Trung Quốc nỗ lực ổn định thị trường tài chính

Theo Thái Hồng/thoibaonganhang.vn

Các nhà chức trách Trung Quốc cho biết sẽ thực hiện một loạt các biện pháp nhằm đảm bảo sự ổn định của hệ thống tài chính của nước này trong bối cảnh cuộc chiến chống lại dịch cúm do virus corona chủng mới gây ra đang được đẩy mạnh.

Đại dịch đang ảnh hưởng trực tiếp đến nền kinh tế Trung Quốc.
Đại dịch đang ảnh hưởng trực tiếp đến nền kinh tế Trung Quốc.

Trước những lo ngại về tác động kinh tế do virus corona chủng mới đã lây nhiễm tới khoảng 12.000 người và khiến hơn 300 người thiệt mạng, các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc trong đó có ngân hàng trung ương đã tăng cường các nỗ lực để củng cố hệ thống tài chính và thị trường vốn.

Trước hết, để hỗ trợ các doanh nghiệp bị tác động bởi đại dịch corona, giới chức Trung Quốc cam kết sẽ sử dụng nhiều công cụ chính sách tiền tệ để đảm bảo khả năng thanh khoản bằng tiền mặt. Cụ thể, trong một động thái mới nhất, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) ngày 2/2 cho biết sẽ bơm 1,2 nghìn tỷ Nhân dân tệ (173 tỷ USD) vào nền kinh tế. Theo đó, thanh khoản tổng thể của hệ thống ngân hàng sẽ cao hơn cùng kỳ năm ngoái 900 tỷ Nhân dân tệ (129 tỷ USD).

Ngoài ra, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc cho biết sẽ cho phép người dân tại Vũ Hán và một số khu vực của tỉnh Hồ Bắc có thể hoãn thanh toán các khoản vay trong vài tháng tới nếu dịch bệnh đang lây lan ảnh hưởng đến nguồn thu nhập của người dân.

Bộ Tài chính Trung Quốc cũng cho biết sẽ hỗ trợ giảm mức lãi suất phải thanh toán cho một số doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona gây ra. Khoản trợ cấp sẽ dựa trên 50% tỷ lệ lãi suất cho vay do Ngân hàng Trung ương công bố, nhằm giúp các doanh nghiệp bị tác động bởi dịch bệnh, trong giai đoạn dưới một năm.

Trước đó, trong một cuộc phỏng vấn công bố hôm 1/2, Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý Ngân hàng và Bảo hiểm Trung Quốc (CBIRC) Cao Yu cho biết, cơ quan này sẽ "kéo dài thời gian ân hạn phù hợp" cho các công ty gặp khó khăn trong việc đáp ứng thời hạn tuân thủ các quy tắc quản lý tài sản mới vào cuối năm 2020. Đối với các công ty bảo hiểm có thanh khoản dồi dào, cơ quan quản lý sẽ cho phép họ nâng cao một cách thích hợp các khoản đầu tư của họ vào cổ phiếu từ giới hạn hiện tại là 30% tổng tài sản. CBIRC cũng kêu gọi giảm lãi suất, cắt giảm phí và cung cấp thêm tín dụng cho các khu vực bị ảnh hưởng nặng nề để hỗ trợ cuộc chiến chống lại sự bùng phát virus cúm mới.

Theo ông Cao Yu, thị trường tài chính biến động trước những rủi ro là bình thường, tuy nhiên tác động của dịch bệnh sẽ là ngắn hạn và tạm thời. Đồng thời, ông cũng cho biết các tổ chức tài chính và thị trường của Trung Quốc đã có sức chống chịu tốt hơn sau một thời gian dài cải cách và mở cửa.

Trung Quốc đang thực hiện nhiều nỗ lực để giảm thiểu các rủi ro của thị trường tài chính và kiềm chế hoạt động của hệ thống ngân hàng ngầm. Một trong các chính sách nghiêm ngặt nhất là yêu cầu tất cả các sản phẩm tài chính hiện có phải tuân thủ các quy tắc quản lý tài sản mới vào cuối năm 2020. Các ngân hàng gặp nhiều khó khăn khi phải đáp ứng thời hạn này trong bối cảnh nền kinh tế chậm lại và các vụ vỡ nợ gia tăng.

Trong khi đó, Phó Chủ tịch của cơ quan quản lý chứng khoán Trung Quốc Li Chao kêu gọi các công ty môi giới và quỹ đầu tư hướng dẫn các nhà đầu tư đánh giá một cách hợp lý và khách quan tác động của dịch bệnh, duy trì triết lý đầu tư dài hạn và dựa trên giá trị. Ông Li cũng cho biết họ sẽ thực hiện các quy trình nhanh hơn để hỗ trợ các công ty bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch cúm, đồng thời sẽ mở một kênh cấp tốc cho các quỹ đầu tư đăng ký đầu tư vào các công ty thiết bị y tế và nghiên cứu, phát triển vắc-xin.

Mặc dù đã triển khai nhiều giải pháp ứng cứu, dự báo dịch corona sẽ tác động đáng kể đến đà tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc. Mặc dù còn quá sớm để đánh giá đầy đủ các tác động mà chủng virus corona gây ra đối với  nền kinh tế Trung Quốc, nhưng có thể rõ ràng nhận thấy, virus đang gây tổn hại cho hoạt động tiêu dùng và ngành du lịch, dịch vụ của nước này.

Dịch bệnh lây lan cũng đe dọa làm gia tăng tỷ lệ thất nghiệp tại quốc gia 1,4 tỷ dân và đẩy giá tiêu dùng tăng vọt. Trước đó, thị trường lao động Trung Quốc đã cho thấy dấu hiệu bất ổn, ngành công nghiệp có truyền thống tạo nhiều công ăn việc làm như công nghệ đã tổn thương nghiêm trọng vì thương chiến.

Gần đây nhất, Citigroup đưa ra dự báo tăng trưởng GDP của Trung Quốc sẽ chậm lại còn 4,8% trong quý I/2020, từ mức 6,0% trong quý IV/2019. Tăng trưởng cả năm 2020 cũng được dự đoán giảm từ 5,8% xuống còn 5,5%. Một số các tổ chức còn đưa ra các dự báo bi quan hơn khi cho rằng dịch virus corona và các biện pháp chống cự của Trung Quốc có thể đẩy GDP năm 2020 của nước này xuống mức 3,9% như năm 1990.