Thanh khoản dồi dào khiến mặt bằng lãi suất huy động tiếp tục giảm

Tuấn Thủy

Thanh khoản hệ thống ngân hàng dồi dào do cầu tín dụng thấp, tạo dư địa cho mặt bằng lãi suất huy động tiếp tục xu hướng giảm. Trong khi đó, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) bơm ròng hơn 15.000 tỷ đồng qua nghiệp vụ thị trường mở.

Lãi suất tiếp tục xu hướng giảm trong tháng 6.
Lãi suất tiếp tục xu hướng giảm trong tháng 6.

Thanh khoản trên hệ thống ngân hàng vẫn ổn định

Thời gian qua, hoạt động trên kênh thị trường mở trầm lắng. Cụ thể, mặc dù NHNN chào thầu đều đặn trên kênh mua kỳ hạn ở hai kỳ hạn 7 ngày và 28 ngày, mỗi kỳ hạn 50.000 tỷ đồng, đều với lãi suất 4,5%, tuy nhiên không có khối lượng trúng thầu. Khối lượng tín phiếu 91 ngày đáo hạn giảm xuống chỉ còn 16.900 tỷ đồng.

Như vậy, trong tuần qua (5/6-9/6), NHNN bơm ròng hơn 15.545 tỷ đồng trên kênh OMO vào nền kinh tế, đây là các khoản tín phiếu đến hạn. Hiện tổng bơm ròng luỹ kế trên hệ thống là 293,8 tỷ đồng.

Thanh khoản dồi dào khiến mặt bằng lãi suất liên ngân hàng tiếp tục xu hướng giảm, về mức 2.8% cho kỳ hạn qua đêm và 3,0 % - 4,0% cho kỳ hạn dưới 1 tháng – giảm 60 – 120 điểm cơ bản so với tuần trước đó.

Ngày 12/06, lãi suất chào bình quân liên ngân hàng VND tiếp tục giảm mạnh 0,11-0,26 điểm phần trăm ở tất cả các kỳ hạn từ một tháng trở xuống so với phiên cuối tuần trước, cụ thể: Lãi suất qua đêm là 2,41%; Một tuần là 2,66%; Hai tuần là 3,04% và một tháng là 3,94%.

Lãi suất chào bình quân liên ngân hàng USD tăng 0,01-0,02 điểm phần trăm ở hầu hết các kỳ hạn ngoại trừ đi ngang ở kỳ hạn hai tuần. Cụ thể, lãi suất USD kỳ hạn qua đêm là 4,85%; một tuần là 4,91%; 2 tuần là 5,0% và một tháng là 5,18%. Lợi suất trái phiếu Chính phủ trên thị trường thứ cấp giảm ở tất cả các kỳ hạn, cụ thể, 3 năm: 2,41%; 5 năm: 2,18%; 7 năm: 2,62%; 10 năm: 3,03%; 15 năm: 3,20%.

Tỷ giá USD-VND duy trì ổn định. Hiện tỷ giá trung tâm ở mức 23.717 đồng, giảm 5 đồng so với tuần trước. Trong khi tỷ giá mua và bán tại Vietcombank lần lượt là 23.290 đồng và 23.660 đồng tăng 10 đồng so với tuần trước.

Lãi suất giảm nhẹ

Cầu vốn tín dụng suy yếu là nguyên nhân chính khiến tín dụng chững lại trong 5 tháng đầu năm. Theo dự báo của các ngân hàng tư nhân, cầu tín dụng thấp suốt cả quý II/2023 và khó có thể tăng mạnh nửa cuối năm khi đầu ra của doanh nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn, dù lãi suất cho vay đã giảm đáng kể sau khi NHNN 3 lần giảm lãi suất điều hành từ đầu năm đến nay.

Ước tính, lãi suất cho vay trung bình (không tính các khoản ưu đãi) hiện tại vào khoảng 12,5%/năm, giảm khoảng 2,2% so với cuối năm 2022 nhưng vẫn cao hơn khoảng 2% so với năm 2019.

Trên thực tế, mặc dù các ngân hàng thương mại đều đã giảm lãi suất cho vay nhằm kích thích nhu cầu đầu tư và tiêu dùng, mức lãi suất này chủ yếu chỉ áp dụng với các khoản vay mới và chỉ có số ít các ngân hàng thương mại (chủ yếu ngân hàng thương mại nhà nước) giảm lãi vay cho các khoản vay hiện hữu.

Lãi suất huy động 12 tháng của ngân hàng thương mại nhà nước giảm 0,4% xuống 6,8%. Trong khi các ngân hàng tư nhân dao động từ 6,6% - 8,2, trung bình 7,2%/năm.

Trong tuần từ ngày 1/6 đến ngày 8/6, lãi suất huy động tiếp tục giảm ở các ngân hàng VPB, NAB, TPB và OCB. Cụ thể, VPB điều chỉnh lãi suất 6tháng - 9 tháng giảm 0,2%/năm và lãi suất từ 18 tháng trở lên giảm 0,3%/năm; NAB giảm 0,2%/năm ở kỳ hạn 12 tháng và giảm 0,5%/năm ở kỳ hạn từ 18 tháng trở lên; TPB giảm nhẹ 0,2%/năm ở các kỳ hạn 6 tháng - 9 tháng; OCB giảm 0,2%/năm ở các kỳ hạn 18 tháng trở lên.

Theo Hội nghiên cứu thị trường liên ngân hàng Việt Nam, CPI và lãi suất liên ngân hàng sẽ tiếp tục giảm trong tháng 6/2023. Vì thế, lãi suất huy động trên thị trường 1 có thể điều chỉnh giảm nhẹ trong thời gian tới, tuy nhiên có lẽ khó có thể giảm mạnh như trong 5 tháng đầu năm khi mà nhu cầu tín dụng có thể sẽ tăng tốc và áp lực tỷ giá có thể quay trở lại khi mà Fed vẫn đang giữ lãi suất điều hành ở mức cao.