Trái phiếu Trung Quốc - Hầm trú ẩn cho các nhà đầu tư nước ngoài trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ - Trung

Theo Tạp chí Chứng khoán

Không chỉ ảnh hưởng đến kinh tế 2 nước, cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc còn có thể gây tổn hại cho kinh tế toàn cầu.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Kinh tế thế giới chao đảo vì chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc

Ngày 12/7/2018, nhà kinh tế học Stephen Roach, chuyên gia nghiên cứu cấp cao tại Đại học Yale, học giả kinh tế từng là Chủ tịch Morgan Stanley khu vực châu Á cho rằng “Chúng ta đang ở giai đoạn đầu của cuộc chiến thương mại thực sự”. Ông ví cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung hiện nay như một “kho đạn sống”, không còn là một cuộc đàm phán với ngôn từ đao to búa lớn. Đồng thời ông cũng cho rằng cuộc chiến sẽ ảnh hưởng đến kinh tế không chỉ của Mỹ và Trung Quốc mà sẽ ảnh hưởng đến kinh tế toàn cầu. Đây không đơn thuần là một cuộc chiến thương mại mà ẩn chứa sau đó là cuộc chiến khát vọng của 2 nền kinh tế hàng đầu thế giới. Trong khi Mỹ luôn muốn khẳng định vị thế bá chủ thế giới của mình và tìm mọi cách để ngăn cản các quốc gia khác vươn lên cạnh tranh thì Trung Quốc lại luôn muốn khẳng định mình, vượt qua cái bóng của Mỹ để chiếm lĩnh vị trí dẫn đầu. Với những nguyên nhân sâu xa trên, cuộc chiến tranh thương mại càng có tiền đề để bùng phát mạnh mẽ.

Ngày 14/6/2018, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã có buổi thảo luận với thành viên nội các và cố vấn kinh tế, ông Trump dự kiến áp mức thuế từ 35 đến 40 tỷ USD (có thể lên đến 55 tỷ USD) lên hàng hóa nhập khẩu Trung Quốc. Và quyết định được đưa ra vào ngày 15/6 đã tạo nền tảng cho hàng loạt các hành động thương mại chống lại Trung Quốc sau đó.

Ngay sau động thái này của Tổng thống Mỹ Donald Trump vào ngày 15/6, Trung Quốc trả đũa bằng cách tuyên bố dự kiến áp đặt mức thuế 25% đối với 659 mặt hàng nhập khẩu từ Mỹ trị giá 50 tỷ USD. Nhật báo SCMP (Bưu điện Nam Hoa Buổi sáng) dẫn thông tin từ Bộ Tài chính và Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết, thuế quan đối với 34 tỷ USD hàng hóa nhập từ Mỹ, gồm đậu nành, ngô, gạo, các loại thịt, sữa và rau quả bắt đầu có hiệu lực từ ngày 6/7. Thời hạn đối với thuế quan lên 16 tỷ USD hàng hóa còn lại được thông báo sau. Những mặt hàng này gồm các sản phẩm dầu khí, dầu thô và than.

Ngày 10/7, chính quyền của ông Trump công bố danh sách bổ sung các mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc trị giá 200 tỷ USD phải chịu mức thuế 10% sau khi quá trình đánh giá kết thúc. Đáp lại, Bắc Kinh dọa trả đũa và thề sẽ đệ đơn kiện lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Trước đó, mức thuế của Mỹ đánh vào hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc trị giá 34 tỷ USD đã có hiệu lực. Trung Quốc phản pháo bằng cách đánh mức thuế 25% vào hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ với giá trị tương tự. Theo nguồn tin của Bloomberg, Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 13/9 đã chỉ thị các quan chức tiến hành áp thuế lên thêm 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc. Việc áp thuế này đã chính thức có hiệu lực từ ngày 18/9/2018.

Đánh giá về thiệt hại do chiến tranh thương mại gây ra, Tạp chí The Diplomat trích nhận định của Gary Hufbauer, nghiên cứu cấp cao tại Viện Kinh tế Quốc tế Peterson cho rằng, cả hai bên đều sẽ thua trong một cuộc chiến thương mại toàn diện. Cuộc chiến kiểu này sẽ làm "bốc hơi" 1/3 giá trị kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc vào thị trường Mỹ, khoảng 200 tỷ USD mỗi năm. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là Trung Quốc sẽ không có lợi thế trong cuộc chiến này, nhà kinh tế học Stephen Roach, chuyên gia nghiên cứu cấp cao tại Đại học Yale cho rằng Mỹ phụ thuộc lớn vào Trung Quốc như một nguồn cung cấp hàng giá rẻ để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng Mỹ. Ngoài ra, Mỹ cũng phụ thuộc không nhỏ vào Trung Quốc khi nước này mua trái phiếu của Mỹ nhằm ngăn chặn thâm hụt ngân sách vốn đang ngày một phình to. Chuyên gia Hufbauer tính toán rằng nếu xuất khẩu của Mỹ bị cắt giảm 1/3, thì nước này sẽ "bốc hơi" khoảng 50 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu hàng năm. Khoảng 250.000 công nhân Mỹ sẽ mất việc làm.

