Tháo “điểm nghẽn” trong giải ngân vốn đầu tư công

Thùy Linh

Việc đẩy nhanh tiến độ, tháo gỡ vướng mắc trong công tác giải ngân vốn đầu tư công, nhất là tại các dự án có tác động lớn tới kinh tế - xã hội đã được nhiều Đại biểu Quốc hội đưa ra trong phiên thảo luận chiều ngày 31/5.

Việc đẩy nhanh tiến độ, tháo gỡ vướng mắc trong công tác giải ngân vốn đầu tư công nhận được sự quan tâm của nhiều Đại biểu Quốc hội.
Việc đẩy nhanh tiến độ, tháo gỡ vướng mắc trong công tác giải ngân vốn đầu tư công nhận được sự quan tâm của nhiều Đại biểu Quốc hội.

Rà soát, xem xét lại các quy định về đầu tư công

Phát biểu tại hội trường, đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Thuận cho biết, qua giám sát cho thấy trong những năm qua, nhất là từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã dành rất nhiều thời gian để kiểm tra, chỉ đạo tháo gỡ những điểm nghẽn, vướng mắc để giúp giải ngân nhanh hơn nhằm đạt mục tiêu giải ngân vốn giao hàng năm. Tuy nhiên, số liệu vẫn chưa đạt như kỳ vọng và bày tỏ băn khoăn tại sao đã chỉ đạo nhiều, tháo gỡ nhiều, quyết tâm cao nhưng vẫn chưa thể tháo gỡ tận gốc về các vấn đề bất cập, vướng mắc.

Qua báo cáo của các bộ, ngành, nguyên nhân giải ngân chậm chủ yếu ở cách thực hiện ở địa phương. Do đó, đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương mong muốn việc này cần được giải quyết sớm, nghiêm túc, thẳng thắn đánh giá lại và có giải pháp xác thực, sớm xử lý tận gốc rễ để sớm khơi thông hoạt động đầu tư công, tránh gây lãng phí nguồn lực đầu tư. 

“Cần rà soát, đánh giá toàn diện các quy định của pháp luật về thẩm quyền, về trình tự, thủ tục, về quy trình, cách làm xem có gây khó khăn, ách tắc làm ảnh hưởng đến tiến độ đầu tư hay không, xem có thực hiện tốt việc phân cấp, phân quyền, việc kiểm tra, theo dõi, đôn đốc để thúc đẩy hoàn thành tốt các hoạt động đầu tư hay chưa. Nếu từng việc đều được giao nhiệm vụ kịp thời, minh bạch, thường xuyên chung tay giải quyết thì sẽ nhanh chóng hoàn tất”, Đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương nhận định.

Để giảm bớt quy trình, thủ tục, tránh gây mất nhiều thời gian làm hồ sơ, trình hồ sơ, đợi chờ các cấp thẩm quyền cho ý kiến, để các địa phương chủ động và chịu trách nhiệm trong chỉ đạo điều hành công tác đầu tư công, đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương đề nghị cần đẩy mạnh tiến độ thực hiện dự án, cần sớm rà soát, xem xét lại các quy định về đầu tư công theo hướng phân cấp mạnh hơn, nhiều hơn cho chính quyền địa phương, xem xét ở Điều 67 quy định về điều chỉnh kế hoạch vốn đầu tư công.

Tuy nhiên, phát biểu tranh luận với một số đại biểu về tình hình giải ngân đầu tư công rất chậm, trở thành điểm nghẽ trong phát triển kinh tế - xã hội, đại biểu Trần Hoàng Ngân – Đoàn Đại biểu Quốc hội TP. Hồ Chí Minh lại cho rằng đánh giá như vậy là chưa thỏa đáng. Theo đại biểu, tình hình giải ngân đầu tư công có chậm, nhưng không không phải rất chậm.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân cho rằng, trong thời gian qua, Quốc hội đã đồng hành với Chính phủ trong việc rà soát thể chế, ban hành 1 luật sửa 9 luật để hỗ trợ đầu tư công. Năm 2020 giải ngân 90%, năm 2021 giải ngân 93,4%, năm 2022 giải ngân 93%, rõ ràng trong 2 năm vừa qua đã giải ngân tốt hơn trung bình 5 năm qua.

