Tăng cường “nội lực”, khai thác hiệu quả “ngoại lực” để thích ứng và phát triển bền vững

Gia Hân

Sáng nay (19/9/2023), Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam năm 2023 chính thức khai mạc với chủ đề “Tăng cường năng lực nội sinh, kiến tạo động lực cho tăng trưởng và phát triển bền vững". Diễn đàn được tổ chức trực tiếp tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia (Hà Nội) và kết nối trực tuyến tới 6 điểm cầu ở 3 khu vực Bắc - Trung - Nam.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc Diễn đàn.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc Diễn đàn.

Chủ tọa điều hành Diễn đàn gồm có: Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ; Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng; Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh; Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn; Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái; Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải. 

Kiến tạo động lực tăng trưởng là yêu cầu tất yếu, khách quan

Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam là sự kiện thường niên hằng năm của Quốc hội, là phương thức quan trọng để quy tụ và phát huy rộng rãi trí tuệ, tâm huyết, trách nhiệm của các vị đại biểu Quốc hội, Nhân dân, cử tri, các chuyên gia, nhà khoa học, đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân trong và ngoài nước đóng góp vào các vấn đề quan trọng quốc gia, các quyết sách của Quốc hội.

Qua hai lần tổ chức từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Diễn đàn đã thu hút sự quan tâm rất lớn của xã hội, người dân và cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước, cũng như các cơ quan thông tấn, báo chí, tổ chức quốc tế và trong nước, của Trung ương và địa phương.

Thành công của Diễn đàn Kinh tế - Xã hội năm 2021 và năm 2022 đã để lại nhiều bài học quý, nhiều luận cứ khoa học có tính thực tiễn cao, cung cấp các thông tin hữu ích, phục vụ hiệu quả công tác nghiên cứu, điều hành, nhất là công tác hoạch định chính sách của các cơ quan quản lý nhà nước.

Nhiều đề xuất, gợi mở hữu ích tại Diễn đàn đã được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan, tổ chức hữu quan rà soát, nghiên cứu để xây dựng, hoàn thiện, ban hành cơ chế, chính sách đủ mạnh, quyết liệt, ứng phó kịp thời, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển kinh tế trên cơ sở phù hợp với bối cảnh, tình hình mới.

Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, bối cảnh thế giới đang diễn biến phức tạp, khó lường. Đại dịch COVID-19 để lại nhiều “di chứng” nặng nề không chỉ đối với sức khỏe của con người, mà còn ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế và những hệ quả khôn lường. 

Trong khó khăn chung của thế giới và khu vực, từ quý IV/2022, các động lực tăng trưởng, sản xuất công nghiệp của Việt Nam… có xu hướng chậm lại khi các thị trường xuất khẩu, nhập khẩu lớn bị thu hẹp, nhiều chuỗi cung ứng bị đứt gãy. Tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, hậu quả đại dịch COVID-19 kéo dài; xung đột Nga - Ukraine, cạnh tranh nước lớn ngày càng gay gắt, sâu sắc; lạm phát cao kỷ lục tại một số nền kinh tế lớn, chính sách tiền tệ của các nước lớn tiếp tục thắt chặt, tăng trưởng kinh tế thấp, tổng cầu yếu, hàng rào bảo hộ gia tăng; nợ công, thị trường tài chính, tiền tệ, ngân hàng, bất động sản… tại một số nước tiềm ẩn nhiều rủi ro. 

Trước bối cảnh đó, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan, tổ chức hữu quan đã nghiên cứu, xây dựng, ban hành các quyết sách ứng phó kịp thời với tình hình mới; trong đó có các chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, tiền sử dụng đất; giảm thuế giá trị gia tăng; giảm mặt bằng lãi suất cho vay; triển khai các gói tín dụng, thành lập các Hội đồng điều phối vùng, thúc đẩy liên kết vùng… Chính nhờ các chính sách, giải pháp đúng đắn, kịp thời, chưa từng có tiền lệ thời gian qua, Việt Nam cơ bản đã vững vàng vượt qua khó khăn, thách thức trước “những cơn gió ngược” và đạt được nhiều kết quả quan trọng, khá toàn diện.

Chủ toạ điều hành Diễn đàn.
Chủ toạ điều hành Diễn đàn.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, nền kinh tế duy trì được đà tăng trưởng và là một điểm sáng "trong bức tranh xám màu" của kinh tế toàn cầu. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, định hạng tín nhiệm quốc gia và vị thế quốc tế tiếp tục được cải thiện. Trong 8 tháng đầu năm 2023, thu hút vốn đầu tư FDI , giải ngân đầu tư công, khu vực dịch vụ có chuyển biến tích cực hơn; một số địa bàn công nghiệp trọng điểm phục hồi hoặc duy trì đà tăng nhanh; công tác an sinh xã hội được quan tâm…

Mặc dù đã đạt được những kết quả quan trọng nhưng có thể nhận thấy, nền kinh tế đang còn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm 2023 chỉ đạt 3,72%, gần thấp nhất trong 12 năm trở lại đây, tạo áp lực rất lớn về tăng trưởng GDP cho 2 quý còn lại của năm, việc đạt mục tiêu tăng trưởng năm 2023, giai đoạn 5 năm 2021-2025 và cả thời kỳ chiến lược 2021-2030 trở nên hết sức khó khăn. Nhiều động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế trong 8 tháng đầu năm 2023 đang có dấu hiệu chậm lại, thậm chí suy giảm và đang chịu áp lực rất lớn từ bên ngoài…

Chủ tịch Quốc hội cho biết từ những khó khăn, thách thức, Việt Nam ngày càng nhận thức rõ hơn tầm quan trọng và vai trò quyết định của nội lực, tính tự chủ trong phát triển kinh tế. Tăng cường năng lực nội sinh, kiến tạo động lực tăng trưởng là yêu cầu khách quan, tất yếu và cấp thiết. 

