Trái cây Đông Nam Á lên ngôi

Theo Hoàng Xuân Phương/sgtiepthi.vn

Nhờ có sự hội nhập và toàn cầu hóa, những vùng trái cây đặc sản ở Đông Nam Á và Việt Nam đang dần nổi tiếng trên toàn thế giới, mang lại nguồn thu lớn cho người nông dân bản xứ.

Trái cây đặc sản đang là ngành kinh doanh “hái ra tiền” của Đông Nam Á. Nguồn: internet
Trái cây đặc sản đang là ngành kinh doanh “hái ra tiền” của Đông Nam Á. Nguồn: internet

Thông thường, người ta rất ít biết những vùng trái cây đặc sản với những hương vị đặc sắc ngọt ngào giàu chất dinh dưỡng nếu không được chính những người di cư từ vùng có đặc sản giới thiệu. Trước đây, những trái cây đặc sản vùng Đông Nam Á đã không thu hút nhiều sự quan tâm so với trái cây xuất xứ từ Âu Mỹ. Người ta biết nhiều đến những đặc sản ôn đới, từ táo đến lê, nho, dâu tây hay kiwi. Những loại trái cây này lấn lướt giá trị của những trái cây phổ biến vùng nhiệt đới như mít, xoài, khóm, đu đủ hay trái bơ.

Xu hướng thay đổi

Nhờ sự phát triển của giao thông vận tải và hội nhập kinh tế, những loại trái đặc sản Đông Nam Á với ưu thế thổ nhưỡng phù hợp và đa dạng chủng loại đang dần nổi tiếng, từ ổi, chôm chôm, nào măng cụt, trái vải, đến sầu riêng, thanh long. Hiện tượng dễ thấy là người ta nay đang hối hả xây dựng thương hiệu, mở cầu nối buôn bán, đưa công nghệ đến với nghề trồng cây đặc sản. Ngoài ra, việc khoanh vùng quy hoạch bảo vệ chất lượng, và đưa đặc sản trái cây Đông Nam Á đến với thị trường thế giới cũng đang được triển khai ráo riết.

Trái cây đặc sản vùng Đông Nam Á đang nổi lên như một hiện tượng, bắt đầu từ những cộng đồng dân di cư đến sự đòi hỏi của tầng lớp trung lưu mới nổi nơi thị trường các nước đang phát triển, đặc biệt là Trung Quốc và Ấn Độ. Nay thì những thị trường “chịu chi” ở Mỹ hay ở Âu Châu cũng đang bắt đầu tìm kiếm hương vị trái cây đặc sản Đông Nam Á

Mỗi năm, 2,4 triệu tấn sầu riêng được xuất khẩu từ Indonesia, Thái Lan, Malaysia, Việt Nam, chủ yếu được tiêu thụ ở Trung Quốc. Hàng triệu tấn trái vải sản xuất từ Việt Nam được tiêu thụ mạnh tại Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Úc, Cộng Đồng châu Âu, Anh và nơi Các Tiểu Vương quốc Ả Rập thống nhất. Long nhãn của Thái Lan, Việt Nam, Myanmar và gần 700 ngàn tấn măng cụt chủ yếu từ Thái Lan cũng được nhiều thị trường biết đến không chỉ là thực phẩm giàu chất kháng ô xy hóa mà còn là dược phẩm và nguyên liệu công nghiệp. Ngay cả 6,5 triệu tấn ổi từ Đông Nam Á cũng tìm được thị trường rộng lớn, từ Ấn Độ, Mỹ, châu Âu đến Saudi Arabia, Kuwait và Jordan.

Tiềm năng cần phát huy

Báo cáo của Tổ chức Nông lương Liên hiệp quốc (FAO) mỗi hai năm một lần, cho biết, các nước Đông Nam Á chiếm tỷ trọng lớn về sản xuất và xuất khẩu trái cây đặc sản mà chủ yếu là ba nước Thái Lan, Indonesia và Việt Nam. Nguồn thu trái cây đặc sản xuất khẩu toàn vùng nay có lúc đã lên tới 10% tổng sản lượng quốc gia và nhiều gia đình tại Cambodia, Thái Lan và Việt Nam nay đã có thể mang về đến 75% thu nhập từ nghề trồng trái cây đặc sản.

Nhìn vào số liệu và đồ thị về trái cây đặc sản vùng Đông Nam Á giữa các năm 2015-2017 chúng ta thấy phần lớn sản phẩm được tiêu thụ ngay trong nước và tỷ lệ xuất khẩu vẫn rất nhỏ. Nguyên nhân đầu tiên là nhiều thị trường vẫn chưa biết đến những loại trái cây đặc sản này. Thứ hai là kinh nghiệm về bảo quản, chuyên chở và việc đưa vào trái cây những chuẩn mực quốc tế còn xa lạ với người trồng trái. Một lý do quan trọng nữa là chính quyền địa phương sản xuất loại trái đặc biệt và các nhà quy hoạch lại không biết nhiều về chiều sâu sinh học và môi trường của chúng, cũng như thị trường tiêu thụ và các quy luật của nó.

Báo cáo của FAO công bố ngày 10-7-2018 cho biết trong thời gian này giá xuất khẩu ổi và trái vải ở khoảng 4 đô la Mỹ mỗi ký, và giá sầu riêng cùng măng cụt vào khoảng 13 đô la. Trên cơ sở số liệu, Sabine Altendorf, chuyên viên phân tích FAO cho rằng nghề trồng trái cây đặc sản đang hái ra tiền, đặc biệt khối lượng xuất khẩu từ các nước Đông Nam Á, các nước còn lại chủ yếu tiêu thụ nội địa. Tuy nhiên, nhiều thách thức cũng chờ đón thị trường xuất khẩu này. Trước hết đó là những mặt hàng theo mùa, thời gian thu hoạch ngắn, chi phí vận chuyển lớn, và nhất là sự thay đổi giá khá đột ngột. Chính trong hoàn cảnh này ngành xuất khẩu trái cây đặc sản đang cần có những giải pháp hỗ trợ, đặc biệt là từ việc áp dụng công nghệ.