Nêu giải pháp tháo gỡ vấn đề này, Đại biểu Phạm Văn Thịnh - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang cho rằng, cần đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền cho chính quyền địa phương cấp tỉnh gắn với cá thể hóa trách nhiệm, đồng thời sửa ngay các quy định không phù hợp. Trung ương cần chuyển sang tăng cường hậu kiểm, để tăng tốc phát triển nền kinh tế, đẩy nhanh giải ngân vốn, qua đó đảm bảo an sinh xã hội.

Đại biểu Phạm Văn Thịnh đề nghị Quốc hội tiến hành khảo sát các quy định về phân cấp ủy quyền các thủ tục hành chính liên quan đến các dự án đầu tư để có thể chủ động đồng hành với Chính phủ sửa đổi một cách đồng bộ, hiệu quả. 

Đẩy nhanh tiến độ một số dự án trọng điểm

Cùng với công tác giải ngân vốn đầu tư công nói chung trên cả nước, một số đại biểu cũng đề nghị có giải pháp cụ thể tại một số dự án trọng điểm trên cả nước. Theo đó, phát biểu tại hội trường, đại biểu Phạm Văn Hoà - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp đề nghị Chính phủ chỉ đạo quyết liệt giải ngân vốn đầu tư công dự án Chương trình mục tiêu quốc gia, nhất là các dự án đường cao tốc Bắc – Nam, tiến độ giải phóng mặt bằng không đồng đều ảnh hưởng đến thi công chậm trễ, khó có thể giải ngân theo kế hoạch, đồng thời, khắc phục tình trạng vốn chờ công trình.

Tương tự, Đại biểu Hoàng Thị Đôi - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Sơn La cho rằng, kết cấu hạ tầng giao thông rất quan trọng, làm nền tảng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Cụ thể, Sơn La là một tỉnh nằm trong vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ, là vùng có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội môi trường sinh thái, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước. Tuy nhiên, hệ thống kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông liên kết còn thiếu và yếu.

Đại biểu Hoàng Thị Đôi nêu rõ, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 11-NQ/TW về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó, xác định nhiệm vụ đến năm 2030 hoàn thành tuyến đường bộ cao tốc Hà Nội - Hòa Bình - Sơn La. Mặt khác, tuyến đường bộ cao tốc đoạn Hòa Bình - Mộc Châu tỉnh Sơn La đã được đưa vào quy hoạch để đầu tư xây dựng hoàn thành trước năm 2030. Với ý nghĩa quan trọng trong việc đầu tư xây dựng tuyến đường, tỉnh Sơn La đã phối hợp với tỉnh Hòa Bình chuẩn bị các công việc để trình có cấp có thẩm quyền đầu tư dự án. 

Nhấn mạnh ý nghĩa quan trọng của tuyến đường này, để sớm triển khai các thủ tục đầu tư, đại biểu Hoàng Thị Đôi kiến nghị Thủ tướng Chính phủ sớm xem xét, quyết định giao Ủy ban nhân dân tỉnh Sơn La là cơ quan chủ quản để triển khai công tác lập chủ trương đầu tư dự án; đồng thời đề nghị Quốc hội xem xét, nhất trí đề xuất của Chính phủ về phân bổ số vốn còn lại ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 đối với một số dự án cao tốc trọng điểm. 

Để góp phần tích cực thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước về phát triển kết cấu hạ tầng cũng như quan điểm chỉ đạo về phân cấp, phân quyền, thu hút, sử dụng nguồn lực hiệu quả và xử lý các vấn đề liên kết vùng, đại biểu Hoàng Thị Đôi kiến nghị Quốc hội sớm xem xét, quyết định để kịp thời giải quyết những vấn đề khó khăn, bức xúc về hạ tầng giao thông tại các địa phương; tiếp tục xem xét, chỉnh sửa, bổ sung các giữa các dự án luật có liên quan.