Trung Quốc rót hàng chục tỷ USD xây 77 khu kinh tế trên toàn thế giới

Theo Anh Mai/nhadautu.vn

Trong tổng số 77 khu kinh tế đã và đang được Trung Quốc xây dựng tại 36 quốc gia trên toàn thế giới, có 56 khu kinh tế nằm tại 20 quốc gia dọc theo tuyến “Vành đai - Con đường".

 Một khu phức hợp nhà hàng, khách sạn, sòng bài Trung Quốc ở Sihanoukville. Ảnh: Reuters
Một khu phức hợp nhà hàng, khách sạn, sòng bài Trung Quốc ở Sihanoukville. Ảnh: Reuters

77 khu kinh tế trên toàn thế giới

Theo thông tin từ trang web của Bộ Thương mại Trung Quốc, trong cuộc họp báo thường kỳ ngày 13/4/2017, khi được hỏi về kế hoạch xây dựng các khu hợp tác thương mại và kinh tế ở nước ngoài, người phát ngôn Sun Jiwen của Bộ này cho biết, tính đến tháng 4/2017, Trung Quốc có tổng số 77 khu kinh tế đã và đang được xây tại 36 quốc gia, trong đó 56 khu kinh tế nằm tại 20 quốc gia dọc theo tuyến “Vành đai - Con đường".

56 khu kinh tế này đã thu hút lượng vốn đầu tư 18,85 tỷ USD và 1.082 doanh nghiệp đến thuê đất kinh doanh, tạo ra 50,69 tỷ USD sản lượng công nghiệp và 1,07 tỷ USD doanh thu thuế cho các nước chủ nhà, tạo ra 177.000 việc làm cho người dân địa phương.

Người phát ngôn Bộ Thương mại Trung Quốc cho rằng, các khu kinh tế này được ví như những viên "ngọc trai lấp lánh" dọc "Vành đai - Con đường". "Các khu kinh tế đã đóng một vai trò tích cực trong việc thúc đẩy quá trình công nghiệp hoá và nâng cấp công nghiệp của các nước dọc theo tuyến Vành đai - Con đường và trong việc phát triển các mối quan hệ thương mại song phương giữa các nước với Trung Quốc", người phát ngôn Sun Jiwen nói.

Trong tương lai, Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết, nước này sẽ tiếp tục duy trì nguyên tắc nỗ lực chung trong đàm phán, chia sẻ và thúc đẩy tinh thần "Con đường tơ lụa", tận dụng lợi thế của các doanh nghiệp Trung Quốc, doanh nghiệp nước chủ nhà và doanh nghiệp bên thứ ba bằng cách tăng cường quy hoạch, liên kết chiến lược và cải thiện cơ chế hợp tác, làm việc cùng với các nước chủ nhà để thúc đẩy việc xây dựng các khu hợp tác và đóng góp vào sự phát triển kinh tế và xã hội của nước sở tại.

"Chúng tôi hy vọng các quốc gia có liên quan có thể hợp tác với chính phủ Trung Quốc để tạo ra một môi trường pháp lý, chính sách và kinh doanh thuận lợi cho các khu hợp tác kinh tế có liên quan", người phát ngôn Sun Jiwen nói.

Đặc khu Sihanoukville: "Thâm Quyến" của Campuchia

“Thành phố biển Sihanoukville đã thức giấc”, tờ Phnom Penh Post của Campuchia đầu tháng 11/2017 nhìn lại một năm bùng nổ du khách tại Sihanoukville.

Chàng hoàng tử đánh thức nàng công chúa ngủ trong rừng, theo Phnom Penh Post, là những người đến từ Trung Quốc, đi theo sau sáng kiến "Vành đai - Con đường" do chính phủ mở đường.

Ở Sihanoukville, có 24 sòng bài hợp pháp và chủ yếu do người Trung Quốc sở hữu hoặc điều hành.

Được thành lập vào năm 2008, đặc khu kinh tế Sihanoukville (SSEZ) là đặc khu lớn nhất của Campuchia về quy mô và sức chứa, với 1.113 ha, 100 công ty thuê và lực lượng lao động lên tới 16.000 người. SSEZ được thành lập trước khi chính thức ra mắt kế hoạch "Vành đai - Con đường" của Trung Quốc. 

SSEZ nằm tại ven biển phía Tây Nam Campuchia trên Vịnh Thái Lan - khu vực có cảng biển quốc tế duy nhất của nước này, một mắt xích trọng yếu trong kế hoạch “Vành đai - Con đường” và “Con đường tơ lụa trên biển” của Trung Quốc tại khu vực tiểu vùng sông Mê Kông.

Đặc khu kinh tế này do 2 công ty của Campuchia và Trung Quốc đồng quản lý, là trụ cột của sự hợp tác giữa Trung Quốc và Campuchia.

Tại đặc khu này, tính tới thời điểm tháng 6/2017, có tới 94 công ty Trung Quốc thuê đất kinh doanh, 12 công ty đến từ Mỹ, Ireland, Vương quốc Anh, Hàn Quốc và các quốc gia khác, 3 công ty đến từ nước chủ nhà Campuchia.