Không chỉ ảnh hưởng đến kinh tế 2 nước, cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc còn có thể gây tổn hại cho kinh tế toàn cầu. Một mô hình do chuyên gia tại Pictet Asset Management (London) đưa ra cho thấy rằng chỉ cần 10% thuế áp lên thương mại Mỹ được chuyển sang người tiêu dùng, kinh tế toàn cầu sẽ rơi vào tình trạng lạm phát đình trệ và lợi nhuận doanh nghiệp sẽ giảm 2,5%. Những quốc gia gắn chặt với chuỗi giá trị toàn cầu sẽ phải chịu ảnh hưởng nhiều nhất bởi chiến tranh thương mại. Các số liệu trên được WTO thiết kế dựa trên tiêu chí giá trị gia tăng hàng hóa xuất khẩu của các nước. Theo đó, các nước/vùng lãnh thổ như Luxembourg, Đài Loan, Hungary, Cộng hòa Czech, Hàn Quốc và Singapore có thể chịu thiệt hại nặng nề nhất từ chiến tranh thương mại, hơn cả Mỹ và Trung Quốc.

Trái phiếu chính phủ (TPCP) Trung Quốc – “hầm trú ẩn an toàn” cho các nhà đầu tư quốc tế

Với những diễn biến phức tạp và khó lường của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc đã gây ra tác động lớn đến quyết định đầu tư của các nhà đầu tư quốc tế. Trong thời điểm hiện tại, việc lựa chọn được một kênh đầu tư, một nơi trú ẩn an toàn cho đồng vốn của mình là lựa chọn hàng đầu, bởi tìm kiếm khả năng sinh lợi giữa lúc tình hình đang biến động, các dự đoán về tương lai đều thiếu cơ sở là lựa chọn nhiều rủi ro. TPCP Trung Quốc đang thực sự là hầm trú ẩn an toàn cho các nhà đầu tư nước ngoài (ĐTNN), những người muốn né tránh những thiệt hại của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung.

Giữa những khó khăn do cuộc chiến thuế quan với Mỹ, khi Trung Quốc nhập khẩu hàng hóa từ thị trường Mỹ dao động vào khoảng 130 tỷ USD trong năm 2017, so với con số 505 tỷ USD giá trị hàng hóa mà nước này xuất khẩu sang Mỹ. Cuộc chiến tranh này không chỉ ảnh hưởng đến sản xuất, xuất khẩu và hoạt động nói chung của các doanh nghiệp Trung Quốc mà còn ảnh hưởng xấu đến tiền tệ và chứng khoán Trung Quốc, khiến 2 chỉ tiêu này đều giảm. Do vậy, Trung Quốc sẽ phải tìm kiếm các thị trường mới và thiết kế các sản phẩm mới tiết kiệm nguyên liệu, cắt giảm chi phí, đồng thời, tìm ra giải pháp để giúp đồng Nhân dân tệ (NDT) vượt qua được thời điểm khó khăn cũng như vực dậy thị trường chứng khoán nước này.

