WB: GDP Đông Á 2010 sẽ lên tới 8,9%

Theo Dantri.com.vn

Ngân hàng Thế giới (WB) vừa có bản cập nhật kinh tế khu vực Đông Á và Thái Bình Dương. Trong đó nhấn mạnh tới tăng trưởng GDP thực tế năm 2010 ở khu vực Đông Á có thể lên 8,9%.

Bản Cập nhật kinh tế khu vực Đông Á và Thái Bình Dương do Ngân hàng Thế giới (WB) công bố ngày 19/10 cho thấy: Đông Á vẫn là khu vực tăng trưởng nhanh nhất thế giới và đã vượt mức trước khi xảy ra khủng hoảng.

Tăng trưởng GDP thực tế năm 2010 có thể lên tới 8,9% (trước kia dự báo đạt 8,7%); đầu tư của các thành phần kinh tế tư nhân một lần nữa là động lực thúc đẩy tăng trưởng, niềm tin gia tăng và lưu lượng thương mại trở lại mức tiền khủng hoảng.

Năm nay, các dòng vốn chảy vào khu vực này đã gia tăng nhanh chóng. Dòng vốn chảy vào lớn hơn giúp nâng cao tỷ giá và đóng góp vào việc tăng giá tài sản.

Ông Vikram Nehru, Chuyên gia kinh tế trưởng của WB tại khu vực Đông Á và Thái Bình Dương cho rằng: “Nếu các dòng vốn chảy vào vẫn duy trì mạnh mẽ, đặc biệt trong bối cảnh tăng trưởng toàn cầu yếu, các cơ quan quản lý sẽ đối mặt với các thử thách giữa việc cân bằng dòng vốn chảy vào lớn - đặc biệt là đầu tư trực tiếp nước ngoài - với sự đảm bảo tính cạnh tranh, ổn định tài chính và lạm phát thấp”.

Với sự phục hồi kinh tế ngày một vững chắc hơn, các cơ quan quản lý ở hầu hết các quốc gia Đông Á đang thận trọng dỡ bỏ các biện pháp kích thích kinh tế của mình. Thâm hụt tài khóa sẽ vẫn duy trì ở mức cao hơn trước khi khủng hoảng, ít nhất trong một thời gian, khi chính phủ giải quyết độ chênh về cơ sở hạ tầng và duy trì mạng lưới an sinh xã hội nhằm bảo vệ người nghèo, đem lại các biện pháp bảo vệ phù hợp đối với triển vọng mờ nhạt của các nền kinh tế phát triển.

Nhiều quốc gia trong khu vực cũng đang tập trung giải quyết các thách thức trong tăng trưởng trung hạn. Nhu cầu ngày càng tăng của Trung Quốc trong việc cân bằng lại nền kinh tế thông qua việc thay đổi mô hình tăng trưởng và đầu tư đang trở thành yếu tố tối cần thiết cho sự ổn định.

Theo đề xuất từ WB, các nước xuất khẩu hàng thô như Mông Cổ, Đông Timor, Papua New Ginue và CHDCND Lào phải đảm bảo cơ cấu minh bạch để sử dụng nguồn thu liên quan đến tài nguyên thiên nhiên cho phát triển. Các quốc gia có thu nhập trung bình trong khu vực, ngoại trừ Trung Quốc, cần phải tăng sự đầu tư về vật chất, nguồn nhân lực và khuyến khích sự sáng tạo nếu cuối cùng họ muốn đạt được vị trí là quốc gia có thu nhập cao.

Bản báo cáo cũng cập nhật về kinh tế Việt Nam với nhận định: Sự phục hồi kinh tế của Việt Nam sau cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu là nhanh chóng nhưng không đồng đều. Tốc độ tăng trưởng của những chỉ số kinh tế chủ chốt như GDP thực, sản xuất công nghiệp, đầu tư và xuất khẩu được trông đợi sẽ phục hồi gần tới tốc độ tăng trưởng tiền khủng hoảng.

Nhưng thâm hụt tài khoản vãng lai vẫn ở mức cao và các hộ gia đình cũng như các công ty dường như vẫn tiếp tục dự trữ vàng và ngoại tệ, gây áp lực liên tục cho đồng nội tệ.

Cũng theo đánh giá từ WB, nền kinh tế thực tế của Việt Nam đã phục hồi tương đối mạnh mẽ. GDP thực ước tính tăng trưởng 5,3% năm 2009 và đang trên đà đạt được mục tiêu 6,5% năm 2010. Sản xuất công nghiệp được dự đoán tăng 12,5% năm 2010, sau khi tăng trưởng tụt xuống mức 7,6% năm 2009. Xuất khẩu cũng phục hồi trở lại mức tăng trưởng hàng năm 20% theo quan sát trước khủng hoảng.

“Tăng trưởng trong hình thành nguồn vốn cố định và tiêu dùng cá nhân tiếp tục là nguồn chiếm ưu thế của tăng trưởng toàn bộ, với đóng góp lũy tiến vào tăng trưởng GDP thực tế tăng từ 5,7% năm 2009 lên 6,9% năm 2010. Sự phục hồi đầu tư được kết hợp với sự phục hồi đầu tư trực tiếp nước ngoài, từ 6,9 tỷ USD năm 2009 lên 7,6 tỷ USD năm 2010.

Những chứng cứ riêng rẻ cho thấy các công ty chế tạo đang từng bước phân bố lại vị trí nhà máy từ những nước đòi hỏi mức lương cao ở khu vực Đông Á đã bắt đầu mang lại lợi ích cho Việt Nam, nơi mức lương đòi hỏi tương đối thấp và giáp biển, được đặt ở vị trí thuận lợi để thu hút các nguồn đầu tư này”, WB nhấn mạnh.