Tỷ lệ tiết kiệm của Trung Quốc và Mỹ: Nhận định cho Việt Nam

Phạm Xuân Hoan

TCTC - Theo Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), thâm hụt ngân sách của Việt Nam năm 2009 dự kiến sẽ tăng lên mức 8,2% GDP. Dự báo trên được đưa ra trước khi Việt Nam triển khai gói kích cầu. Tính thận trọng nhất, nếu gói kích cầu chỉ là 1 tỷ USD để bù lãi suất vay tín dụng cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, thì thâm hụt ngân sách cũng sẽ lên tới gần hai con số. Các khoản vay nợ và bảo lãnh vay nợ của Chính phủ đã lên tới 47,5% GDP. Sẽ là rủi ro nếu tiếp tục trông chờ vào nguồn vay nợ để tài trợ cho thâm hụt ngân sách. Vấn đề là liệu có thể tăng được tỷ lệ tiết kiệm trong nước để tài trợ cho đầu tư cũng như thâm hụt ngân sách hay không? Thông qua sự so sánh giữa tỷ lệ đầu tư tại Trung Quốc và Mỹ, bài viết này chỉ ra rằng chúng ta có một số lý do để lạc quan về khả năng này.

So sánh tỷ lệ tiết kiệm của Trung Quốc và Mỹ

Trung Quốc có tỷ lệ tiết kiệm cao nhất trong số các nền kinh tế lớn của thế giới. Tỷ lệ này, bao gồm cả tiết kiệm trong khu vực công và khu vực tư nhân, lên tới gần 50% GDP. Trong khi đó, Mỹ lại là nước có tỷ lệ tiết kiệm thấp nhất trong số các nền kinh tế lớn của thế giới, chỉ vào khoảng 10% GDP.

Những năm gần đây, tăng trưởng GDP của Trung Quốc luôn cao hơn của Mỹ khoảng 6%. Điều này được cho là từ việc Trung Quốc có tỷ lệ tiết kiệm và đầu tư cao hơn Mỹ. Tuy nhiên, việc giải thích tại sao Trung Quốc lại có tỷ lệ tiết kiệm cao như vậy thì không phải lúc nào cũng có sự đồng thuận giữa các nhà kinh tế.

Một nhận định được nhiều người nhất trí là tăng trưởng kinh tế và thu nhập nhanh góp phần quan trọng vào việc tăng tỷ lệ tiết kiệm tại Trung Quốc. Khi thu nhập tăng nhanh, việc tiết kiệm trở nên dễ dàng hơn đối với người dân. Người dân Trung Quốc có lịch sử sống trong khó khăn và khi thu nhập tăng nhanh, họ không phát sinh ngay nhu cầu tăng chi tiêu. Khi thu nhập tăng cao, người dân Trung Quốc cũng thấy dễ dàng hơn trong việc chấp nhận các chính sách khuyến khích tiết kiệm đầu tư của nhà nước và doanh nghiệp.

Tỷ lệ tiết kiệm của Trung Quốc bắt đầu tăng lên đáng kể sau khi Trung Quốc thực hiện chính sách kế hoạch hoá gia đình vào năm 1979. Chính sách này nhằm làm giảm sự bùng nổ dân số sau cuộc Cách mạng Văn hoá 1966-1976. Nhà kinh tế học đoạt giải thưởng Nobel kinh tế Franco Modigliani, trong một bài viết xuất bản năm 2004 đã lập luận rằng, chính sự thay đổi trong nhân khẩu học, dưới tác động của chính sách Kế hoạch hoá Gia đình, đã giải thích phần lớn sự bùng nổ trong tiết kiệm và đầu tư tại Trung Quốc. Theo truyền thống Á Đông, sinh con và nuôi dạy con chính là một hình thức tiết kiệm, bảo hiểm cho cuộc sống lúc về già. Khi bị hạn chế tỷ lệ sinh, người dân thay thế việc bảo hiểm truyền thống từ cách sinh nhiều con cái bằng việc tăng cường tiết kiệm và đầu tư.

Tuy nhiên tăng trưởng thu nhập và thay đổi cơ cấu dân số không phải là tất cả. Tại sao, trong khi có nhiều nước có tăng trưởng kinh tế nhanh và có tỷ lệ sinh con giảm thì chỉ có Trung Quốc mới có một tỷ lệ tiết kiệm rất cao như vậy? Còn khá nhiều yếu tố quan trọng khác giải thích điều này.

