Vốn FDI vào châu Á suy giảm

Theo Financial Times, Stox.vn

Dòng vốn đầu tư mới vào khu vực châu Á – Thái Bình Dương giảm năm thứ hai liên tiếp bất chấp mô hình hồi phục chữ V của nền kinh tế toàn cầu.

Theo thông tin từ tờ Financial Times (FT), trích dẫn báo cáo từ bộ phân fDi Intelligence trực thuộc, tốc độ sụt giảm vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài mới (greenfield investment) đã chững lại từ 16% năm 2009 xuống 6% năm 2010. Trong đó, Trung Quốc và Australia nổi lên như hai đầu tàu của khu vực, bên cạnh sự phát triển mạnh mẽ của một đại diện tại Đông Nam Á, Indonesia.

Số liệu thống kê về xu hướng đầu tư trực tiếp nước ngoài mới năm trước cho thấy dòng vốn đổ về châu Á không được dồi dào như mong đợi, nhất là khi tốc độ tăng trưởng kinh tế trung bình năm 2010 của khu vực (trừ Nhật Bản) được dự đoán là 8,2%.

Thông tin trên trái ngược với những tính toán đầy lạc quan của Cơ quan Phát triển và Thương mại Liên Hợp Quốc UNCTAD hồi tháng 7. Theo đó, nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài mới cho châu Á được kì vọng là sẽ phục hồi và tăng tốc nhanh chóng.

 

Tổng khối lượng đầu tư trực tiếp nước ngoài mới vào châu Á (trừ Australia và khu vực Thái Bình Dương) giảm 17% xuống còn 233 tỉ USD năm 2009, so với mức giảm 37% trên toàn thế giới. Số liệu thống kê cho năm 2010 của UNCTAD sẽ được công bố trong tuần tới.  

 

Những kết quả cụ thể theo dữ liệu của FT cho thấy tổng số dự án vốn đầu tư nước ngoài mới trong năm 2010 là 4.136, giảm so với con số 4.402 của năm 2009. Số lượng dự án trong năm 2010 cũng thấp hơn 21% so với kỉ lục thiết lập năm 2008 (5.261 dự án).

Trong đó, năm 2010, Việt Nam chứng kiến sự sụt giảm lớn nhất khu vực xét về số lượng dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài mới. Từ 256 dự án đầu tư nước ngoài trong năm 2009, Việt Nam ghi nhận vị trí sụt giảm trong cuộc đua thu hút FDI - 173 dự án. Đây là một hồi chuông cảnh báo về hoạt động quản lý kinh tế, khi nền kinh tế đang phải đối mặt với nguy cơ lạm phát phi mã, nội tệ mất giá và rắc rối về tài chính công.

Trung Quốc, nhờ có nền kinh tế phát triển mạnh mẽ và nền chính trị ổn định, đã thu hút được 1.314 dự án, nhiều hơn năm 2009 147 dự án. Trong khi đó, một ứng cử viên sáng giá khác của châu lục, Ấn Độ lại chỉ thu về được 744 đơn đăng kí đầu tư, so với con số 743 của năm 2009. Nguyên nhân của sự thua kém này là mâu thuẫn chính trị cũng như bất ổn kinh tế của quốc gia đông dân thứ 2 thế giới.

Australia soán ngôi của Singapore, chiếm vị trí thứ 3 trong khu vực với 320 dự án đầu tư cơ sở hạ tầng sản xuất bằng vốn đầu tư nước ngoài, tăng 66% nhờ sự bùng nổ của các ngành công nghiệp hàng hóa. Singapore, với tốc độ tăng trưởng kinh tế 14,7%/năm thu hút được 319 dự án.

Malaysia ghi nhận mức tăng đáng kể từ 158 lên 189 dự án, tron khi Nhật Bản dừng lại ở mức khiêm tốn hơn 180 (tăng 17 dự án so với 2009). Indonesia lần đầu tiên lọt vào top 10 với 126 dự án.

Thái Lan ghi nhận 209 dự án, giảm 23,4%. Philippines cũng về đích sau, với 98 dự án, giảm 21 dự án so với 2009 và rớt khỏi top 10 điểm đến hấp dẫn nhất cho các nhà đầu tư nước ngoài bất chấp sự cải thiện về tình hình kinh tế và chính trị quốc gia.

Tuy nhiên, những số liệu từ FT có khả năng còn được điều chỉnh do dữ liệu sơ bộ của tháng 12 và sự đánh giá dựa trên 15 quốc gia thu hút vốn FDI lớn nhất khu vực.

Tuy vậy, 22 nước còn lại trong khu vực chiếm chưa đầy 6% tổng lượng vốn FDI đổ vào khu vực trong 11 tháng đầu năm 2010.