Tăng cường quản lý thuế đối với thương mại điện tử và kinh doanh trên nền tảng số

Kim Cúc

Dù gặp không ít khó khăn, thách thức tuy nhiên với nhiều giải pháp tích cực, công tác quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử và kinh doanh trên nền tảng số đã tạo được nguồn thu thuế ổn định, phù hợp với xu thế kinh doanh trong nền kinh tế số; tạo ra sự cạnh tranh công bằng trong việc chấp hành nghĩa vụ thuế đối với các thành phần kinh tế và loại hình kinh doanh, tránh thất thoát nguồn thu cho ngân sách nhà nước.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Đồng bộ các giải pháp quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử

Trong thời gian qua, Bộ Tài chính đã triển khai đồng bộ các giải pháp tăng cường việc hoàn thiện thể chế trong lĩnh vực thuế, hải quan, nhằm tăng cường trách nhiệm của chủ sở hữu sàn thương mại điện tử trong việc khai thuế, nộp thuế thay cho người bán hàng trong nước, có trách nhiệm khai hải quan đối với hàng hóa xuyên biên giới và cung cấp thông tin cho cơ quan thuế bằng phương thức điện tử.

Bên cạnh đó, đã đề xuất những nội dung sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành để đảm bảo căn cứ pháp lý thống nhất và đạt hiệu quả cao trong công tác quản lý đối với hoạt động thương mại điện tử, cũng như hoạt động tuyên truyền, phổ biến, hỗ trợ người nộp thuế để mọi tổ chức cá nhân, doanh nghiệp, người dân nêu quan điểm, tham gia ý kiến, đề xuất, kiến nghị các giải pháp quản lý thuế trong lĩnh vực thương mại điện tử.

Bộ Tài chính cũng đã khai trương Cổng thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp ở nước ngoài (Etaxvn.gdt.gov.vn) và triển khai ứng dụng thuế điện tử trên nền tảng thiết bị di động (eTax-Mobile); tổ chức thành công Lễ công bố hệ thống hóa đơn điện tử toàn quốc.

Việc đẩy mạnh áp dụng hóa đơn điện tử được kỳ vọng sẽ mang lại nhiều lợi ích, góp phần giảm thời gian, chi phí in ấn, vận chuyển, lưu trữ hóa đơn cho doanh nghiệp, hạn chế các hành vi gian lận về hóa đơn; tăng cường công khai, minh bạch, thuận lợi cho người nộp thuế, góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý thuế, chống thất thu cho ngân sách nhà nước.

Cùng với đó, Bộ Tài chính cũng đã đẩy mạnh công tác phối hợp với bộ, ngành chức năng trong quản lý hoạt động thương mại điện tử. Cụ thể, Bộ Tài chính đã tổ chức các buổi làm việc và ký kết Thỏa thuận phối hợp công tác với Bộ Công Thương và Bộ Thông tin và Truyền thông, làm việc với Bộ Công An để đề xuất phối hợp thực hiện kết nối, chia sẻ cơ sở dữ liệu phục vụ công tác quản lý thuế.

Bộ Tài chính cũng đã làm việc với Bộ Thông tin và Truyền thông để khai thác, truyền nhận, kết nối thông tin doanh nghiệp quảng cáo xuyên biên giới; danh sách cá nhân có phát sinh doanh thu từ quảng cáo trên sản phẩm, dịch vụ nội dung thông tin số; doanh nghiệp trong nước có hoạt động cung cấp dịch vụ viễn thông và sử dụng tài nguyên kho số.

Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng đang xây dựng dự thảo Thỏa thuận phối hợp công tác giữa Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước để triển khai các quy định về phối hợp giữa 02 cơ quan đã được quy định trong Luật Quản lý thuế.

Hiệu quả tích cực

Với các giải pháp trên, trong thời gian qua, công tác quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử đã thu được nhiều kết quả tích cực. Cụ thể, đối với hàng hóa, dịch vụ xuyên biên giới, theo quy định hiện hành đang thực hiện thu thuế thông qua các tổ chức tại Việt Nam (thuế nộp thay nhà thầu nước ngoài) với số thu trung bình trên 1.000 tỷ đồng/năm.

Trong đó, tính riêng từ năm 2018 đến hết quý I/2022, các đơn vị này đã khai, nộp thuế với tổng số tiền là hơn 4,9 nghìn tỷ đồng (năm 2018 số thu thuế từ hoạt động thương mại điện tử, dịch vụ số xuyên biên giới đạt  770 tỷ đồng; năm 2019 đạt 1.168 tỷ đồng; năm 2020 đạt 1.143 tỷ đồng, năm 2021 đạt 1.591 tỷ đồng, quý I/2022 đạt 240 tỷ đồng); trong đó, có một số tập đoàn lớn như Facebook là 1,9 nghìn tỷ đồng; Google là 1,8 nghìn tỷ đồng; Microsoft là hơn 600 tỷ đồng.

Trong triển khai thực hiện nhiệm vụ thu, xử lý vi phạm và chống thất thu đối với các tổ chức, cá nhân Việt Nam có thu nhập từ cung cấp dịch vụ số xuyên biên giới, hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, lũy kế đến hết quý I/2022 cơ quan thuế đã thu được khoảng 706 tỷ đồng; trong đó, số thu quý I/2022 đạt 147 tỷ đồng.

Bộ Tài chính cho biết, trong thời gian tới toàn Ngành sẽ tiếp tục thực hiện các giải pháp cụ thể để tăng cường quản lý thuế trong hoạt động thương mại điện tử, góp phần chống thất thu cho ngân sách nhà nước.