Vì sao giới nhà giàu châu Á tích cực trữ tiền mặt?

Theo Khởi Vũ/doanhnhansaigon.vn

Theo đại diện DBS Bank, tỷ lệ tiền mặt trong danh mục đầu tư của giới siêu giàu châu Á đã tăng lên mức 40% trong những tháng gần đây.

Giới nhà giàu châu Á đang tích cực "gom tiền mặt" để có thể tận dụng tốt cơ hội từ thị trường tài chính và tài sản cá nhân, một khi đại dịch Covid-19 "hạ nhiệt". Nguồn: internet
Giới nhà giàu châu Á đang tích cực "gom tiền mặt" để có thể tận dụng tốt cơ hội từ thị trường tài chính và tài sản cá nhân, một khi đại dịch Covid-19 "hạ nhiệt". Nguồn: internet

"Các khách hàng của chúng tôi đang nắm giữ lượng tiền mặt lớn hơn nhiều so với bình thường. Đây là một hiện tượng rất thú vị. Các khách hàng siêu giàu tin rằng, cơ hội tốt sẽ xuất hiện trên thị trường, một khi các tác động tiêu cực từ đại dịch trôi khỏi nền kinh tế", Joseph Poon - Giám đốc Khối Ngân hàng tư nhân thuộc DBS Bank, cho biết.

Theo DBS Bank, người siêu giàu được định nghĩa là các cá nhân sở hữu ít nhất 30 triệu SGD tài sản có thể đầu tư, tương đương 22 triệu USD. Ngân hàng có trụ sở tại Singapore này cũng cho biết, giới nhà giàu châu Á đang tích cực "gom tiền mặt" để có thể tận dụng tốt cơ hội từ thị trường tài chính và tài sản cá nhân, một khi đại dịch Covid-19 "hạ nhiệt".

Đồng thời, việc tăng lượng sở hữu tiền mặt còn nhằm nâng cao tính thanh khoản, để đề phòng các trường hợp cấp bách có thể xảy ra, nhất là khi tỷ lệ doanh nhân trong số người siêu giàu tại khu vực khá cao.

Cụ thể, vào những tháng gần đây, tỷ lệ tiền mặt trong danh mục đầu tư của giới nhà giàu châu Á đã tăng lên đến 40%, từ con số 30% trước khi đại dịch bùng phát. Được biết, tổng giá trị tài sản mà DBS Bank đang quản lý đã tăng 7% so với cùng kỳ năm ngoái, ở mức 251 tỷ SGD (184 tỷ USD). 

Tính riêng 6 tháng đầu năm, dòng tiền ròng mới đổ vào ngân hàng này đã tăng 170%, giúp tổng giá trị tài sản đang quản lý tăng 9%. Dòng tiền này đến từ Mỹ, Châu Âu, và bất cứ nơi nào xem Singapore là một thị trường tiềm năng.

Dẫn lời ông Poon, hãng tin Bloomberg cho biết, các khách hàng giàu có của DBS Bank đang cân nhắc rót tiền vào các tài sản tài chính, thương mại điện tử, hoặc công ty logistics "đói" vốn. Trong khi đó, một số lên kế hoạch sử dụng tiền mặt cho hoạt động kinh doanh của riêng mình, hoặc mở rộng các công ty khác thông qua vai trò đối tác.

Ngoài ra, thông tin được vị giám đốc khối ngân hàng tư nhân này chia sẻ còn là sự phản ánh cho một xu hướng lớn hơn. Theo dữ liệu của Bloomberg, tổng lượng tiền mặt đang "nằm chờ đợi" các công ty cổ phần tư nhân lớn lên tới khoảng 1.600 tỷ USD tiền mặt.

Dù vậy, nắm giữ lượng tiền mặt lớn đồng nghĩa với việc một số nhà đầu tư đã lỡ mất cơ hội tận dụng đà phục hồi mạnh mẽ của thị trường, khi chỉ số MSCI AC Asia Pacific Index tăng 43% kể từ mức đáy hồi tháng 3/2020.

Tại các thị trường khác nhau trong khu vực, DBS Bank đang trên đà tăng gấp đôi tài sản quản lý, với Thái Lan dự kiến là 8 tỷ SGD vào năm 2023. Ngân hàng cũng đang tìm cách mở rộng tại Philippines - nơi mới chỉ có một văn phòng đại diện.