Trong thời gian qua, những bước đi mà Trung Quốc đang nỗ lực thực hiện là tăng khả năng tiếp cận với các nhà ĐTNN thông qua trái phiếu, biến nó trở thành kênh đầu tư hấp dẫn trong tình cảnh khó khăn. Trước những động thái của Chính phủ Trung Quốc, giới đầu tư thế giới đã đặt niềm tin khá lớn vào thị trường TPCP nước này. Jason Pang, một nhà quản lý danh mục đầu tư tại công ty quản lý tài sản J.P. Morgan Asset Management ở Hồng Kông nhấn mạnh, trái phiếu Trung Quốc đã tỏ ra vượt trội so với nợ quốc gia ở các nước châu Á khác trong 6 tháng đầu năm 2018, khi các nhà đầu tư tìm kiếm sự an toàn trong bối cảnh hỗn loạn. Các nhà đầu tư lựa chọn TPCP Trung Quốc bởi đây là kênh đầu tư với nhiều lợi thế hơn so với các kênh đầu tư khác trong khu vực và trên thế giới. Theo ước tính của hãng tin Reuters dựa trên dữ liệu của Công ty Lưu ký và Thanh toán Trung ương Trung Quốc (CCDC) - trung tâm thanh toán TPCP của nước này - các nhà đầu tư ngoài Trung Quốc đại lục đã tăng nắm giữ TPCP nước này thêm 53,9 tỷ NDT trong tháng 8 so với tháng 7, lên mức 1,03 nghìn tỷ NDT (tương đương 146 tỷ USD). Thị trường TPCP Trung Quốc hiện là thị trường trái phiếu (TTTP) lớn thứ ba thế giới. Tháng 8/2018 là tháng thứ 18 liên tiếp giới ĐTNN mua ròng tài sản này, nâng tỷ trọng nắm giữ TPCP Trung Quốc trong tay các nhà ĐTNN lên mức cao kỷ lục 7,9%.

Nguyên nhân khiến các nhà đầu tư lựa chọn TPCP Trung Quốc làm kênh đầu tư trong giai đoạn hiện nay bao gồm:

Thứ nhất là nợ nước ngoài thấp. Bài học từ các cuộc khủng hoảng nợ công của Argentina năm 2001, nhất là của Hy Lạp, Bồ Đào Nha trong năm 2010 đã khiến các nhà đầu tư cẩn trọng hơn trong các quyết định đầu tư của mình. Do đó, tỷ lệ nợ của chính phủ là một chỉ tiêu quan trọng khi quyết định danh mục đầu tư. Trước đây, khi xảy ra các biến động, đồng USD (Mỹ), đồng Yên (Nhật Bản) vẫn thường được coi là nơi trú ẩn an toàn cho các nhà đầu tư, thì nay trong tổng số hơn 63.000 tỷ USD nợ của thế giới, Mỹ chiếm tỷ lệ cao nhất với 31,8%, trong khi Nhật Bản ở vị trí thứ 2 với 18,8%, con số này của Trung Quốc chỉ là 7,9% trong khi tổng mức nợ nước ngoài của Chính phủ Trung Quốc chỉ ở mức 7%, thấp hơn hẳn so với các nước khác (Mỹ là 30%; Nhật Bản là 10%). Do vậy, các nhà ĐTNN không bỏ lỡ cơ hội đầu tư vào TPCP của Trung Quốc. Điều đó cũng khiến cho Bắc Kinh hút được dòng tiền lớn từ bên ngoài.

Thứ hai là tăng khả năng tiếp cận đầu tư. Các nhà ĐTNN giờ đây có thể mua TPCP Trung Quốc dễ dàng hơn thông qua TTTP liên ngân hàng. Bắc Kinh cũng đã có các ưu đãi về thuế đối với các nhà đầu tư trái phiếu nước ngoài. Tháng 8/2018, Chính phủ Trung Quốc tuyên bố nhà ĐTNN sẽ được miễn thuế giá trị gia tăng đối với phần lãi thu được từ TPCP nước này trong vòng 3 năm. Bên cạnh đó, Trung Quốc thông qua một cơ chế giao dịch trái phiếu cho phép các nhà quản lý danh mục đầu tư có thể cùng lúc giao dịch cho nhiều hơn một quỹ.

Theo CNBC (kênh thông tin tài chính lớn nhất thế giới), một hệ thống thanh toán mới được triển khai cho kế hoạch đầu tư trái phiếu kết nối đại lục với Hồng Kông đã được công bố hôm 27/8, theo đó nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới đã cho phép nhà ĐTNN tham gia nhiều hơn vào TTTP thông qua chương trình kết nối với Đặc khu Hành chính Hồng Kông - đây là bước đi rất quan trọng vì nó giúp mở cửa TTTP của Trung Quốc cho nhiều nhà đầu tư hơn, thông qua việc đáp ứng yêu cầu quy định rộng rãi.

