Vì sao chiến tranh thương mại Mỹ - Trung khó có thể xảy ra
Dư luận thế giới đang lo ngại hành động áp thuế nhập khẩu hàng hóa của Mỹ và Trung Quốc sẽ châm ngòi cho một cuộc chiến tranh thương mại toàn cầu. Song theo các chuyên gia, điều này khó thể xảy ra.
Bởi theo đuổi chủ trương “Hoa Kỳ trên hết” (America First) cũng như đặt mục tiêu thu hẹp cán cân thương mại với nước ngoài và đem việc làm về cho người dân, nước Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump đã liên tục có những động thái nhuốm màu chủ nghĩa bảo hộ.
Cụ thể, vào ngày 22/1/2018, Tổng thống Trump đã phê chuẩn việc áp thuế đối với pin mặt trời và máy giặt để bảo vệ những nhà sản xuất trong nước. Theo quyết định trên, mức thuế đối với máy giặt dân dụng lớn được nhập khẩu lên đến 50% trong 3 năm và 30% đối với pin mặt trời trong 4 năm. Sau đó ít lâu, vào ngày 8/3, ông Trump lại tiếp tục làm cho dư luận một phen dậy sóng khi đặt bút ký mức thuế mới đối với nhôm và thép nhập khẩu. Trong đó, mức thuế dành cho thép nhập khẩu lên đến 25% và với nhôm là 10%.
Các bên “ăn miếng trả miếng”
Ngay sau hành động trên của Washington, nhiều nhà lãnh đạo, doanh nghiệp và các đối tác của Mỹ trên thế giới đã bày tỏ sự phản đối quyết liệt cũng như cảnh báo rằng họ sẽ cân nhắc những biện pháp trả đũa. Theo họ, động thái này có thể châm ngòi cho hàng loạt cuộc chiến tranh thương mại trên thế giới trong tương lai, đồng thời gây thiệt hại cho chính các nhà sản xuất và người dân Mỹ.
Các nhà lãnh đạo và quan chức cấp cao tại châu Âu đã phản đối mạnh mẽ và xem quyết định của Mỹ là mang tính chất của chủ nghĩa bảo hộ và là sự quay lưng của nước này với các đối tác gần gũi.
Theo tờ New York Daily News, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã bày tỏ sự quan ngại trước quyết định của Tổng thống Mỹ, đồng thời khẳng định nước Đức hoàn toàn ủng hộ Ủy ban châu Âu ưu tiên “tìm kiếm đối thoại với Mỹ”. Song, bà cũng lấp lửng rằng nếu đối thoại thất bại thì “chúng tôi, dĩ nhiên, cũng sẽ có hành động”.
Còn Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte cho rằng Liên minh châu Âu (EU) cần phải bày tỏ một cách rõ ràng về việc EU sẵn sàng “đáp trả” Mỹ nếu như những nỗ lực nhằm đẩy lùi mức áp thuế thất bại. Quả thật, đến ngày 16/3, EU đã ra một danh sách dài gần 10 trang với hàng trăm loại hàng xuất khẩu của Mỹ sẽ bị châu Âu áp thuế nếu như nước này tiếp tục áp thuế nhôm và thép.
Thế nên, vào ngày 22/3, Mỹ đã “tạm thời” không đánh thuế lên nhôm và thép nhập khẩu cho EU, Hàn Quốc, Australia, Brazil và Argentina, bởi đơn giản, sẽ không có bên nào thắng trong chiến tranh thương mại. Bloomberg Economics dự đoán nếu chiến tranh thương mại toàn cầu nổ ra, thì đến năm 2020, các nền kinh tế sẽ thiệt hại khoảng 470 tỷ USD. Thực chất, cái mà Mỹ nhắm đến, chính là việc các đối tác nếu muốn được duy trì tình trạng miễn trừ thuế sẽ phải nhượng bộ Mỹ đôi phần và từ đó giúp nước này thiết lập luật chơi mới.
