TS. Võ Trí Thành:

"Trung Quốc chao đảo, cả thế giới cũng sẽ bị cuốn vào vòng xoáy"

Theo Đình Vũ/nhadautu.vn

Theo TS. Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), dịch bệnh do virus Corona (Covid-19) sẽ gây ảnh hưởng nặng nề tới kinh tế thế giới. Kinh tế Việt Nam sẽ chịu tác động rõ nét hơn vì Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất và cũng là đối tác đầu tư lớn.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Cho tới thời điểm hiện tại, số bệnh nhân mắc mới và trường hợp tử vong do nhiễm Covid-19 ở Trung Quốc và thế giới vẫn không ngừng tăng lên. Cho đến thời điểm hiện tại, các nhà khoa học vẫn chưa thể tiên lượng được đâu là đỉnh của dịch bệnh này và khi nào nó sẽ kết thúc.

Tại Việt Nam, cho đến thời điểm hiện tại có 16 người được xác nhận là đã nhiễm loại virus này. Dịch bệnh vẫn đang được kiểm soát và tình hình điều trị cho các bệnh nhân cho thấy khả quan. Tuy nhiên, trước tình hình dịch bệnh do virus Covid-19 gây ra diễn biến phức tạp tại Trung Quốc tác động tới kinh tế toàn cầu và Việt Nam được dự báo là không hề nhỏ.

Để làm rõ hơn tác động của dịch bệnh này với kinh tế Việt Nam năm 2020 và đâu là giải pháp, Nhadautu.vn đã có cuộc trao đổi với TS. Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) về vấn đề này.

Phóng viên: Xin ông cho biết, dịch bệnh viêm đường hô hấp do chủng mới virus Corona (nCoV) gây ra sẽ tác động thế nào tới kinh tế Việt Nam?

TS. Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM)
TS. Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM)

 

 

 

Ông Võ Trí Thành: Dịch bệnh viêm đường hô hấp do virus Corona (nCoV, Covid-19) đang hoành hành tại Trung Quốc ảnh hưởng nặng nề tới kinh tế thế giới nếu không muốn nói là nghiêm trọng. Mức độ tác động cụ thể còn là ẩn số bởi quy mô và thời gian kéo dài của dịch này vẫn còn chưa thể xác định được.

Nhìn tổng thể dịch bệnh này sẽ có tác động tới tất cả các ngành, lĩnh vực của  kinh tế toàn cầu vì Trung Quốc là nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới (sau Mỹ), chiếm tỷ trọng khoảng 17% GDP và đóng góp khoảng 33% tổng mức tăng trưởng kinh tế toàn cầu.

Vừa đóng góp lớn vào kinh tế toàn cầu, Trung Quốc lại vừa là nơi “hấp” của kinh tế thế giới xét cả trên góc độ sản xuất (nhất là công nghiệp) và cầu là thương mại. Theo đánh giá của nhiều tổ chức quốc tế uy tín dự báo dịch bệnh nCoV này có thể khiến GDP toàn cầu giảm khoảng 0,3-0,7 điểm % năm 2020, tương đương mức thiệt hại khoảng 160 tỷ USD – hơn 200 tỷ USD, gấp khoảng 4 lần dịch Sars năm 2003. Có thể nói Trung Quốc chao đảo, cả thế giới cũng sẽ bị cuốn vào vòng xoáy.

Xét theo tác động tới chuỗi cung ứng, có thể thấy, chuỗi cung ứng toán cầu sẽ bị gián đoạn vì sản xuất Trung Quốc đình trệ. Ngành công nghiệp Trung Quốc vẫn hoạt động nhưng công suất giảm do thiếu nhân công. Vũ Hán (tâm điểm của dịch bệnh tại Trung Quốc) lại là trung tâm công nghiệp lớn, có sự kết nối sâu rộng với thế giới. Vì thế sẽ có nhiều tác động mạnh mẽ tới thế giới khi chuỗi sản xuất bị gián đoạn, đứt quãng. Dịch bệnh cũng tạo ra sự gián đoạn trong lưu chuyển hàng hoá, dịch chuyển lao động bởi các biện pháp phòng ngừa. Như vậy, chỉ cần tắc ở Trung Quốc là sẽ ảnh hưởng lớn tới thương mại, đầu tư toàn cầu.

Trước dịch bệnh người dân sẽ có tâm lý co cụm, chờ đợi tạo một lực cản tới chuyển động đầu tư. Điều này thể hiện rõ nhất là các chuyến thăm dò, khảo sát thị trường hiện nay đều bị dừng lại. Cùng với đó, tiêu dùng sẽ bị đình trệ, giảm sút trừ 1 số mặt hàng thiết yếu. Bản thân tác động của dịch đã lớn nhưng đáng lo ngại hơn là tâm lý hoang mang, hoảng loạn không chỉ ảnh hưởng tới tiêu dùng mà còn tác động tới cả đầu tư, sản xuất.