Các nhà phân tích, trong đó có các chuyên gia Andre de Silva, Trưởng bộ phận nghiên cứu thị trường mới nổi trên toàn cầu của Ngân hàng HSBC, và Pin Ru Tan, chuyên gia tỷ giá chiến lược khu vực châu Á - Thái Bình Dương của HSBC, nhận định rằng thông tin trên có nghĩa là “một trở ngại lớn” đã được xóa bỏ để mở đường cho chứng khoán nợ của Trung Quốc được đưa vào Chỉ số Tổng hợp Toàn cầu Bloomberg - Barclays, chỉ số tiêu chuẩn toàn cầu chuyên theo dõi TPCP của các thị trường mới nổi. Theo ông John Woods, Giám đốc đầu tư khu vực châu Á - Thái Bình Dương tại Ngân hàng Thụy Sĩ Credit Suisse, việc được tham gia vào chỉ số Bloomberg - Barclays ban đầu sẽ chỉ tác động tối thiểu đến lợi suất trái phiếu trong nước của Trung Quốc, nhưng dù sao đó cũng sẽ là bước phát triển đáng kể. HSBC cho biết, việc thay đổi chính sách này cho thấy Bắc Kinh quyết tâm đẩy nhanh việc mở cửa TTTP của Trung Quốc. Pan Gongsheng, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC), cũng nhấn mạnh Trung Quốc không thay đổi cam kết mở cửa rộng hơn cho các nhà ĐTNN.

Tuy nhiên, cũng theo các chuyên gia De Silva và Tan của HSBC, để đảm bảo trái phiếu Trung Quốc được đưa vào chỉ số trái phiếu toàn cầu, Trung Quốc sẽ phải phê duyệt một biện pháp giao dịch cần thiết cho phép các nhà quản lý danh mục đầu tư thay mặt cho nhiều hơn một quỹ xử lý đồng thời các giao dịch. Ngoài ra, nước này cũng cần cung cấp thông tin rõ ràng hơn về thuế.

Thứ ba là mức lợi tức cao hơn và chi phí bảo hiểm rủi ro rẻ hơn. CNBC cho biết, theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế thì TPCP Trung Quốc không chịu nhiều tác động của thuế quan, đồng thời mang lại mức lợi nhuận cao hơn so với nhiều loại TPCP khác ở khu vực châu Á trong 6 tháng đầu năm nay. Lợi suất 10 năm đạt mức thấp nhất 14 tháng - 3,47% vào ngày 2/7. Giá trái phiếu sẽ tiếp tục tăng nếu PBoC nới lỏng chính sách tiền tệ hơn nữa để đảm bảo tăng trưởng, trong khi PBoC cam kết giữ đồng tiền ổn định hôm 3/7.

Một điểm mạnh khác của TPCP Trung Quốc là chi phí bảo hiểm thấp. Chưa kể, do mức độ tham gia của các nhà ĐTNN vào thị trường TPCP Trung Quốc còn ở mức thấp, thị trường này ít chịu ảnh hưởng bởi sự thoái vốn hay biến động theo thị trường toàn cầu, có nghĩa là nó sẽ ít chịu tác động hơn trong tình thế hỗn loạn hiện nay.

Tác động và giải pháp đối với TPCP Việt Nam

TPCP luôn được coi là kênh huy động vốn quan trọng của Việt Nam. Trong thời gian qua, Bộ Tài chính đã có những giải pháp tích cực để tăng cường hiệu quả của kênh này đối với các nhà đầu tư, cả trong và ngoài nước. Trong cuộc trả lời phỏng vấn Thông tấn xã Việt Nam, ngày 22/8, bà Phan Thị Thu Hiền - Vụ trưởng Vụ Tài chính các ngân hàng và Tổ chức tài chính, Bộ Tài chính cho biết, song hành với sự hội nhập TTTP khu vực và thế giới, từ năm 2015 đến nay, sự tham gia của nhà ĐTNN trên thị trường TPCP Việt Nam có sự thay đổi tích cực. Tại thời điểm cuối năm 2017, tỷ lệ nắm giữ TPCP của các nhà ĐTNN (bao gồm cả nhà đầu tư là pháp nhân nước ngoài và tổ chức thành lập trong nước có sở hữu bởi nhà ĐTNN) vào khoảng 5%, trong khi cuối năm 2015 con số này là 4,5%. Đặc biệt, trong năm 2016 và 2017, lần đầu tiên Bộ Tài chính đã phát hành thành công khoảng 11.500 tỷ đồng TPCP kỳ hạn 20 và 30 năm cho nhà đầu tư 100% vốn nước ngoài. Điều này cho thấy nhà ĐTNN đã quan tâm và có nhu cầu đầu tư dài hạn trên thị trường TPCP.