Thứ nhất, người dân Trung Quốc tin tưởng vào Chính phủ của họ. Theo một khảo sát gần đây của World Values Survey, 96,7% người dân Trung Quốc bày tỏ niềm tin của họ với Chính phủ, trong khi tỷ lệ này tại Mỹ chỉ là 37,3%. Tương tự như vậy, 83,5% người dân Trung Quốc cho rằng Chính phủ hoạt động vì quyền lợi của đa số hơn là vì quyền lợi của một nhóm các tập đoàn lớn, trong khi chỉ có 36,7% người Mỹ nghĩ tương tự đối với Chính phủ của họ. Do vậy, khi nhận được sự tin tưởng của người dân, Chính phủ Trung Quốc và các doanh nghiệp đã khá dễ dàng trong việc ban hành và thực thi các chính sách mạnh thúc đẩy tiết kiệm và tăng trưởng.

Thứ hai, người dân Trung Quốc và Mỹ phản ứng với tình trạng bất bình đẳng về thu nhập theo các cách thức rất khác nhau. Tại Mỹ, nơi được mệnh danh là “miền đất của các cơ hội”, người dân không muốn bộc lộ cho những người xung quanh biết những khó khăn, bất ổn của mình. Khi bất bình đẳng tăng lên, rất nhiều người bị tụt hậu trong thu nhập nhưng vẫn cố gắng thể hiện mình thành công. Vì vậy, họ vẫn tiếp tục tiêu dùng và điều tất yếu là tiết kiệm rất ít.

Người Trung Quốc thì lại cho rằng hoàn cảnh cá nhân hiện tại chỉ mang tính quá độ. Họ không có cảm giác tự ti khi bị người khác biết là mình còn nghèo và khó khăn. Mối quan tâm nhất của họ là con cháu mình ngoan ngoãn, học hành tốt và sẽ thành công. Vì vậy, người dân không có thói quen tiêu dùng mạnh để tỏ ra mình là người thành đạt.

Bên cạnh đó, sự khác nhau về trình độ phát triển của hệ thống tài chính cũng là một nguyên nhân khiến người Trung Quốc tiết kiệm hơn người Mỹ. Tại Mỹ, nơi thị trường tài chính phát triển, người dân rất dễ dàng vay mượn cho tiêu dùng như mua sắm ô tô, sửa sang nhà cửa, mua đồ dùng, đi du lịch hay đăng ký đi học v.v… Thị trường tài chính kém phát triển hơn ở Trung Quốc, buộc người dân phải có quá trình tiết kiệm, tích cóp để làm được các công việc này. Tương tự như vậy, sự khác biệt về trình độ phát triển của mạng lưới y tế và an sinh xã hội cũng làm cho người dân Trung Quốc phải tiết kiệm hơn người Mỹ.

Tiết kiệm, đầu tư tại Việt Nam và nhận định

Tổng vốn đầu tư xã hội của Việt Nam tăng rất nhanh trong những năm qua và đạt 41,5% GDP trong năm 2007. Đây là tỷ lệ rất cao trong khu vực, chỉ đứng sau Trung Quốc. Trong số này, khoảng 7-8% GDP được tài trợ bởi các nguồn lực bên ngoài như vay ODA, FDI và các khoản vay thương mại. Ngoài ra, còn một nguồn lực tài trợ bên ngoài quan trọng nữa là nguồn kiều hối, vào khoảng 6-7 tỷ USD/năm. Nguồn vốn này làm tăng thu nhập của người dân và qua đó gián tiếp tăng tỷ lệ tiết kiệm và đầu tư của xã hội.

Như vậy, hiện nay Việt Nam phụ thuộc khá nhiều vào nguồn lực nước ngoài cho đầu tư. Điều này hàm ý, trong tương lai, tỷ lệ tiết kiệm của Việt Nam sẽ phải được đẩy lên rất cao để không những đủ phục vụ nhu cầu đầu tư mà còn để trả nợ vay nước ngoài. Liệu Việt Nam có làm được điều này không? Dựa trên thực tiễn của Trung Quốc, nhìn lại Việt Nam, chúng ta có thể có những hy vọng:

Thứ nhất, thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam đang ngày càng tăng lên. Chúng ta dự kiến sẽ trở thành nước có thu nhập trung bình với GDP/đầu người đạt 1000 USD/năm vào năm 2010. Theo TS. Đặng Xuân Thanh, Viện kinh tế Việt Nam, mức tiết kiệm toàn xã hội của Việt Nam phụ thuộc tuyến tính tới 98,53% vào tổng thu nhập quốc gia, còn tăng trưởng của tiết kiệm hộ gia đình thì phụ thuộc tới 94.85% vào tăng trưởng trong thu nhập của hộ gia đình. Như vậy, có cơ sở để tin tưởng rằng, Việt Nam có thể nâng cao tỷ lệ tiết kiệm trong nước hơn nữa nếu có những chính sách hợp lý.

