trường và An toàn Toàn cầu, thông qua đó thiết lập một khuôn khổ mới cho việc xem xét, thảo luận, thực hiện và truyền thông mang tính toàn cầu về chiến lược phát triển bền vững của Honda.
Cùng thời gian này, Honda đã chuyển chức năng quản lý chương trình TNXH từ bộ phận Hỗ trợ kinh doanh sang Phòng Kế hoạch TNXH. Tổ chức mới này đã giúp tăng cường năng lực lập kế hoạch TNXH của trụ sở chính và tạo lập một khuôn khổ cho phép Phòng Kế hoạch TNXH được báo cáo trực tiếp cho Ủy ban Môi trường và An toàn Toàn cầu về những tiến bộ đạt được trong việc thực hiện chiến lược phát triển bền vững của Tập đoàn.
Trách nhiệm xã hội của Tập đoàn Khí đốt Tokyo Gas
Là một công ty năng lượng hàng đầu của Nhật Bản, Tập đoàn Khí đốt Tokyo đã đóng góp tích cực để tạo ra một phong cách sống thoải mái và thân thiện với môi trường xã hội, duy trì và tăng cường sự tin tưởng từ khách hàng, các cổ đông và xã hội, đồng thời đóng góp vào việc thực hiện tăng trưởng bền vững của xã hội. Chính sách TNXH của Tokyo Gas dựa trên nền tảng thực hiện trách nhiệm xã hội và đạt được sứ mệnh công khai của công ty thông qua hoạt động kinh doanh hàng ngày nhằm thực hiện triết lý kinh doanh gồm:
Thứ nhất, tăng cường an ninh năng lượng: Cung cấp năng lượng an toàn và ổn định; tăng cường công tác an toàn và phòng ngừa thảm họa.
Thứ hai, đóng góp cho môi trường: Có các biện pháp chống hiện tượng trái đất nóng lên, đóng góp đối với việc bảo tồn năng lượng; mở rộng và phổ biến hệ thống phân phối năng lượng và xây dựng mạng lưới năng lượng thông minh.
Thứ ba, đóng góp cho xã hội hướng tới việc xây dựng cộng đồng thông qua ngành nghề kinh doanh chủ yếu; tăng cường các chương trình hoạt động xã hội.
Về cơ cấu tổ chức thực hiện chính sách TNXH, từ năm 2004, Tokyo Gas đã thiết lập một Ủy ban Xúc tiến TNXH với giám đốc phụ trách TNXH, đồng thời là Chủ tịch của Ủy ban, kết hợp với thành lập phòng TNXH trong Ban Truyền thông. Đến năm 2011, chức năng của Ủy ban Xúc tiến TNXH được chuyển về cho Ủy ban xúc tiến Truyền thông của Tập đoàn với gồm 16 nhà quản lý tập hợp từ Ban Kế hoạch và các ban khác nhằm mục đích thúc đẩy quản lý TNXH...
Gợi mở chính sách trách nhiệm xã hội cho doanh nghiệp Việt Nam
Một là, nâng cao nhận thức về TNXH cho các DN. Trong những năm qua, đã có nhiều DN, nhất là các DN xuất khẩu của Việt Nam sang các thị trường Mỹ, EU và Nhật Bản thường xuyên phải đối mặt với những yêu cầu báo cáo liên quan đến TNXH. Từ năm 2008, UNDP đã có dự án khuyến khích thực hiện TNXH theo thông lệ kinh doanh tại các DN ở Việt Nam. Một số tổ chức và định chế quốc tế khác cũng có những dự án tương tự.
Tuy vậy, thực tế hiện nay, TNXH vẫn chưa thực sự được quan tâm thỏa đáng ở Việt Nam. Phần lớn DN chưa nhận thức đầy đủ về TNXH cũng như vai trò của nó đối với việc nâng cao năng lực cạnh tranh và sự phát triển bền vững của DN, thậm chí một số DN mở rộng còn coi TNXH là gánh nặng chi phí. Vì vậy, tiếp tục tuyên truyền, phổ biến và nâng cao nhận thức về TNXH một cách mạnh mẽ hơn, phạm vi và đối tượng về TNXH, không nên bó hẹp trong giới doanh nhân, DN, các cơ quan, tổ chức mà phải hướng tới cộng đồng dân cư và địa phương, kể cả đưa vào các chương trình giáo dục phổ thông.
