“Tăng tốc” cải cách môi trường kinh doanh để tạo điểm tựa cho doanh nghiệp

Lê Anh

Theo bà Trần Thị Hồng Minh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), dự báo năm 2024, các thuận lợi, khó khăn vẫn tiếp tục đan xen, vì vậy, hơn lúc nào hết nỗ lực cải cách môi trường kinh doanh cần tăng tốc và thực thi thực chất để củng cố niềm tin và tạo động lực kinh doanh cho doanh nghiệp.

Khơi dậy động lực, tinh thần kinh doanh, từ đó thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế.
Khơi dậy động lực, tinh thần kinh doanh, từ đó thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế.

Môi trường kinh doanh là trụ cột quan trọng

Sáng 29/02/2024, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức hội nghị triển khai Nghị quyết 02/NQ-CP ngày 5/1/2024 của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Phát biểu tại Hội nghị, bà Trần Thị Hồng Minh – Viện trưởng CIEM cho biết môi, trường kinh doanh là một trụ cột quan trọng của cải cách thể chế để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế phát triển; đóng góp có ý nghĩa đối với phát triển kinh tế của ngành, địa phương và của quốc gia.

Với tầm quan trọng đó, từ năm 2014, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tham mưu cho Chính phủ hàng năm ban hành Nghị quyết về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Năm 2023, Chính phủ gộp nhiệm vụ cải cách môi trường kinh doanh vào thành một nội dung của Nghị quyết số 01/NQ-CP nhằm khẳng định môi trường kinh doanh là nhiệm vụ trong điều hành và phát triển kinh tế - xã hội. Do chỉ là một trong các nhiệm vụ của Nghị quyết số 01/NQ-CP nên mức độ quan tâm, động lực cải cách của các bộ, ngành, địa phương có phần mờ nhạt hơn.

Trong khi đó, năm 2023, doanh nghiệp tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức cả từ bên ngoài cũng như lực cản trong nước; nhiều lĩnh vực rào cản đầu tư, kinh doanh trở nên nặng nề hơn; môi trường kinh doanh chạm đến những vấn đề khó, mang tính liên ngành. Điều này tác động không nhỏ tới niềm tin và động lực của nhà đầu tư, doanh nghiệp; và vì thế nguồn lực doanh nghiệp chưa được khơi thông hiệu quả.

Dự báo năm 2024, các thuận lợi, khó khăn vẫn tiếp tục đan xen. Hơn lúc nào hết nỗ lực cải cách môi trường kinh doanh cần tăng tốc và thực thi thực chất để củng cố niềm tin và tạo động lực kinh doanh cho doanh nghiệp. Xuất phát từ những thực tiễn đó, Chính phủ đã khôi phục lại Chương trình cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh bằng việc ban hành Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 5/01/2024 nhằm tạo áp lực, đồng thời khơi dậy động lực, tinh thần cải cách của các bộ, ngành, địa phương.

“Sự trở lại của Nghị quyết mang theo thông điệp rằng cải thiện môi trường kinh doanh là nhiệm vụ trọng tâm ưu tiên, thể hiện mức độ quan tâm và đồng hành của Chính phủ với cộng đồng doanh nghiệp. Qua đó, Nghị quyết số 02/NQ-CP kỳ vọng góp phần củng cố niềm tin của nhà đầu tư, doanh nghiệp; khơi dậy động lực, tinh thần kinh doanh; từ đó thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế”, bà Trần Thị Hồng Minh nhấn mạnh.

Cần cơ chế, chính sách căn cơ

TS. Nguyễn Minh Thảo - Trưởng ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh CIEM đánh giá, tình hình doanh nghiệp Việt Nam năm 2023 và 2 tháng đầu năm 2024 có chiều hướng suy giảm về nhu cầu đầu tư, kinh doanh và sức chống chịu. Môi trường kinh doanh còn thiếu hấp dẫn. Vốn đăng ký sụt giảm và việc thu hút lao động chưa đạt được so với thời điểm trước đại dịch COVID-19.

