Thắt chặt hơn nữa quan hệ hợp tác phát triển Việt Nam - Đức

Trần Huyền

Chiều ngày 9/7/2021, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà có buổi làm việc trực tuyến với Tổng Vụ trưởng phụ trách châu Á của Bộ Hợp tác kinh tế và phát triển Đức Gisela Hammerschidt nhằm rà soát lại những nội dung, chương trình, dự án theo các hiệp định đã ký kết giữa hai Chính phủ và những chương trình dự án mới sẽ được triển khai trong thời gian tới.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà phát biểu tại buổi làm việc.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà phát biểu tại buổi làm việc.

Tham dự buổi làm việc, về phía Đức có ông Sebastian Paust - Tham tán, Đại sứ quán Đức tại Việt Nam; bà Simone Wunsch - Trưởng đại diện Văn phòng Ngân hàng KFW tại Hà Nội.

Về phía Bộ Tài chính Việt Nam có đại diện lãnh đạo Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại - đơn vị trực tiếp được Bộ Tài chính giao nhiệm vụ đàm phán ký kết các hiệp định vay với tổ chức quốc tế và Chính phủ các nước, là đơn vị thực hiện theo dõi vấn đề giải ngân vốn cũng như các nghiệp vụ cho vay lại.

Phát biểu tại buổi làm việc, Tổng Vụ trưởng phụ trách châu Á của Bộ Hợp tác kinh tế và phát triển Đức Gisela Hammerschidt chúc mừng Chính phủ Việt Nam đã thành công trong công tác quản lý tài chính và kiểm soát dịch bệnh, góp phần duy trì ổn định nền kinh tế, là một trong ít nước có tăng trưởng dương năm 2020 trên thế giới.

Trong những tháng đầu năm 2021, Việt Nam đã đạt tăng trưởng trên 5,6%. Đây là kết quả chứng tỏ hiệu quả trong điều hành chính sách tài khóa, tiền tệ và các chính sách vĩ mô của Việt Nam. "Tôi đánh giá rất cao thành công của Việt Nam." - Tổng Vụ trưởng phụ trách châu Á của Bộ Hợp tác kinh tế và phát triển Đức nhấn mạnh.

Bà Gisela Hammerschidt cho biết, Bộ Hợp tác kinh tế và phát triển Đức coi Việt Nam là đối tác toàn cầu và công nhận thành tích phát triển tuyệt vời của Việt Nam vừa qua. Trong đó, đánh giá cao vai trò ngày càng cao của Việt Nam trong thực hiện các nghị định quốc tế.

Đại biểu tham dự buổi làm việc tại các điểm cầu.
Đại biểu tham dự buổi làm việc tại các điểm cầu.

Bộ Hợp tác kinh tế và phát triển Đức mong muốn tiếp tục hợp tác phát triển với Việt Nam, đồng thời, thắt chặt hơn nữa trách nhiệm chung trong triển khai các nghị trình bền vững toàn cầu. Do đó, trong tương lai, hai bên cần thống nhất chặt chẽ hơn nữa về các chính sách liên quan đến mục tiêu chung của hai bên.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà cảm ơn bà Gisela Hammerschidt đã có đánh giá cao về sự phát triển kinh tế Việt Nam thời gian qua, đặc biệt là trong bối cảnh chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19.

Theo Thứ trưởng, dưới sự chỉ đạo của Đảng, Chính phủ, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, Việt Nam đã triển khai mục tiêu kép vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế. Nhờ đó, năm 2020 và 6 tháng đầu năm 2021, Việt Nam đã vượt qua khó khăn thách thức, đạt nhiều kết quả trong phát triển kinh tế cũng như đầu tư, xuất khẩu.

Quang cảnh buổi làm việc tại điểm cầu Bộ Tài chính Việt Nam.
Quang cảnh buổi làm việc tại điểm cầu Bộ Tài chính Việt Nam.

Tuy nhiên, gần đây tình hình Covid-19 chủng mới đã ảnh hưởng đến một số tỉnh, thành phố đặc biệt là các khu công nghiệp, cụm công nghiệp. Trong bối cảnh đó, Việt Nam tiếp tục quyết tâm mở rộng tiêm chủng vắc xin cũng như các giải pháp dập dịch để nền kinh tế, đặc biệt là kinh tế các tỉnh đang chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh có thể trở lại hoạt động bình thường.

Trong khuôn khổ hợp tác giữa hai bên, Thứ trưởng khẳng định, Việt Nam luôn trân trọng sự hỗ trợ hết sức giá trị của Chính phủ và nhân dân Đức với quá trình cải cách và phát triển của Việt Nam trong suốt thập kỷ qua. Những hỗ trợ của Chính phủ Đức qua Ngân hàng KFW đã giúp Việt Nam phát triển cơ sở hạ tầng, năng lượng, các dự án trồng rừng, dạy nghề... Đây là những lĩnh vực Chính phủ Đức quan tâm và Chính phủ Việt Nam cần đầu tư.

Tại buổi làm việc, hai bên đã dành nhiều thời gian để trao đổi về những khó khăn, vướng mắc và đưa ra các giải pháp trong triển khai các dự án theo các hiệp định đã ký kết giữa hai Chính phủ; đặc biệt là các dự án đã ký hiệp định vay nhưng tiến trình triển khai còn chậm, nhất là vấn đề giải ngân rút vốn.