Thứ hai, xét về nhân khẩu học, Việt Nam đang hướng dần tới một “cơ cấu dân số vàng”-  cơ cấu dân số có tỷ lệ dân số trong độ tuổi lao động cao và tỷ lệ dân số trong độ tuổi phụ thuộc thấp -  vì vậy, cho phép một tỷ lệ tiết kiệm cao nhất. Cơ cấu dân số hiện tại của Việt Nam là từ 0 -15 tuổi chiếm 32,25%, từ 16 – 39 tuổi chiếm 40,47%, từ 40 – 60 tuổi chiếm 17,5% và từ 60 tuổi trở lên chiếm 10,13%. Như vậy, hiện nay cơ cấu dân số của Việt Nam là trẻ, với trên 32% thuộc lứa tuổi học sinh. Khi lớp người này trưởng thành và trở thành người lao động thì Việt Nam sẽ  tiến dần tới “cơ cấu dân số vàng” với tỷ lệ người lao động so với tổng dân số là cao nhất.

Thứ ba, cùng với sự biến đổi về cơ cấu dân số, quy mô hộ gia đình bình quân của Việt Nam cũng đang nhỏ đi. Tốc độ tăng số hộ gia đình đang giảm dần từ 2,5% /năm vào năm 1999 xuống còn 2,2%/năm hiện nay. Số nhân khẩu trung bình của một hộ đã giảm từ 4,86 người vào những năm 90 xuống còn 4,42 người hiện nay. Khi các điều kiện khác không thay đổi, quy mô của các hộ gia đình giảm đi sẽ tạo điều kiện cho người dân nâng cao mức tiết kiệm của mình.

Mặt khác, xét về trình độ phát triển hệ thống tài chính, mạng lưới y tế và an sinh xã hội, Việt Nam còn đi sau Trung Quốc khá nhiều. Vì vậy, có lý do để tin tưởng người Việt Nam sẽ còn tiếp tục duy trì một tỷ lệ tiết kiệm cao trong thời gian tới. Nhận định trên đúng với xu hướng được thể hiện trên biểu đồ 1. Nhìn chung mức tiết kiệm của người dân Việt Nam đang trong xu hướng tăng và chưa có dấu hiệu đảo chiều. Giai đoạn 2001-2003, tiết kiệm có giảm xuống là do tác động của chính sách kích cầu 1999-2003, làm cho tỷ lệ tiêu dùng của hộ gia đình tăng lên. Tuy nhiên, để duy trì xu hướng tăng cường tiết kiệm này, Chính phủ cần hết sức chú ý tới hai phương diện xã hội:

Một là, cần có biện pháp tăng cường niềm tin của dân chúng đối với Chính phủ. Có như vậy,  người dân mới tiếp tục ủng hộ những biện pháp và chính sách thúc đẩy tiết kiệm của Chính phủ. Chính phủ cần đặc biệt chú ý tới công cuộc chống tham nhũng, lãng phí, cải cách hành chính để đơn giản hoá thủ tục vì đây là những vấn đề gây bức xúc nhất đối với người dân.

Hai là, cùng với những tiến bộ về kinh tế, đời sống nhân dân được cải thiện một bước. Một trào lưu tiêu dùng đã và đang xuất hiện, thể hiện qua việc nhập khẩu máy bay cá nhân, ô tô đắt tiền, qua việc bùng nổ đi du lịch và khám chữa bệnh ở nước ngoài, qua việc bùng nổ các nhà hàng và địa điểm ăn uống v.v… Nếu không có những chính sách phù hợp và nền tảng giáo dục cần thiết, trào lưu tiêu dùng này sẽ thiêu rụi ý thức tiết kiệm của người dân.

Ngoài ra, cần lưu ý là trong phần thu nhập của hộ gia đình, tiền lương và có tính chất lương chỉ chiếm khoảng trên 80%. Các khoản chuyển nhượng hiện hành, trong đó phần lớn là kiều hối chiếm tới trên 15% trong năm 2007. Trong giai đoạn 1995 – 2006, có 23,4 tỷ USD kiều hối được chuyển về nước bằng 31% nguồn vốn FDI và lớn hơn nguồn ODA giải ngân. Lượng kiều hối tăng mạnh lên 5,5 tỷ USD vào năm 2007 và 8 tỷ USD vào năm 2008. Chính sách thu hút kiều hối của Việt Nam những năm gần đây là hết sức thông thoáng. Người dân hoàn toàn công khai, minh bạch nhận tiền kiều hối chuyển qua hệ thống ngân hàng mà không phải giải trình hay nộp bất cứ loại thuế nào. Tuy nhiên, cái nhà nước cần làm không chỉ là tạo sự thông thoáng cho dòng kiều hối chảy về mà phải khơi được tình cảm và sự gắn bó của bộ phận người Việt Nam định cư ở nước ngoài, làm cho họ thấy tự hào và có trách nhiệm cũng như quyền lợi khi có đóng góp cho tổ quốc thông qua kiều hối.