Tuy nhiên, cùng với những biến động tiêu cực của nền kinh tế thế giới, nhất là cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc, việc các nhà đầu tư quốc tế tăng cường đầu tư vào TPCP Trung Quốc đã gây ra nhiều khó khăn cho việc huy động vốn bằng TPCP Việt Nam. Tỷ trọng tham gia của nhà ĐTNN trong tổng giá trị phát hành trên thị trường sơ cấp và thứ cấp còn thấp. Theo Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) - đơn vị vận hành thị trường TPCP, bước sang năm 2018, khối lượng mua ròng của nhà ĐTNN giảm mạnh. Cụ thể, trên thị trường thứ cấp, 10 tháng đầu năm 2018, nhà ĐTNN mua ròng gần 33 nghìn tỷ đồng, trong khi năm 2017 mua ròng hơn 20,5 nghìn tỷ đồng và năm 2016 mua ròng hơn 12,6 nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, Bà Nguyễn Thị Hoàng Lan, Phó Tổng Giám đốc Phụ trách Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) nhìn nhận, tỷ trọng tham gia của nhà ĐTNN trên thị trường TPCP của Việt Nam còn thấp. Đơn cử, năm 2017, giao dịch của khối ngoại chỉ chiếm dưới 5,3% tổng giá trị phát hành trên thị trường sơ cấp và thị trường thứ cấp là 6,1%.

Để tăng cường thu hút các nhà ĐTNN đầu tư vào TPCP, trong thời gian tới, Chính phủ cần có những giải pháp tích cực, mạnh mẽ và quyết liệt. Trước hết, cần tập trung vào các giải pháp giúp tăng trưởng kinh tế một cách ổn định, bền vững. Với các nhà đầu tư, “sức khỏe” của nền kinh tế luôn là ưu tiên hàng đầu khi xem xét có hay không đầu tư vào trái phiếu quốc gia. Do đó, các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô luôn được các nhà ĐTNN xem xét khi lọc tìm các quốc gia để rót tiền đầu tư. Chính vì vậy, Việt Nam cần ổn định, nhất quán trong thực thi các chính sách kinh tế vĩ mô.

Chính sách quản lý nợ công cũng cần được đặc biệt chú trọng. Đây là một nhân tố quan trọng, phải quan tâm thích đáng khi thực thi các biện pháp thu hút nhà ĐTNN. Một tỷ lệ nợ công phù hợp với “sức khỏe” của nền kinh tế (tỷ lệ nợ trên GDP), cơ cấu nợ cân đối (về kỳ hạn, về đồng tiền vay, về đối tượng vay…) giúp khả năng trả nợ thuận lợi sẽ là điều mà nhà đầu tư quan tâm, tìm hiểu, phân tích khi tiến hành đầu tư. Đối với nhà ĐTNN, rủi ro tỷ giá luôn là vấn đề. Cần phải cung cấp các công cụ giúp họ phòng ngừa rủi ro tỷ giá. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã cho phép thực hiện hợp đồng kỳ hạn ngoại tệ nhưng trong đối tượng được sử dụng công cụ này không có đối tượng là người không cư trú. Điều này hiện cũng tác động đến sự quan tâm của nhà ĐTNN vào thị trường TPCP. Các chính sách vĩ mô về tiền tệ như: chính sách tỷ giá, khả năng chuyển đổi của đồng tiền, quản lý vốn đầu tư… nếu được cân nhắc, tính toán điều chỉnh phù hợp hơn cũng sẽ tạo động lực thu hút nhà ĐTNN vào thị trường TPCP.

Bên cạnh đó, cần đơn giản hóa, chuẩn mực hóa theo tiêu chuẩn quốc tế các thủ tục, loại bỏ các yêu cầu hành chính không cần thiết để thu hút mạnh hơn nguồn vốn đầu tư vào thị trường. Theo bà Nguyễn Thị Hoàng Lan, “Các thủ tục hành chính thông thoáng, phù hợp với chuẩn mực chung áp dụng trên thị trường quốc tế sẽ vừa giúp nhà nước quản lý đồng thời tạo điều kiện cho nguồn vốn dễ dàng luân chuyển vào thị trường, qua đó gia tăng tính cạnh tranh của thị trường Việt Nam”. Đồng thời, Chính phủ cần tạo ra tính ổn định trong vấn đề thuế, phí. Để lượng hóa rủi ro, lợi nhuận thì các nhà đầu tư, nhất là nhà ĐTNN luôn xây dựng các kế hoạch, lộ trình tham gia đầu tư, việc thay đổi liên tục chi phí (cho dù giảm thuế, phí có thể mang lợi ích tức thời) là những tác nhân gây bất ổn định trong quản lý danh mục đầu tư, khiến việc phân bổ nguồn đầu tư kém hiệu quả.