Trung Quốc ngấm đòn chiến tranh thương mại

Theo Thành Nguyễn/nhadautu.vn

Giới tinh hoa Trung Quốc có vẻ đã bắt đầu nhận ra hậu quả của chính sách cứng rắn trong cuộc chiến thương mại với Mỹ.

Căng thẳng thương mại với Mỹ gia tăng đang gây ra những rạn nứt trong nội bộ Đảng Cộng sản Trung Quốc. Nguồn: internet
Căng thẳng thương mại với Mỹ gia tăng đang gây ra những rạn nứt trong nội bộ Đảng Cộng sản Trung Quốc. Nguồn: internet

Căng thẳng thương mại với Mỹ gia tăng đang gây ra những rạn nứt trong nội bộ Đảng Cộng sản Trung Quốc. Đã xuất hiện những chỉ trích về việc Trung Quốc phô trương sức mạnh một cách thái quá có thể đã giúp Mỹ củng cố được vị thế của mình, một nguồn tin thân cận với giới lãnh đạo Trung Quốc nói như vậy với hãng tin Reuters. 

Tuy quyền lực của ông Tập Cận Bình vẫn rất lớn nhưng việc xuất hiện những chỉ trích bất thường về chính sách kinh tế và cách mà giới lãnh đạo nước này giải quyết vấn đề tranh chấp thương mại đã cho thấy những rạn nứt trong nội bộ Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Những chỉ trích này hướng tới một trợ thủ đắc lực và thân cận của ông Tập Cận Bình là Ủy viên Thường trực Bộ Chính Trị Vương Hỗ Ninh, chiến lược gia và là người phụ trách công tác tư tưởng của Đảng Cộng sản Trung Quốc, theo hai nguồn tin gần gũi với các vấn đề chính trị ở Bắc Kinh.

Một nhà nghiên cứu nổi tiếng và có ảnh hưởng khác mà quan điểm của ông này được một bộ phận trong đảng ủng hộ cũng bị chỉ trích, vì quan điểm đề cao sức mạnh Trung Hoa của ông này.

Là kiến trúc sư cho "Giấc mơ Trung Hoa" được ông Tập khởi xướng nhằm biến Trung Quốc thành một quốc gia hùng cường, thịnh vượng, Vương Hỗ Ninh được coi là chiến lược gia và bậc thầy về lý luận của giới lãnh đạo nước này, được ông Tập giao nhiệm vụ xây dựng hình ảnh trỗi dậy ngày càng mạnh mẽ của Trung Quốc, điều đã khiến Mỹ cảm thấy bất an, nguồn tin này cho biết.

"Ông ấy đang gặp rắc rối vì những chỉ đạo sai lầm trong công tác tuyên truyền và đẩy hình ảnh Trung Quốc lên quá cao", một nguồn tin có liên hệ với giới lãnh đạo và bộ máy tuyên giáo của Trung Quốc cho hay.

Văn phòng Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc không phản hồi yêu cầu bình luận về thông tin có liên quan tới ông Vương Hỗ Ninh nói trên cũng như mối liên hệ giữa ông này và ông Tập Cận Bình, hay liệu Trung Quốc đã sai lầm trong việc chuyển tải thông điệp trong cuộc chiến thương mại trong thời gian qua.

Một cố vấn chính sách của chính phủ Trung Quốc yêu cầu được giấu tên cho biết các quan chức chính phủ ngày càng có cảm giác rằng triển vọng kinh tế đất nước đã trở nên u ám sau khi mối quan hệ thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ trở nên xấu đi. Nhiều nhân vật có ảnh hưởng khác tại Trung Quốc cũng có chung quan điểm.

"Nhiều chuyên gia kinh tế và giới trí thức không hài lòng với chính sách chiến tranh thương mại của Trung Quốc", một học giả yêu cầu được giấu tên tại một tổ chức tư vấn chính sách của Trung Quốc cho biết. "Quan điểm chung là lập trường hiện nay của Trung Quốc quá cứng rắn và giới lãnh đạo rõ ràng đã đánh giá sai tình hình".

Quan điểm này đối ngược với quan điểm hồi đầu năm nay, khi nhiều học giả Trung Quốc lúc đó rất đề cao khả năng của Trung Quốc trong việc đương đầu với cuộc chiến thương mại với Mỹ do những yếu kém về chính trị của ông Trump ở quê nhà.

Trung Quốc tưởng rằng đã có thể đạt được một thỏa thuận với Mỹ nhằm tránh được một cuộc chiến thương mại hồi tháng 5, nhưng đã bị sốc khi chính quyền của ông Trump, trong con mắt của Bắc Kinh, đã đi ngược lại thỏa thuận này.

Theo cố vấn này, việc xung đột thương mại Mỹ - Trung tiến triển thành chiến tranh thương mại đã khiến mọi người phải suy xét lại mọi thứ. "Điều này được cho là có liên quan đến nỗ lực phô trương sức mạnh Trung Hoa của một số cơ quan, học giả, ảnh hưởng đến cách nhìn nhận của Mỹ và thậm chí cả dư luận trong nước".