Nếu nhìn từ góc độ lợi ích, thì xác suất xảy ra chiến tranh thương mại là khá thấp, vì cả đôi bên tham chiến đều ý thức được thiệt hại, và nếu như chiến tranh có xảy ra chăng nữa, thì cũng là vì lợi ích. Nói cách khác, nếu như không mang lại lợi ích gì, thì phát động chiến tranh là hoàn toàn vô ích. Và, “hành vi dọa nạt” phát động chiến tranh, cũng là để phục vụ cho lợi ích mà thôi.
Gốc rễ vấn đề - thâm hụt thương mại Mỹ - Trung
Khi đứng trên quan điểm này, thì có thể hiểu được nguyên do đằng sau những màn “đấu khẩu” giữa Washington và Bắc Kinh trong thời gian qua. Ngày 22/3, Tổng thống Trump đã kí bản ghi nhớ để lên kế hoạch đánh thuế hàng Trung Quốc với giá trị lên tới 50 tỷ USD, lấy lý do đây là đòn đánh trả việc Trung Quốc “ăn cắp trí tuệ” của Mỹ trong hàng chục năm trời. Đến ngày 2/4, Trung Quốc đáp trả bằng việc công bố danh sách 128 mặt hàng xuất khẩu của Mỹ sẽ bị đánh thuế với tổng giá trị vào khoảng 3 tỷ USD.
Căn nguyên của vấn đề nằm ở thâm hụt thương mại khổng lồ giữa Mỹ và Trung Quốc. Theo Ủy ban Thương mại Quốc tế Hoa Kỳ, năm 2010, thâm hụt thương mại Mỹ - Trung đã là 273 tỷ USD và nó tiếp tục leo lên mốc kỷ lục - 375,2 tỷ USD trong năm 2017. Thế nên, những hành động “nắn gân” của Mỹ trong thời gian qua cũng không nằm ngoài mục đích thu hẹp con số này và thiết lập lại luật chơi mới, có lợi hơn cho mình.
Chiến tranh thương mại quy mô lớn khó có thể xảy ra. Xung đột nhỏ có thể xảy ra nhưng tất cả các bên đều ý thức được thiệt hại.
Tiến sĩ Trần Toàn Thắng - Trưởng ban Kinh tế thế giới, Trung tâm Thông tin và Dự báo xã hội quốc gia thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư - nhận định về động thái của Mỹ và Trung Quốc: “Theo quan điểm của tôi, khó có thể xảy ra chiến tranh thương mại quy mô lớn. Xung đột nhỏ có thể xảy ra nhưng tất cả các bên đều ý thức được thiệt hạị. Tuy nhiên, kể cả khi chiến tranh thương mại nổ ra, nó cũng là vì lợi ích.
Đe dọa chiến tranh thương mại cũng có thể là công cụ trong bài toán lợi ích đó. Những diễn biến hiện nay chỉ cho thấy nguy cơ chiến tranh thương mại là lời đe dọa để Mỹ đạt lợi thế. Mấu chốt của vấn đề là do Mỹ thâm hụt thương mại lớn với các nước khác, trong đó có Trung Quốc.
Với chiến lược từ bỏ các hiệp định đa phương và chuyển sang ký hiệp định song phương, nguy cơ từ chiến tranh thương mại là công cụ tốt để ông Trump kiếm lợi khi đàm phán song phương cũng như quá trình đàm phán lại các FTA”.
Lịch sử lặp lại - bài học từ những năm 1980
Peter Tasker - chuyên viên phân tích tại Arcus Research - đã so sánh tình hình Mỹ - Trung hiện nay với tình hình của những năm 1980. Ngược dòng lịch sử, có thể thấy cuộc đối đầu Mỹ - Trung hôm nay là sự lặp lại của chiến tranh thương mại năm 1980 giữa Mỹ và Nhật Bản - cường quốc châu Á tại thời điểm đó.
Ba mươi năm trước, những chính trị gia đại diện cho tiếng nói của người dân thuộc vùng Vành đai Thép (Rust Belt) rất biết cách khai thác cảm giác sợ mất việc vào tay người nước ngoài của người Mỹ, giống như những gì mà Tổng thống Mỹ hiện nay đã làm. Và, những cử tri của vùng Vành đai Thép năm đó cũng chính là những cử tri đã bầu cho ông Donald Trump vào năm 2016.
