Thấy gì từ con số kỷ lục về doanh nghiệp gia nhập thị trường trong quý I?

Theo Nhật Linh/vnbusiness.vn

Số lượng doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường trong quý I năm nay đã đạt mức kỷ lục, cho thấy tín hiệu hồi phục của nền kinh tế. Song để các doanh nghiệp thực sự lớn mạnh, chắc chắn cần thêm sự tiếp sức, hỗ trợ từ phía chính sách của Chính phủ trong một bối cảnh kinh doanh vẫn còn nhiều khó khăn và bất định.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Theo ông Bùi Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ KH&ĐT), quý I/2022 với 60.178 doanh nghiệp (DN) gia nhập và tái gia nhập thị trường đã đạt mức kỷ lục về số lượng trong quý I từ trước đến nay, gấp 1,5 lần so với trung bình quý I giai đoạn 2017 - 2021, tăng 36,7% so với cùng kỳ năm 2021. Con số này đã phần nào cho thấy niềm tin của cộng đồng DN đã dần trở lại sau hai năm dịch COVID-19 bùng phát.

Mạnh dạn mở rộng đầu tư

Ông Tuấn nhìn nhận DN đang có những bước phát triển mạnh mẽ trở lại. Ngoài con số ấn tượng về tình hình gia nhập và tái gia nhập thị trường, điều này còn thể hiện ở số DN thành lập mới và số DN đã giải thể, chấm dứt, tồn tại của quý I/2022.

Cụ thể, số DN đã giải thể, chấm dứt tồn tại trong quý I/2022 là 4.335 DN, giảm 16,7% so với cùng kỳ năm 2021. 17/17 ngành kinh doanh chính có số lượng DN đã giải thể, chấm dứt tồn tại giảm cho thấy rằng sự chống đỡ của DN đã tăng lên rất nhiều, DN đã tìm thấy các cơ hội kinh doanh tốt hơn để tiếp tục hoạt động sản xuất, kinh doanh của mình.

Riêng trong tháng 3 – tháng mà có lúc số ca mắc COVID-19 trong một ngày đã tăng lên đến đỉnh điểm, tuy nhiên, Việt Nam lại có đến 18.602 DN gia nhập và tái gia nhập thị trường, gấp 3 lần số DN rút lui khỏi thị trường. Trong đó, số DN đăng ký thành lập mới trong tháng 3/2022 là 14.302 DN, với số vốn đăng ký là 193.647 tỷ đồng, tăng 28,0% về số DN và tăng 71,3% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2021. Đáng chú ý, đây là mức DN thành lập mới cao nhất kể từ tháng 5/2021.

Đáng chú ý, theo khảo sát của Tổng cục Thống kê về triển vọng kinh doanh của DN ngành công nghiệp chế biến, chế tạo - động lực chính của tăng trưởng kinh tế, thì có tới 82,3% DN nhận định tình hình sản xuất kinh doanh của DN tốt hơn và giữ ổn định (50,0% tốt hơn, 32,3% giữ ổn định), tỷ lệ DN dự báo khó khăn hơn giảm xuống còn 17,7%.

Đặc biệt, dự báo số lượng đơn đặt hàng mới quý II/2022 so với quý I/2022 tiếp tục tăng với 83,7% DN dự báo tăng và giữ nguyên (46,6% tăng, 37,1% giữ nguyên), 16,3% DN dự báo số lượng đơn đặt hàng mới giảm.

Đồng thời, các DN dự báo số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới quý II/2022 khả quan hơn với 85,4% DN dự báo tăng và giữ nguyên so với quý I/2022 (40,3% tăng, 45,1% giữ nguyên)...

Với ngành du lịch, sự phục hồi đang rất rõ nét. Khi thị trường du lịch bước vào giai đoạn phục hồi cũng là lúc ông Nguyễn Công Hoan, Phó Tổng giám đốc Flamigo Holding Group, CEO Flamigo Redtour tính tới đầu tư xây dựng hàng chục dự án bất động sản nghỉ dưỡng cao cấp trên toàn quốc, lên kế hoạch chi tiết về thu hút khách quốc tế.

"Chúng tôi đánh giá bất động sản du lịch là thị trường rất tiềm năng, đặc biệt là bất động sản du lịch cao cấp có nhiều dư địa phát triển. Việt Nam có rất nhiều tài nguyên thiên nhiên, văn hoá... rất giá trị để thu hút du khách".

Tuy nhiên ông Hoan cũng bày tỏ mong muốn Nhà nước có chính sách hỗ trợ cho các DN du lịch nòng cốt vì hiện các hãng lữ hành từ lớn đến siêu nhỏ đều đang yếu về nguồn lực, tinh thần.

"Những DN lữ hành đầu đàn như Flamindo Redtours cảm thấy việc đầu tư xây dựng sản phẩm nhiều cỡ nào cũng như muối bỏ bể", ông Hoan chia sẻ.

Linh hoạt từ chính sách

Bên cạnh đó, nhiều DN cho biết vẫn đang gặp khó khăn về điều kiện để kinh doanh. Ông Nguyễn Văn Khánh, Phó Giám đốc Công ty CP Phát triển chăn nuôi Hòa Phát, cho rằng cần có cơ chế, chính sách để tạo điều kiện thu hút các DN đầu tư vào ngành chăn nuôi trong thời gian tới.