Một quan chức có hiểu biết về hệ thống tuyên giáo của Trung Quốc cho rằng thông điệp được phát đi trong thời gian qua đã chệch hướng. "Trong cuộc chiến tranh thương mại, hệ thống tuyên truyền Trung Quốc đều cho rằng Trump điên rồ", quan chức này nói. "Nhưng trên thực tế, điều mà ông ấy lo sợ là Trung Quốc trở nên mạnh hơn".

Theo bình luận của Reuters, làn sóng chỉ trích chính sách kinh tế và chiến lược thương mại dường như đang nhắm vào ông Vương Hỗ Ninh và cho thấy những bất đồng trong nội bộ Trung Quốc về chiến lược đối phó với Mỹ.

Quá tự tin?

Từ khi ông Tập lên nắm quyền, các quan chức Bắc Kinh ngày càng tự tin thể hiện quan điểm rằng Trung Quốc xứng đáng đứng ở vị thế cường quốc lãnh đạo thế giới, đoạn tuyệt với chiến lược "ẩn mình chờ thời" do ông Đặng Tiểu Bình khởi xướng và được các lãnh đạo trước đây kiên trì theo đuổi.

Sự tự tin đó được thể hiện rõ ràng khi Trung Quốc thúc đẩy sáng kiến Vành đai và Con đường nhằm phát triển các tuyến thương mại nối Đông và Tây, đồng thời áp dụng quan điểm ngày càng cứng rắn trong tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông hay vấn đề liên quan đến Đài Loan.

Hồ An Cương, giáo sư kinh tế tại Đại học Thanh Hoa và chuyên gia về "chủ nghĩa biệt lệ Trung Quốc", là một trong những người ủng hộ tích cực quan điểm rằng Trung Quốc đã trở thành một "cường quốc toàn diện". Những bài viết của Hồ An Cương về sức mạnh Trung Quốc luôn nhận được sự ủng hộ của nhiều quan chức và nhà lý luận cấp cao.

Nhưng trong vài tuần qua, Hồ An Cương đã phải đối mặt với làn sóng công kích, khi nhiều nhà phê bình đổ lỗi cho ông vì đã "khua chiêng gõ mõ" về sức mạnh kinh tế, công nghệ và quân sự của Trung Quốc, khiến Mỹ cảm thấy bất an.

Vị giáo sư này từ chối bình luận khi được phóng viên Reuters liên hệ.

Những rạn nứt trong nội bộ Đảng cộng sản Trung Quốc nổi lên trong bối cảnh thị trường chứng khoán và tiền tệ nước này suy giảm, ảnh hưởng đến nỗ lực vực dậy nền kinh tế của chính phủ nhằm giảm thiểu hậu quả của chiến tranh thương mại.

Trong những tuần gần đây Trung Quốc đã khuyến khích việc đẩy tín dụng ra nền kinh tế và cam kết sẽ sử dụng các chính sách tài khóa, trong đó bao gồm cả việc giảm thuế và bơm tiền cho chính quyền các địa phương để chống lại đà suy giảm tăng trưởng kinh tế và những bất ổn đang ngày càng gia tăng trong nội bộ đảng do sự leo thang của chiến tranh thương mại.

Ngoài ra ông Tập còn phải đương đầu với những vấn đề đau đầu khác, bao gồm sự giận dữ của công chúng trong vụ vắc xin giả và những cuộc biểu tình phản đối tại Bắc Kinh hồi tuần này của các nhà đầu tư bị phá sản bởi nền tảng cho vay trực tuyến.  

Dù truyền thông nhà nước Trung Quốc vài ngày qua vẫn đăng dày đặc các bài xã luận chỉ trích Mỹ và cuộc chiến tranh thương mại, có nhiều dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh đang thay đổi thông điệp của mình. Bắc Kinh đã bắt đầu ít đề cập đến chính sách công nghiệp "Made in China 2025", vốn là trọng tâm khiến Mỹ quan ngại về tham vọng công nghệ của Trung Quốc.

Kênh truyền hình tiếng Anh CGTN của Trung Quốc cũng bắt đầu tập trung vào việc phản ánh những hậu quả mà người dân Mỹ có thể hứng chịu khi giá hàng hóa Trung Quốc tăng lên, cũng như thiệt hại mà kinh tế Mỹ phải hứng chịu do hàng rào thuế quan.

Tuy nhiên, nhận thức phổ biến trong giới lãnh đạo Trung Quốc hiện nay là thiệt hại đã xảy ra rồi và những chiến dịch tuyên truyền tại Trung Quốc giờ đây được theo dõi một cách sát sao ở nước ngoài, một điều chưa từng xảy ra trong quá khứ.

"Trung Quốc không thể tiếp tục giấu mình chờ thời nữa, nhưng ít nhất chúng tôi có thể kiểm soát mức độ tuyên truyền và đưa ra thông điệp phù hợp hơn", người này cho biết và nói thêm: "Khi quy mô nền kinh tế Trung Quốc còn nhỏ thì thế giới không mấy để tâm tới nhưng bây giờ thì Trung Quốc được theo dõi một cách chặt chẽ”.