Trung Quốc kích thích tiêu dùng

Theo Gia Lê/doanhnhansaigon.vn

Là nền kinh tế phụ thuộc vào xuất khẩu, Trung Quốc gần đây đã tìm cách kích thích tiêu dùng nội địa để khai phá thị trường đầy tiềm năng, cũng như hạn chế những thiệt hại do cuộc thương chiến với Mỹ và đặc biệt là ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Trung Quốc gần đây đã tìm cách kích thích tiêu dùng nội địa để khai phá thị trường đầy tiềm năng. Nguồn: internet
Trung Quốc gần đây đã tìm cách kích thích tiêu dùng nội địa để khai phá thị trường đầy tiềm năng. Nguồn: internet

Đầu tháng 3 năm nay, khi đã kiểm soát được tâm dịch Covid-19 ở Vũ Hán, giới chức Trung Quốc đã công bố một văn bản thúc đẩy tiêu dùng trong nước và khai thác tiềm năng của thị trường nội địa nhằm giảm bớt ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch đối với nền kinh tế.

Theo văn bản này, Trung Quốc cần tối ưu hóa nguồn cung thị trường trong nước, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm và dịch vụ trong nước. Văn bản cũng đưa ra các chính sách nhằm giải phóng tiềm năng về tiêu dùng ở các thành phố nhỏ và khu vực nông thôn với một mạng lưới hợp nhất giữa đô thị và nông thôn, tạo điều kiện vận chuyển nông sản và sản phẩm chế tạo.

Tiếp đó, nước này chi ra hơn 130 tỷ USD để kích cầu, đặc biệt là hỗ trợ các công ty nhỏ và trung bình. Bắc Kinh cũng cho biết sẽ tăng cường kiểm soát chu kỳ kinh tế, trong khi ngân hàng trung ương nước này sẽ sử dụng chính sách tiền tệ và phát triển những công cụ mới nhằm duy trì thanh khoản dồi dào, đảm bảo cung tiền và tăng trưởng tài chính.

Gần đây, các công ty Trung Quốc thi nhau phát phiếu mua hàng, triển khai các chương trình khuyến mãi với tổng trị giá hàng tỷ nhân dân tệ, nhắm đến người tiêu dùng trong nước để khuyến khích họ mua sắm trở lại. Đơn cử như nhà bán lẻ Suning phát phiếu mua hàng tổng trị giá gần 86 triệu USD cho khách hàng, trong khi chợ điện tử Tencent có chiến dịch "Mua ngay, trả tiền sau". Một số thành phố còn dành "hai ngày rưỡi cuối tuần" để đẩy mạnh chi tiêu và các quan chức được yêu cầu phải làm gương bằng cách mua sắm, ăn uống.

Từ giữa tháng 4, chính quyền thành phố Vũ Hán đã đưa ra gói kích cầu trị giá 500 triệu nhân dân tệ dưới dạng thẻ ưu đãi mua sắm, phiếu giảm giá; chính quyền thành phố Côn Minh đưa ra gói 100 triệu nhân dân tệ, còn thành phố Thâm Quyến đưa đưa ra gói 110 triệu nhân dân tệ dưới dạng thẻ ưu đãi, thẻ giảm giá cho người tiêu dùng. Trong khi đó, chính quyền thành phố Thượng Hải thông báo sẽ áp dụng 12 biện pháp nhằm củng cố niềm tin của người tiêu dùng.

Thật ra, việc chuyển dịch động lực tăng trưởng hướng vào thị trường trong nước đã được Chính phủ Trung Quốc triển khai trong nhiều năm trở lại đây, đặc biệt tăng cường kể từ khi nước này rơi vào cuộc chiến thương mại với Mỹ. Đối mặt với hàng rào thuế quan cao ngất và không ngừng gia tăng khiến hàng hóa Trung Quốc giảm lợi thế cạnh tranh, nhiều công ty Trung Quốc đã tích cực tiêu thụ ở thị trường trong nước, khai phá những phân khúc mới và kích thích khách hàng ở Đại lục.

Trong khi đó, Chính phủ Trung Quốc một mặt gia tăng hàng rào thuế quan để trả đũa Mỹ, mặt khác âm thầm thiết lập hàng rào kỹ thuật, hạn ngạch để hạn chế hàng hóa nước ngoài vào Trung Quốc, hỗ trợ doanh nghiệp trong nước tiêu thụ sản phẩm. Những lời kêu gọi bài trừ, tẩy chay một số hàng hóa của Mỹ cũng được đưa ra, đồng thời khuyến khích người dân mua sản phẩm do doanh nghiệp trong nước sản xuất.