Quang cảnh Hội nghị.
Quang cảnh Hội nghị.

Các phiên họp Chính phủ hàng tháng luôn nhấn mạnh tới cải cách môi trường kinh doanh. Rất nhiều văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về cải cách môi trường kinh doanh, điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính nhưng sự chuyển biến cải cách còn chậm, thậm chí, có lĩnh vực rào cản nặng nề hơn.

“Sự trở lại của Chương trình cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh đưa ra thông điệp mạnh mẽ của Chính phủ, cải thiện môi trường kinh doanh để củng cố niềm tin, tạo điểm tựa cho doanh nghiệp Tuy nhiên thách thức lớn là cần khơi dậy động lực, tạo áp lực thường xuyên, liên tục và cần sự đồng hành của nhiều bên”, TS. Nguyễn Minh Thảo nêu rõ.

Từ thực tiễn hoạt động trong công tác hỗ trợ doanh nghiệp, đại diện Hội Lương thực Thực phẩm TP. Hồ Chí Minh cho rằng, năm 2024 cần có cơ chế, chính sách căn cơ hơn đó là cơ chế xử lý, xử phạt đối với các bộ ngành, các trường hợp chậm hoặc không thực hiện các chỉ đạo của Chính phủ,

Theo đại diện Hội Lương thực, đã đến lúc cần thay đổi cách thức thực hiện cải cách bằng việc bổ sung thêm cơ chế giám sát, xử lý người thực hiện cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh quốc gia để tạo ra kết quả đột phá.

“Hội Lương thực Thực phẩm TP. Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục đồng hành cùng Chính phủ và các bộ ngành thực thi hiệu quả Nghị quyết như đã rốt ráo đi cùng trong suốt quá trình soạn thảo, tìm kiếm, đề xuất các giải pháp. Mong rằng với những chủ trương và quyết sách đúng đắn mà Chính phủ đang quyết liệt thực hiện, môi trường kinh doanh sẽ có những chuyển biến tích cực trong năm 2024 và tạo động lực thúc đẩy mạnh mẽ tinh thần kinh doanh trong xã hội”, đại diện Hội này nhấn mạnh.

Chia sẻ tại Hội nghị, TS. Nguyễn Phương Bắc - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bắc Ninh cho hay, trong bối cảnh dòng vốn FDI vào Việt Nam tiếp tục tăng, các địa phương trên cả nước liên tục công bố các dự án mới thì việc quan trọng là phải dành nhiều thời gian hơn nữa cho cải cách môi trường kinh doanh để các dự án sớm đi vào sản xuất và tiếp tục thu hút được dòng vốn mới.

Theo TS. Nguyễn Phương Bắc, sáng kiến cải cách kinh doanh gồm 2 nhóm, nhóm 1 là cải cách nền tảng, thể chế một cách dài hạn, nhóm 2 là khả năng thực thi mà đã được đo lường theo PCI. Cải cách phải trở thành tập quán, văn hóa thường ngày, còn nếu chỉ “gồng lên để cải cách lấy điểm” sẽ sớm đi xuống. 

 

7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm của Nghị quyết 02/NQ-CP bao gồm: Tháo gỡ bất cập pháp lý trong thực hiện dự án đầu tư; Nâng cao chất lượng cải cách danh mục ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh; Cải cách hoạt động kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hoá và triển khai hiệu quả Cổng thông tin một cửa quốc gia; Nâng cao hiệu quả giải quyết thủ tục hành chính; ứng dụng công nghệ thông tin, liên thông, chia sẻ dữ liệu; Tăng khả năng tiếp cận và hấp thụ vốn cho doanh nghiệp; Hoàn thiện chính sách thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư, sản xuất, kinh doanh gắn với đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh; Nâng cao chất lượng các dịch vụ phát triển kinh doanh.