Trung Quốc: Rủi ro nợ công tiếp tục gia tăng

Theo Minh Đức/thoibaonganhang.vn

Trong cuộc chiến thương mại với những khó khăn mà Mỹ áp đặt lên Bắc Kinh, sự chú ý đang chuyển sang vấn đề vay nợ quá mức trong nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này.

Nợ công tại Trung Quốc đã có xu hướng gia tăng. Nguồn: internet
Nợ công tại Trung Quốc đã có xu hướng gia tăng. Nguồn: internet

Áp lực từ cuộc chiến thương mại

Nợ công tại Trung Quốc đã có xu hướng gia tăng liên tục kể từ năm 2010 trở lại đây. Theo số liệu thống kê chính thức của Chính phủ, nợ công đã tăng lên mức 47% GDP trong năm 2017, tiếp tục tăng lên 50,1% GDP trong năm 2018 và dự báo đạt 53,9% GDP năm 2019.

Tuy nhiên, những con số thống kê không chính thức của các tổ chức quốc tế còn mang tính báo động hơn nhiều. Nikkei Asian Review dẫn một nguồn tin cho biết các khoản nợ ngầm của chính quyền địa phương đã tăng lên mức 40.000 tỷ NDT (gần 6.000 tỷ USD), gây áp lực lớn lên nền kinh tế Đại Lục.

Nếu tính cả nợ của chính quyền trung ương – gần 13.500 tỷ NDT vào cuối năm 2017, thì tổng nợ công của Trung Quốc đã vượt quá 70.000 tỷ NDT (hơn 10.000 tỷ USD), chiếm hơn 80% GDP của năm 2017. Như vậy, theo thống kê từ Bloomberg, tính đến hết tháng 11 năm 2018, Trung Quốc đã trở thành nơi sở hữu nhiều nợ công hơn bất kỳ thị trường mới nổi nào khác

Cuộc chiến thương mại với Mỹ càng làm gia tăng những lo ngại lên vấn đề nợ công tại Trung Quốc. Cuộc chiến thương mại đã làm chậm lại mức tăng trưởng tại nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới này. Theo các số liệu thống kê, tăng trưởng kinh tế Trung Quốc năm 2018 đã giảm xuống còn 6,7% và dự báo có thể tiếp tục giảm xuống mức thấp hơn là 6,5% năm 2018.

Ngoài ra, nếu cuộc chiến thương mại tiếp tục leo thang trong năm 2019, tính toán của các chuyên gia Bloomberg cho thấy tốc độ tăng trưởng GDP năm 2019 của Trung Quốc sẽ giảm thêm 1,5 điểm phần trăm, xuống còn mức thấp kỷ lục 5%.

Tăng trưởng kinh tế trong nước chậm lại như vậy đang tạo áp lực lên khả năng trả nợ của Trung Quốc. Trong khi đó, sự gia tăng của lãi suất tại Mỹ và kéo theo đó là việc tăng giá của lợi suất trái phiếu kho bạc liên tục trong thời gian qua càng đặt lượng nợ trái phiếu của Trung Quốc bằng đồng USD vào tình trạng báo động.

Hiện tại khả năng trả nợ của Trung Quốc tương đối tốt. Minh chứng rõ nhất cho khả năng này là dự trữ ngoại tệ của Trung Quốc rất lớn, ở thời điểm kinh tế nước này sáng sủa nhất, con số này lên tới khoảng 4.000 tỷ USD và hiện nayvẫn hơn 3.000 tỷ USD. Tuy nhiên, để đảm bảo sự phát triển ổn định, bền vững của hệ thống tài chính thì việc giải quyết vấn đề nợ công cũng là một ưu tiên hàng đầu của chính phủ Trung Quốc.

Một số giải pháp từ Chính phủ

Để giải quyết vấn đề nợ công, chính phủ Trung Quốc đã thực hiện một số biện pháp ứng phó. Trước hết, Chính phủ đã có một số biện pháp siết chặt việc vay nợ của chính quyền địa phương. Mặc dù vậy, cho đến cuối năm 2018, theo cảnh báo từ phía NHTW Trung Quốc, hành vi vay nợ bất hợp pháp của một số chính quyền địa phương vẫn tồn tại, tình hình vay nợ ngầm theo các hình thức mới vẫn diễn ra rất đáng lo ngại.

Gần đây, Chính phủ Trung Quốc còn cho phép các nhà phát hành trái phiếu vỡ nợ nhiều hơn nhằm cải thiện hiệu quả các ngành công nghiệp. Các chủ sở hữu trái phiếu có thể phải đối mặt với tổn thất đáng kể sau khi nhà phát hành phá sản, nhưng điều quan trọng hơn là họ có thể học cách đấu tranh cho quyền lợi của mình thông qua hệ thống pháp lý và chắt lọc hơn trước khi mua một trái phiếu nào đó, từ đó giúp kiềm chế việc lượng nợ trái phiếu có thể phình ra trong những năm tới.

Bên cạnh đó, Trung Quốc đã thực hiện giảm thuế VAT nhằm hỗ trợ phát triển chất lượng cao trong năm 2018. Theo đó, thuế VAT đã được giảm từ mức 17% xuống 16% đối với lĩnh vực chế tạo và giảm từ mức 11% xuống 10% đối với giao thông, vận tải, xây dựng, dịch vụ viễn thông cơ bản và nông sản.

Theo Thủ tướng Lý Khắc Cường thì đây là động thái lớn trong tiến trình cải cách thuế ở Trung Quốc. Biện pháp này sẽ hỗ trợ sự phát triển của các ngành, lĩnh vực mới và các hình thức kinh doanh mới, qua đó nhằm kích cầu và thúc đẩy kinh tế phát triển, gia tăng khả năng trả nợ ổn định và bền vững hơn.

Ngoài ra, một trong những biện pháp để Trung Quốc xử lý khối nợ của mình đó là xuất khẩu nợ. Trung Quốc hiện đang tìm cáchđẩy nợ cho các quốc gia khác với những điều kiện, khoản tiền, mức độ vay khác nhau thông qua việcthúc đẩy sáng kiến Vành đai và Con đường, tăng cường thuyết phục các quốc gia vay vốn đầu tư của nước này để xây dựng cơ sở hạ tầng...

Mặc dù các chuyên gia đánh giá Trung Quốc vẫn có khả năng để cứu vãn nền kinh tế thoát khỏi tình trạng khủng hoảng nợ nhưng khối nợ công lớn chắc chắn đi kèm với các yêu cầu tài trợ lớn cho lãi suất và tái cấp vốn trong tương lai – điều có thể duy trì tình trạng nợ công cao trong dài hạn và kéo nền kinh tế Đại Lục đi xuống.