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, xuất phát từ tình hình thực tiễn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cân nhắc, quyết định lựa chọn vấn đề “Tăng cường năng lực nội sinh, kiến tạo động lực cho tăng trưởng và phát triển bền vững" làm chủ đề cho Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2023. Với tinh thần “đồng lòng, chung sức, cùng nhau vượt khó”, để đạt được các mục tiêu của Diễn đàn, Chủ tịch Quốc hội bày tỏ mong muốn lắng nghe những ý kiến, trao đổi, thảo luận tập trung giải đáp 3 vấn đề trọng tâm sau:

Một là, dự báo bối cảnh tình hình kinh tế, tài chính khu vực, thế giới, cơ hội, rủi ro, thách thức nào đối với nền kinh tế Việt Nam trong năm 2023, 2024 và giai đoạn tiếp theo.

Hai là, thực trạng kinh tế - xã hội, những khó khăn, thách thức, nút thắt chủ yếu và năng lực chống chịu của nền kinh tế, doanh nghiệp, người lao động hiện nay như thế nào? Dự báo cho cả năm 2023, 2024 và cả giai đoạn 5 năm 2021-2025.

Ba là, năng lực nội sinh, động lực và giải pháp căn cơ nào nhằm tháo gỡ điểm nghẽn, khơi thông nguồn lực, tăng cường nội lực, kiến tạo động lực cho tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội trong năm 2023, 2024 và cho cả nhiệm kỳ 2021-2025.

Ứng phó linh hoạt để "lội ngược dòng" thành công

Phát biểu đề dẫn Diễn đàn, ông Nguyễn Xuân Thắng – Giám đốc Học viện chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương nhận định, Diễn đàn Kinh tế - xã hội Việt Nam năm 2023 diễn ra trong bối cảnh tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, nền kinh tế Việt Nam từng bước phục hồi song đang đứng trước nhiều thách thức lớn, có mặt còn nghiêm trọng hơn so với năm trước, cuối năm khó khăn hơn so với đầu năm; đòi hỏi chúng ta cần có biện pháp ứng phó linh hoạt để lội ngược dòng thành công.

Quang cảnh Diễn đàn.
Quang cảnh Diễn đàn.

Ông Nguyễn Xuân Thắng khẳng định, đối mặt với những khó khăn thời gian qua, vận dụng nguyên tắc "dĩ bất biến, ứng vạn biến", Việt Nam đã thực hiện các chính sách vừa tập trung chống dịch, thích ứng với các sức ép từ bên ngoài, tháo gỡ các điểm nghẽn bên trong, góp phần đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm cân đối lớn, củng cố niềm tin của Nhân dân, nhà đầu tư, doanh nghiệp.

Để xác định kịch bản tăng trưởng trong thời gian tới, ông Nguyễn Xuân Thắng đề nghị các vị đại biểu, nhà khoa học thảo luận, tìm ra những giải pháp thực tiễn, khả thi, đột phá nhằm khôi phục các động lực tăng trưởng quan trọng của nền kinh tế: Đánh giá đầy đủ và chủ động khôi phục tiêu dùng trong nước; Khôi phục dòng vốn đầu tư; Tháo gỡ những khó khăn, khôi phục sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp.

Nhấn mạnh Diễn đàn kinh tế-xã hội năm 2023 không chỉ bàn về những vấn đề trước mắt, mà giải quyết những vấn đề trước mắt để đặt cơ sở cho việc giải quyết những vấn đề trung hạn và lâu dài, ông Nguyễn Xuân Thắng nêu rõ: "Vấn đề quan trọng mà Diễn đàn nêu ra: Nâng cao năng suất lao động là phương thức căn bản nhất để Việt Nam hiện thực hoá mục tiêu tăng trưởng nhanh và bền vững, bởi điều này gắn liền với việc khởi tạo hai quá trình chuyển dịch cơ bản của nền kinh tế, bao gồm: Chuyển dịch cơ cấu kinh tế, di chuyển nguồn lực từ các ngành có năng suất thấp sang các ngành có năng suất cao hơn nhằm sử dụng có hiệu quả nhất nguồn lực. Tạo hiệu ứng kinh tế quy mô, khai thác lợi thế nhờ quy mô để tăng năng suất trong từng doanh nghiệp, từng ngành và từng vùng kinh tế."

Tiếp tục chương trình, Diễn đàn tiến hành hội thảo Chuyên đề 1 với chủ đề “Tăng cường nội lực, khơi thông nguồn lực, hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó”, dưới sự đồng chủ trì của Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh và Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh Lê Văn Lợi. Nội dung thảo luận tập trung vào việc tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, doanh nghiệp, đặc biệt chú trọng vào các vấn đề khó khăn của doanh nghiệp, khả năng hấp thụ vốn, chính sách tài khoá, chính sách tiền tệ và các chính sách khác giúp doanh nghiệp vượt khó và tăng cường năng lực nội sinh...

 

Diễn đàn Kinh tế - Xã hội năm 2023 còn được kết nối trực tuyến với 6 điểm cầu trong cả nước gồm: Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh và 5 trường Đại học: Đại học Fulbright Việt Nam, Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh, Đại học Ngoại Thương, Học viện Tài chính, Đại học Kinh tế Quốc dân, Đại học Đà Nẵng.