Riêng với Việt Nam, sự ảnh hưởng của dịch bệnh sẽ còn thể hiện rõ nét hơn vì Trung Quốc là đối tác số 1 về xuất nhập khẩu hàng hoá với Việt Nam, cũng là đối tác đầu tư rất lớn trong nhiều năm trở lại đây. Trung Quốc cũng có quan hệ dịch chuyển lao động và du lịch lớn với Việt Nam.

Năm ngoái, khách du lịch Trung Quốc chiếm trên 30% lượng khách du lịch nước ngoài tới Việt Nam. Cùng với đó, chuyên gia Trung Quốc cũng tham gia nhiều ở các xí nghiệp, nhà máy tại Việt Nam. Đại dịch xảy ra dẫn tới tình trạng đứt khúc trong kết nối. Không phải ngẫu nhiên mà các tổ chức quốc tế đánh giá các nước Đông Á chịu ảnh hưởng lớn nhất từ dịch cúm Corona, trong đó có Hàn Quốc, Việt Nam.

Theo phản ảnh của nhiều hiệp hội, khả năng chịu đựng, cầm cự của doanh nghiệp trong nước chỉ có thể kéo dài trong vòng tháng này, dù họ đã có sự chuẩn bị nguồn lực dự trữ sẵn trước tết. Nếu chuỗi cung ứng, lao động bị đứt đoạn kéo dài sẽ khiến các doanh nghiệp đối điện với rất nhiều khó khăn.

Vậy theo ông, đâu là giải pháp để hạn chế tối đa thiệt hại của dịch bệnh này tới kinh tế Việt Nam?

Bài toán lớn nhất hiện nay vẫn là làm sao cứu người, dập dịch, giảm thiểu tối đa tác động bất lợi tới nền kinh tế. Theo đó, có một vài nguyên tắc giải pháp cơ bản sau nên được tính đến.

Thứ nhất cần xác định dịch bệnh này có tác động nghiêm trọng với kinh tế Việt Nam. Với các giả định, mức độ nghiêm trọng sẽ đặc biệt trong quý 1, có thể kéo dài tới quý 2, ước tính GDP có thể giảm 0,3-0,5% do dịch này, vì vậy đòi hỏi sự quyết liệt từ phía Chính phủ đến các bộ ngành địa phương. Ban Chỉ đạo phòng, chống virus Corona nên có thêm các thành viên có chuyên môn sâu về kinh tế, kế hoạch đầu tư để có những góp ý xác đáng về kinh tế.

Thứ 2 là làm sao chuẩn bị sẵn các phương án gắn với các ngành kinh doanh khác nhau tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của dịch. Thiết nghĩ, ngay trong tháng này cần có các kịch bản sẵn với phản ứng chính sách kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp. Kịch bản cần dự liệu về mức độ, liều lượng, quy mô, phạm vi ảnh hưởng của dịch, từ đó đưa ra các phương án hỗ trợ cho từng ngành, nhóm doanh nghiệp. Và dù phương án ra sao thì cái quan trọng hơn cả là phải có tính quyết liệt và "làm ngay".

Một số nhóm giải pháp chính sau: Một là nhóm chính sách vĩ mô, vì tác động của dịch bệnh có tính lan toả chung trên nhiều lĩnh vực nếu không muốn nói là tất cả. Cùng với đó là các chính sách liên quan tới tiền tệ, đảm bảo thanh khoản, bám sát tình hình để giữ ổn định kinh tế vĩ mô trong điều kiện có thể thì giảm lãi suất, bên cạnh hỗ trợ mang tính thị trường của các ngân hàng hương mại; chính sách chi trả bảo hiểm, giảm, giãn thời gian đóng thuế, đặc biệt với các doanh nhiệp gặp khó từ dịch bệnh. Một kiến nghị đã từ lâu chúng ta chưa làm được là miễn giảm thuế cho DNNVV, có thể thời gian này chúng ta nên đưa ra để làm cùng một lúc.

Nhóm thứ 2 là vừa chống dịch, vừa tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất kinh doanh. Việc này cần nhiều giải pháp cùng làm một lúc, như thông quan đường bộ. Việc thông quan vừa phải đảm bảo an toàn nhưng cũng phải đảm bảo tạo điều kiện cho việc thông quan dễ dàng. Cần tính tới các vấn đề như quy trình thông quan ra sao cho vừa an toàn, vừa nhanh chóng; vấn đề lưu chuyển nhân công, cùng với đó là bảo vệ an toàn cho người lao động; vấn đề liên quan tới giáo dục học hành, tạo điều kiện cho người lao động quay trở lại công việc.

