Việt Nam - điểm nóng của điện than

PV.

Báo cáo “Bùng nổ và thoái trào 2018: Giám sát các nhà máy điện than toàn cầu” vừa được các tổ chức phi chính phủ Greenpeace, Sierra Club và CoalSwarm công bố sáng ngày 22/3/2018. Báo cáo này nhận định, năm 2017, Việt Nam tiếp tục là điểm nóng của điện than.

Số lượng nhà máy điện than toàn cầu đóng cửa trong giai đoạn 2000 – 2017 (MW).
Số lượng nhà máy điện than toàn cầu đóng cửa trong giai đoạn 2000 – 2017 (MW).

Theo cập nhật từ Hệ thống giám sát nhà máy điện than toàn cầu, 2017 là năm thứ hai liên tiếp, tất cả các chỉ số về tăng công suất than đã giảm mạnh, bao gồm các giai đoạn quy hoạch, khởi công, xây dựng và hoàn thành.

Sự sụt giảm này chủ yếu do Chính phủ Trung Quốc thực hiện thắt chặt các điều kiện đối với nhà máy điện than, đồng thời Chính phủ Ấn Độ cắt giảm tài chính và hỗ trợ đối với than.

Bên cạnh đó, tốc độ mở rộng công suất mới ở các quốc gia khác trên thế giới cũng chậm lại. Tiếp tục tốc độ phá kỷ lục trong 3 năm qua, năm 2017 tổng công suất của các nhà máy điện than toàn cầu ngừng hoạt động vượt 25.000 MW.

Khẳng định “Việt Nam tiếp tục là điểm nóng của điện than”, Báo cáo của các tổ chức Greenpeace, Sierra Club và CoalSwarm cho rằng: Mặc dù, không có nhà máy điện than nào được xây dựng vào năm 2017 nhưng một số lượng lớn các dự án được đề xuất vẫn đang trong giai đoạn phát triển của Việt Nam.

Theo Quy hoạch Điện VII điều chỉnh vào năm 2016, Việt Nam có 12.100 MW dự án đã công bố, 15.040 MW chuẩn bị được cấp phép, 8.750 MW đã được cấp phép và 10.635 MW đang xây dựng.

Các dự án này phần lớn đến từ nguồn đầu tư tài chính của nước ngoài, cụ thể là Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc. Gần đây, hồ sơ vay vốn từ Ngân hàng xuất nhập khẩu Mỹ của dự án điện than Long Phú đã bị rút lại.

Mặc dù sự phát triển của năng lượng mặt trời và năng lượng gió ở Việt Nam diễn ra chậm nhưng sự bùng nổ về công nghệ năng lượng tái tạo là điều hoàn toàn có thể trong tương lai. Bởi Việt Nam có đường bờ biển dài, tiềm năng lớn về điện gió.

Hiện đã có nhiều dự án được triển khai tại các tỉnh ven biển phía Nam như: Bình Thuận, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cà Mau. Các dự án năng lượng mặt trời tiềm năng cũng tập trung ở các vùng ven biển như ở Đồng Nai.