Xây dựng điều kiện về tiêu chuẩn, quản lý nhà nước trong lĩnh vực chăn nuôi đã có rồi, song ông Khánh cho rằng cần tiếp tục xem xét điều kiện tiêu chuẩn đã phù hợp và bám sát thực tế theo thời gian chưa, có điều chỉnh gì hay không. Quản lý nhà nước cần kiểm tra, kiểm soát thật chặt chẽ, khoảng cách chăn nuôi giữa các trang trại chăn nuôi, trại với khu dân cư.

Ông Khánh cho biết như trại chăn nuôi của Hòa Phát cách khu dân cư 2km, thế nhưng khi đi vào hoạt động chăn nuôi, người dân vẫn phản ánh có mùi hôi và khiếu kiện DN. "Trong tình huống này, quản lý Nhà nước có thể hỗ trợ gì cho DN cũng như cần xây dựng các điều kiện chăn nuôi, hạng mục công trình liên quan, xử lý chất thải chăn nuôi thế nào để hỗ trợ các DN", đại diện Hòa Phát chia sẻ.

Mới đây, Báo cáo Dòng chảy pháp luật kinh doanh của VCCI cũng nêu ra một thực tế về điều chỉnh chính sách trong bối cảnh dịch COVID-19. Theo đó, báo cáo đã chỉ ra những quy định trong pháp luật không phù hợp áp dụng trong bối cảnh dịch bệnh, gây khó khăn, bất cập rất lớn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN. Ví dụ như thiếu vắng các quy định về bán thuốc online, khám bệnh từ xa, chế độ cho người làm việc ở nhà … đây là các hoạt động cần thiết trong tình hình các biện pháp phòng dịch hạn chế người dân ra ngoài đường. Hay các quy định pháp luật không phù hợp áp dụng trong thời kỳ này. Ví dụ, thời gian làm thêm giờ, yêu cầu giấy tờ khi thực hiện gia hạn giấy chứng nhận lưu hành đối với thuốc, nguyên liệu làm thuốc …

"Những vấn đề trên đặt ra yêu cầu các nhà soạn chính sách phải xem xét lại một cách toàn diện hệ thống pháp luật về kinh doanh, để xác định những vấn đề nào chỉ phù hợp trong thời kỳ dịch bệnh – cần có cơ chế để điều chỉnh quy định trong khoảng thời gian này; những vấn đề nào cần phải điều chỉnh lại ngay cả khi mọi thứ quay trở lại bình thường – cần phải sửa đổi bổ sung hoặc thay thế quy định", báo cáo trên đánh giá.

Tuy nhiên, bên cạnh sự hỗ trợ, tạo điều kiện từ phía chính sách, ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng cho rằng muốn phát triển trong giai đoạn hiện nay, các DN cũng cần nâng cao tính chủ động, khả năng ứng phó. Đơn cử nếu DN vay vốn nhưng vẫn sử dụng mô hình, cách thức kinh doanh cũ thì khó thành công và ngược lại nếu đổi mới mô hình, đầu tư công nghệ thì nguồn lực hỗ trợ này sẽ trở nên hiệu quả.

Theo đó, để chọn một từ trong năm nay, ông Hiếu cho rằng cần "quyết liệt hơn". Tinh thần này không chỉ ở cơ quan quản lý trong việc xây dựng chính sách mà từ chính doanh nghiệp.

Ông Lê Mạnh Hùng - Cục trưởng Cục Phát triển Doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư)

Chúng tôi đang đẩy mạnh triển khai các chương trình hỗ trợ DN, hiện thực hóa những hỗ trợ cho DN vừa vừa nhỏ, nhất là hỗ trợ về chuyển đổi số. Ngược lại, DN nhỏ và vừa, siêu nhỏ cũng cần kiên trì theo đuổi con đường kinh doanh của mình hơn nữa. Thực tế cho thấy DN vẫn có tính ngắn hạn, nếu nhận thấy chưa có thời cơ mở ra thì sẽ đóng lại. DN nên có định hướng dài hạn hơn, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Bà Phạm Chi Lan - Chuyên gia kinh tế

Đầu năm 2022 đã có nhiều ý kiến về việc đưa chính sách kích cầu vào đâu, tôi cho rằng đích cuối cùng là vốn phải vào DN sản xuất vào hạ tầng và thương mại điện tử... đó là căn cơ. Đổ vốn vào các lĩnh vực khác như bất động sản, chứng khoán không nên bởi hiệu quả thấp, rủi ro bong bóng tài sản rất lớn, dễ gây ra hệ luỵ lớn cho kinh tế. Chỉ một sự xì hơi của bong bóng tài sản, sẽ khiến bao nhiêu công sức của chúng ta đổ sông, trôi biển. Đồng thời, chính sách về DN nhỏ và vừa, DN tư nhân đã được đưa ra nhưng đi vào thực tế hay chưa thì cần được đánh giá về hiệu quả.

Ông Nguyễn Hoàng - Chủ tịch Tập đoàn N&G

Đối với ngành công nghiệp hỗ trợ thì DN khởi nghiệp, khởi tạo là đặc biệt then chốt để phát triển. Do vậy, cần có chính sách ưu đãi cụ thể khuyến khích người lao động đã học tập, làm việc tại các công ty, các quốc gia có nền công nghiệp hỗ trợ phát triển để họ khởi nghiệp trở thành các doanh nhân - DN công nghiệp hỗ trợ 100% Việt Nam. Hiện, nguồn lực các DN Việt Nam còn hạn chế, nhiều DN chỉ chạy theo lợi nhuận ngắn hạn và tự phát theo phong trào, chỉ kinh doanh thương mại nhỏ lẻ nhanh thu lợi nhuận và muốn làm giàu nhanh khi thấy đầu tư bất động sản, chứng khoán có lời.