Sau khi xác định các nhóm giải pháp chính, cần xác định một số lĩnh vực cụ thể cần được ưu tiên hỗ trợ, như một số lĩnh vực chịu tác động trực tiếp từ dịch bệnh như nông nghiệp (chủ yếu là xuất nhập khẩu), thương mại, du lịch. Một số lĩnh vực trong các ngành mà chuỗi giá trị bị gián đoạn gẫy khúc lớn như dệt may, gia dày cũng nên được đưa vào danh sách ưu tiên hỗ trợ. Các nhóm ngành này nên được ưu tiên hỗ trợ bằng cả những chính sách chung và cụ thể như hỗ trợ lãi suất, khoanh nợ, giãn nợ, giãn thời gian nộp thuế để doanh nghiệp có thêm nguồn lực sản xuất. 

Về nhóm lao động, có 2 vấn đề lớn, một là sự đứt quãng dịch chuyển lao động, nhất là lao động có tay nghề. Nhiều dự án cần chuyên gia đến mới hoạt động được nhưng do chính sách kiểm soát dịch bệnh nên lao động không thể quay lại với công việc. Cũng vì thế nên sẽ có nhóm lao động bị thiệt hại, thất nghiệp, mất việc, cần có bảo hiểm, trợ cấp xã hội cho họ. Cùng với đó, các doanh nghiệp đang phải tạm dừng hoạt động vẫn phải trả lương cũng cần nhận được sự đồng cảm từ phía chính sách, ngân hàng.

Cùng với hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp để họ có cơ hội tiếp tục hoạt động sản xuất cũng cần đẩy mạnh thông tin truyền thông, đảm bảo rõ ràng, minh bạch, đa ngôn để không chỉ Việt Nam mà cả thế giới thấy rõ tình hình dịch bệnh diễn biến ở nước ta, tránh tâm lý sơ hãi, hoang mang không cần thiết.

Tuy các nhóm giải pháp trên đưa ra để phấn đấu đạt mục tiêu kinh tế đề ra cho năm 2020, nhưng thực tế mục tiêu tăng trưởng GDP 6,8% cho năm nay là cực kỳ khó khăn. Giữ mục tiêu này có tác động tích cực là để cổ động cho chí tiến thủ, ý chí vượt khó, tăng cường kỷ luật, quyết liệt. Nhưng mặt khác nhìn vào thực tế thì có thể thấy mục tiêu tăng trưởng 6,8% rất khó để đạt được và trong điều kiện thế giới nhiều rủi ro bất định như hiện nay cũng nên có sự uyển chuyển linh hoạt để giải bài toán động và bất thường như thế này.

Có ý kiến cho rằng đây cũng là cơ hội để Việt Nam có thể “nhìn lại mình”, ông nghĩ sao về vấn đề này?

Đây là biến cố không ai mong đợi và có tác động tiêu cực tới nền kinh tế. Nhưng trong nguy có cơ, “cơ” ở đây là cơ hội để nhìn lại chính mình, đối tác, thị trường, cách quản trị rủi ro để cả nền kinh tế và doanh nghiệp có cơ hội để cải cách.

Trước mắt có thể là đa dạng hoá thị trường hay là vấn đề tái cấu trúc trong từng lĩnh vực. Ví dụ trong nông nghiệp dù ngành này đang thực hiện tái cấu trúc nhưng chưa đủ nhanh. Đây có thể là cơ hội để thúc đẩy quá trình tái cấu trúc diễn ra nhanh và mạnh mẽ hơn. Hay với hoạt động của bộ máy nhà nước cũng đòi hỏi tính quyết liệt và kỷ luật cao hơn để kịp thời phản ứng nhanh với các tình huống bất ngờ.

Về vấn đề thu hút đầu tư nước ngoài, hiện nay không còn chỉ đặt nặng những vấn đề như công nghệ, kỹ năng mà còn cần quan tâm tới hoạt động theo chuỗi, lựa chọn đối tác.

Trước sự ảnh hưởng của dịch bệnh, lo ngại tiêu dùng giảm, nhưng cũng là cơ hội để thương mại điện tử, kinh tế số lên ngôi. Đây cũng là cơ hội để Việt Nam thúc đẩy phát triển giao dịch không dùng tiền mặt, chuyển đổi số.

Nhìn một cách tổng thể, đây cũng là cơ hội để tái cấu trúc nền kinh tế, tái cấu trúc hoạt động của doanh nghiệp Việt Nam.

Xin cảm ơn ông!