Hai là, áp dụng chế độ báo cáo và kiểm tra về TNXH của các DN. Duy trì chế độ báo cáo và kiểm tra về TNXH thường niên hoặc định kỳ. Việc áp dụng chế độ báo cáo và kiểm tra TNXH ở Việt Nam là một quá trình hoàn thiện thể chế từng bước cả từ phía Nhà nước lẫn DN và các tổ chức khác và có lẽ chưa có điều kiện để áp dụng trong thời gian ngắn hạn đối với phần lớn DN Việt Nam.
Từ kinh nghiệm của Nhật Bản, có thể thấy, nên áp dụng chế độ báo cáo và kiểm tra trước hết đối với các DN quy mô lớn và lan tỏa đến các DN quy mô nhỏ và vừa. Các DN có nhiều ảnh hưởng lớn đến xã hội, môi trường nước ta hiện nay, trước hết là các tập đoàn, tổng công ty đặc biệt quan trọng và công ty niêm yết.
Ba là, xây dựng bộ quy tắc ứng xử và các tiêu chuẩn theo chuyên ngành và quốc gia về TNXH đối với DN. Kinh nghiệm của Nhật Bản cho thấy, TNXH phụ thuộc nhiều vào bản thân ý chí và lợi ích của DN mà trực tiếp là Hội đồng quản trị.
Tuy nhiên, đến nay, TNXH đã trở thành khá phổ biến và thực chất hơn. Đây sẽ là động lực khuyến DN thực hiện mạnh mẽ hơn sau khi có những tiêu chuẩn và chuẩn mực chung về TNXH chính thức được áp dụng. Việt Nam hiện đang từng bước nghiên cứu để xây dựng bộ quy tắc ứng xử TNXH. Cùng với đó, cần xây dựng bộ tiêu chuẩn đánh giá TNXH của Việt Nam dựa trên kinh nghiệm quốc tế, phù hợp với các điều kiện trong nước.
Bốn là, xem TNXH là một tiêu chí để lựa chọn nhà đầu tư và tăng cường hợp tác với các quốc gia đã thực hiện tốt TNXH. Kinh nghiệm của Nhật Bản cho thấy, các DN thực hiện tốt TNXH cũng là các DN có năng lực về vốn, công nghệ, có đạo đức kinh doanh và ý thức đóng góp cho cộng đồng địa phương nơi DN kinh doanh.
Việc thực hiện chiến lược kinh doanh hài hòa, dài hạn, bền vững của các DN có vốn nước ngoài thực hiện tốt TNXH có thể đem lại cơ hội học hỏi cho DN trong nước, buộc các DN trong nước cũng phải dần nâng cao nhận thức và trách nhiệm xã hội để có thể tham gia vào mạng sản xuất của các công ty nước ngoài. Đồng thời, các bộ, ngành và các địa phương cần tăng cường hợp tác với Nhật Bản cũng như các quốc gia khác đã thực hiện tốt TNXH để nghiên cứu xây dựng khung TNXH chung cho Việt Nam, qua đó, giúp tăng cường nhận thức cho DN về TNXH.
Tài liệu tham khảo:
1. Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Hội đồng DN vì sự phát triển bền vững Việt Nam (2015), Bộ chỉ số DN bền vững;
2. Trương Nam Thắng, Margaret Mckee (2014), Trách nhiệm xã hội của DN ở Việt Nam: Nghiên cứu khám phá, Tạp chí Những vấn đề kinh tế và chính trị thế giới số 9 (221), tr.75-80;
3. Hoàng Hải, Hiểu thế nào về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, http://www.doanhnhansaigon.vn/van-de/hieu-the-nao-ve-trach-nhiem-xa-hoi-cua-doanh-nghiep/1096305/, 04/04/2016;
4. Lê Đăng Doanh, Một số vấn đề về trách nhiệm xã hội ở DN Việt Nam, http://www.chungta.com/nd/tu-lieu-tra-cuu/trach_nhiem_xa_hoi_doanh_nghiep_viet_nam-f.html, 13/07/2009;
5. Nguyễn Đình Cung, Lưu Minh Đức, Phạm Kiều Oanh, Trần Thị Hồng Gấm (2012), doanh nghiệp xã hội tại Việt Nam: Khái niệm, bối cảnh và chính sách, Hà Nội;
6. Tokyo Gas (2014), Annual Report 2014;
7.Toyota Global (2014), Toyota Sustainability Report 2013.