Nguồn thu nhập chính của SSEZ đến từ đất đai, cho thuê nhà xưởng và quản lý tài sản. Tại SEZ, các nhà đầu tư SEZ được phép thuê đất từ các nhà phát triển SEZ tối đa không quá 50 năm.

Mục tiêu của SSEZ là có 300 công ty hoạt động trong khu kinh tế, cung cấp việc làm và chỗ ở sinh hoạt cho 80.000 đến 100.000 công nhân.

"Chúng tôi tin rằng sự phát triển của SSEZ sẽ tăng tốc, và chúng tôi cố gắng trở thành "Thâm Quyến" của Campuchia", Tổng Giám đốc SSEZ  - ông Cao Jianjiang, một người Trung Quốc nói với Phnompenhpost hồi tháng 6/2017.

Trung Quốc còn tiếp tục xây dựng đường cao tốc bốn làn xe đến Phnom Penh, sân bay quốc tế Sihanoukville đang được mở rộng và khoảng 70% các chuyến bay quốc tế là đi - đến Trung Quốc. Ngoài ra, cải thiện hệ thống đường sắt cũng nằm trong kế hoạch của sáng kiến "Vành đai - Con đường".

Sự thành công của Sihanoukville SEZ đã mở đường cho việc xây dựng SEZ thứ hai của Trung Quốc tại Kampong Speu, Campuchia vào tháng 10/2016, dành cho chế biến thực phẩm xuất khẩu.

Kampong Speu SEZ có diện tích là 300 ha, cách Phnom Penh 30 km và được đầu tư 2,1 tỷ USD, gấp tới 7 lần kỷ lục mà Sihanoukville SEZ đã tạo ra trước đó.

Đây là SEZ đầu tiên tại Campuchia tập trung vào các sản phẩm nông sản và có hệ thống đối tác tương đối mạnh mẽ. Vào thời điểm thông qua dự án (tháng 10/2016), đã có 10 công ty Trung Quốc đăng ký hoạt động và ít nhất là 25 siêu thị tại Trung Quốc đặt hàng mua sản phẩm từ SEZ này. Campuchia hiện không có bất cứ kho trữ nông sản quy mô lớn hay nhà máy chế biến sản phẩm nông nghiệp quy mô lớn nào dành cho xuất khẩu.

Nếu Sihanoukville SEZ tiếp tục duy trì đà tăng trưởng và Kampong Speu đi vào hoạt động như dự kiến thì Trung Quốc sẽ nắm giữ hai trụ cột về sản xuất công nghiệp và chế biến nông sản của Campuchia.

"Bữa trưa không miễn phí" cho Lào

AFP đưa tin, ngày 30/1/2018, Bộ Tài chính Mỹ đã đưa sòng bạc Kings Romans ở Lào vào danh sách trừng phạt tội phạm có tổ chức, gọi đây là trung tâm buôn người, ma túy và động vật nằm trong danh sách được bảo vệ.

Bộ này nói Zhao Wei, chủ sở hữu sòng bạc của người Trung Quốc này, đứng đầu "tổ chức tội phạm xuyên quốc gia" hoạt động tại Kings Romans, khu nghỉ dưỡng cờ bạc tại đặc khu kinh tế Tam giác vàng ở sông Mê Kông gần Ton Pheung, Lào, gần với ngã ba nơi Myanmar, Thái Lan và Lào giao thoa.

Theo Nikkei Asian Review, Lào hiện có khoảng 13 khu kinh tế có vốn đầu tưTrung Quốc, chứa đầy sòng bạc, tiệm massage trá hình và nhân công người Hoa, rải rác khắp nước này.

Sòng bạc Kings Romans là trọng điểm thu hút khách du lịch của đặc khu Kinh tế Tam giác vàng (GTSEZ) rộng 10.000 ha. GTSEZ được thiết lập vào năm 2007 bởi chính phủ Lào và tập đoàn Hong Kong Kings Romans Group. 3.000 ha dành riêng cho GTSEZ được chính phủ Lào cho thuê thời hạn 99 năm.

Tập đoàn Kings Romans đã bỏ ra hàng chục triệu USD để cải tạo vùng Bokeo hoang vu bên dòng sông Mekong thành một khu vui chơi giải trí chỉ dành riêng cho khách du lịch đến từ Trung Quốc.

Đằng sau ánh đèn hào nhoáng của sòng bạc Kings Romans là khu “China Town” (Khu phố Tàu) chứa đầy các nhà hàng và những tiệm massage trá hình. Các tòa nhà và cơ sở bên trong đặc khu được xây dựng giống như một “Tử Cấm Thành thu nhỏ”. 

Đa số những người làm việc tại đây đến từ Trung Quốc và Myanmar. Đồng hồ và thời gian sinh hoạt trong đặc khu kinh tế này được điều chỉnh theo giờ của Trung Quốc, hầu hết cửa hàng và dịch vụ từ chối thanh toán bằng tiền Kíp của Lào.