Ứng viên đảng Dân chủ - Walter Mondale - khi đó đã nói: “Chúng ta cần phải dừng ngay việc theo sau lá cờ màu trắng đó (Nhật) và phải đưa lá cờ của Hoa Kỳ tiến lên phía trước cũng như phải đưa nước Mỹ trở lại vị trí số một thế giới trong thương mại quốc tế, để tạo ra đầy ắp công việc trên đất nước này”. Thông điệp gửi đi không khác mấy so với cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016.
Ngày nay, Mỹ cáo buộc Trung Quốc ăn cắp trí tuệ và công nghệ như thế nào thì 30 năm trước nước này cũng làm như vậy với Nhật. Có thể kể đến như sự kiện 6 thành viên điều hành của Hitachi bị bắt bởi FBI vì dính líu tới đánh cắp công nghệ từ IBM, hay Fujitsu bị ngăn không cho thâu tóm Fairchild Computer trên cơ sở bảo vệ an ninh quốc gia. Và, Trung Quốc hiện nay đe dọa vị trí của Mỹ như thế nào thì vào năm 1980, Nhật cũng là mối đe dọa giống như thế.
Song, rốt cuộc, cả Mỹ và Nhật đều đã đi đến thỏa thuận, phần lớn nhờ vào sự nhượng bộ của Nhật. Kể từ đó, các mối quan hệ kinh tế song phương đã trở nên ổn định hơn. Kết quả của năm 1980 cũng nên là những gì mà Mỹ và Trung Quốc hướng đến.
Tuy nhiên, để có thể đạt tiếng nói chung, cả Mỹ lẫn Trung Quốc đều cần có những sự điều chỉnh cũng như các chính sách kinh tế, ngoại giao linh hoạt và phù hợp hơn so với sự kiện năm 1980. Vì, xét cho cùng, Nhật Bản đã và hiện đang chịu sự bảo hộ an ninh của Hoa Kỳ, còn Trung Quốc đã cho thấy cả tham vọng lẫn khả năng đủ để đối trọng với sự hiện diện của Mỹ trong khu vực. Sự thật này chắc chắn sẽ có tác động to lớn đến vị thế của 2 bên trong quá trình đàm phán.
Chiến tranh - "lợi bất cập hại"
Khác với các công ty Nhật của năm 1980, các công ty Trung Quốc hiếm khi đối đầu trực diện với các công ty Mỹ. Ấy là chưa kể đến việc nhiều tập đoàn đa quốc gia nổi tiếng của Hoa Kỳ thu lợi phần lớn từ thị trường Trung Quốc. Từ những Apple cho đến Walmart đều phụ thuộc vào chuỗi cung ứng của Trung Quốc và số lượng hàng xuất khẩu mà Mỹ xuất sang nước này chỉ đứng sau Mexico và Canada. Rõ ràng, các công ty Mỹ sẽ là những người chịu nhiều thiệt hại hơn cả từ một cuộc chiến tranh thương mại.
Để giải quyết tình huống hiện tại và giúp cân bằng cán cân thương mại Mỹ - Trung trong tương lai, việc mở cửa thị trường sang Trung Quốc cho hàng Mỹ là rất cần thiết. Ngoài ra, đôi bên cần phải xây dựng một “con đường 2 chiều” mang tính ổn định và bền vững, trong đó có các quy định rõ ràng về việc thâu tóm và đầu tư, về việc chấm dứt tình trạng ăn cắp sở hữu trí tuệ và bán phá giá bởi các doanh nghiệp nhà nước. Các vấn đề liên quan đến bối cảnh địa chính trị, tương lai của Bắc Triều tiên, Đài Loan và biển Đông cũng cần phải được giải quyết.
Cuối cùng, mặc cho những động thái và các lời “dọa nạt” đang diễn ra trước mắt, thiệt hại từ chiến tranh thương mại là quá lớn cho bất cứ bên nào muốn phát động nó.