WSJ: Kinh tế thế giới có thể mất nhiều năm mới trở lại ngưỡng trước đại dịch COVID-19

Theo Thanh Trần/nhadautu.vn

Nền kinh tế toàn cầu đang phục hồi mạnh mẽ sau một quãng thời gian khủng hoảng vào mùa xuân, nhưng dữ liệu mới công bố cho thấy những lợi ích ban đầu từ việc dỡ bỏ lệnh phong tỏa đang mất dần tác dụng.

Kinh tế thế giới có thể mất nhiều năm mới trở lại ngưỡng trước đại dịch COVID-19. Nguồn: internet
Kinh tế thế giới có thể mất nhiều năm mới trở lại ngưỡng trước đại dịch COVID-19. Nguồn: internet

Các nền kinh tế lớn trên thế giới đang dần mở cửa trở lại. Mặc dù vậy, theo các số liệu mới nhất, kinh tế toàn cầu sẽ có thể mất nhiều tháng, thậm chí hàng năm mới có thể phục hồi trở lại ngưỡng trước đại dịch. 

Các số liệu mới từ Vương quốc Anh đã cung cấp một cái nhìn sâu sắc về quá trình phục hồi kinh tế tại đây. Được biết, quốc gia này là một trong số ít các nền kinh tế công bố số liệu tăng trưởng hàng tháng.

Theo đó, nền kinh tế Anh đã tăng trưởng 6,6% trong tháng 7 so với tháng 6, thấp hơn rất nhiều so với mức tăng trưởng 8,7% của tháng trước đó. Như vậy, kinh tế Anh có thể tăng trưởng đến mức 15% trong quý III/2020 sau khi tăng trưởng âm 20,4% trong quý thứ hai.

Tuy nhiên, sản lượng kinh tế Anh vẫn thấp hơn 11,7% so với hồi tháng 2, tháng cuối cùng trước khi đại dịch bắt đầu tàn phá nền kinh tế. Sản lượng trong lĩnh vực dịch vụ, vốn phụ thuộc nhiều hơn vào tiếp xúc trực tiếp, đã giảm 12,6% so với tháng 2, trong khi sản lượng công nghiệp giảm 7%.

Các số liệu này đã củng cố quan điểm của nhiều nhà kinh tế về việc quá trình quay trở lại mức sản lượng trước đại dịch sẽ rất chậm ở hầu hết các quốc gia giàu có, do đại dịch COVID-19 cản trở nhiều hoạt động kinh tế, từ hoạt động đi lại, giải trí cho đến việc làm tại doanh nghiệp. 

Ông Gilles Moëc, nhà kinh tế trưởng của công ty bảo hiểm Axa, cho biết: "Chừng nào các nền kinh tế lớn không phải đối mặt với tình trạng phong tỏa toàn diện, thì nó sẽ vẫn phục hồi dần dần. Tuy nhiên, các quốc gia sẽ không thể duy trì sự phục hồi ngoạn mục được ghi nhận trước đó khi mở cửa trở lại. Quãng thời gian khó khăn sẽ bắt đầu từ bây giờ".

Các nhà kinh tế học không kỳ vọng nền kinh tế Anh sẽ trở lại quy mô trước đại dịch, cho đến năm 2022. Theo số liệu, Vương quốc Anh chính là nước bị sụt giảm sản lượng nghiêm trọng nhất trong số các quốc gia giàu có trong quý thứ hai, mặc dù tốc độ phục hồi cũng tương đương với nhiều nước, trong đó có Mỹ.

Trong khi đó, Ngân hàng Dự trữ Liên bang Atlanta cũng ước tính rằng nền kinh tế Mỹ đang trên đà tăng trưởng 7% trong quý thứ ba, sau khi tăng trưởng âm 9,1% trong quý II/2020. Các nhà kinh tế dự báo kinh tế Mỹ sẽ chỉ tăng 1,25% trong quý IV và có thể phục hồi về mức trước đại dịch vào đầu năm 2022.

Trong nhóm 20 nền kinh tế hàng đầu thế giới, mức sụt giảm 3,4% sản lượng được ghi nhận trong ba tháng đầu năm đã là mức lớn nhất kể từ năm 1998. Tuy nhiên, mức sụt giảm trong quý thứ hai là chưa có tiền lệ trong nhiều thập kỷ kể từ khi Chiến tranh Thế giới thứ Hai kết thúc.

Bên ngoài Trung Quốc, sản lượng kinh tế nhiều nước sụt giảm tập trung vào tháng 3 và tháng 4, với sự phục hồi bắt đầu từ tháng 5 và tăng lên đáng kể vào tháng 6 và tháng 7 khi các lệnh cấm vận được dỡ bỏ.

Theo các số liệu được công bố trong tuần này, nền kinh tế của Na Uy đã tăng 1,1% trong tháng 7, chậm hơn tốc độ tăng trưởng của tháng 6. Ngoài ra, sản lượng kinh tế của nước này trong tháng 7 thấp hơn 4,7% so với ngưỡng vào tháng 2/2020.

Trong một bài đăng trên blog hôm thứ Sáu, nhà kinh tế trưởng của Ngân hàng Trung ương Châu Âu, Philip Lane, đã có một lưu ý thận trọng về sự phục hồi kinh tế trì trệ của Châu Âu cũng như tỷ lệ lạm phát thấp, qua đó dự báo cho một đợt kích thích mới trong những tháng tới.