Thị trường bất động sản miền Tây khởi sắc - Sức nóng của đô thị công nghiệp

Theo An Hoà/nhadautu.vn

Nhằm thực hiện chủ trương đẩy mạnh thu hút đầu tư phát triển công nghiệp trước và sau đó mới đến phát triển khu đô thị, tỉnh Hậu Giang đã quy hoạch gần hết diện tích đất ven sông Hậu thuộc địa bàn huyện Châu Thành vào mục đích phát triển đô thị, công nghiệp.

Tỉnh Hậu Giang đẩy mạnh phát triển BĐS công nghiệp. Ảnh An Hòa
Tỉnh Hậu Giang đẩy mạnh phát triển BĐS công nghiệp. Ảnh An Hòa

Hàng chục khu công nghiệp được quy hoạch

Sau khi chia tách từ TP. Cần Thơ, tỉnh Hậu Giang có 8 đơn vị hành chính thành phố, thị xã, huyện trực thuộc. Trong đó, huyện Châu Thành, Châu Thành A, Phụng Hiệp, Ngã Bảy có một phần diện tích tiếp giáp với TP. Cần Thơ. Đặc biệt huyện Châu Thành nằm dọc theo sông Hậu có tuyến Quốc lộ Nam Sông Hậu kết nối thông suốt các tỉnh, thành trong vùng rất thuận tiện cho việc vận chuyển hàng hóa. Nhằm đón đầu làn sóng đầu tư, tỉnh Hậu Giang đã quy hoạch quỹ đất 3.200 ha tại đây để phát triển khu công nghiệp (KCN), đô thị công nghiệp, trong đó có 2.000ha đất công nghiệp và 837 ha đất xây dựng đô thị.

Hiện tại tỉnh Hậu Giang đã thành lập 2 KCN với tổng quy mô diện tích trên 492 ha. Trong đó: Khu công nghiệp Sông Hậu - giai đoạn 1, huyện Châu Thành với quy mô hơn 290 ha đã đạt tỷ lệ lấp đầy trên 90%; KCN Tân Phú Thạnh - giai đoạn 1, huyện Châu Thành A với quy mô diện tích hơn 200 ha, tỷ lệ lấp đầy gần 70%. Tính chung tỷ lệ lấp đầy các KCN trên địa bàn đạt trên 60%, đủ điều kiện để đề xuất đưa vào quy hoạch KCN mới theo quy định tại khoản 1 Điều 5 Nghị định số 82/2018/NĐ-CP ngày 22/5/2018 của Chính phủ.

Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Hậu Giang cũng đã có báo cáo đề xuất với UBND tỉnh này quy hoạch 10 KCN, 6 khu đô thị, dịch vụ tại các huyện tiếp giáp với TP.Cần Thơ.

Cụ thể, Ban Quản lý các khu công nghiệp địa phương này đề xuất trong giai đoạn từ 2021-2030 UBND tỉnh cần đưa vào quy hoạch 10 KCN, tổng diện tích 3.933ha, tại các huyện Châu Thành, Châu Thành A, Phụng Hiệp và TP. Ngã Bảy.

Trong đó, huyện Châu Thành chiếm số lượng nhiều nhất với 6 KCN, bao gồm KCN Đông Phú, Đông Phú - giai đoạn 2, Đông Phú - giai đoạn 3, KCN Sông Hậu - giai đoạn 2, Sông Hậu - giai đoạn 3, KCN Phú Tân;

Huyện Châu Thành A có 3 KCN, gồm: Nhơn Nghĩa A, KCN Tân Phú Thạnh - giai đoạn 2, KCN Tân Hòa; huyện Phụng Hiệp có KCN Long Thạnh.

Giai đoạn 2026-2030, quy hoạch thêm 2 KCN là Phú Hữu - giai đoạn 1 và KCN Tân Thành (TP.Ngã Bảy).

Bên cạnh đề xuất quy hoạch KCN, Ban Quản lý các khu công nghiệp cũng đề xuất quy hoạch 6 khu đô thị-dịch vụ, tái định cư với diện tích 654 ha có vị trí liền kề KCN để phục vụ cho các KCN. Trong đó có 4 khu trên địa bàn huyện Châu Thành, 2 khu còn lại tại huyện Châu Thành A và huyện Phụng Hiệp.

Ông Nguyễn Văn Hòa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, cho biết, trong quý II/2022 tỉnh sẽ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án thành lập 7 KCN với diện tích 1.884ha. Đồng thời, phê duyệt phương án phát triển 5 cụm công nghiệp với diện tích 250ha và mở rộng thêm 2 cụm công nghiệp với diện tích khoảng 260ha.

BĐS ven sông Hậu hấp dẫn nhà đầu tư

Với lợi thế “tiền lộ, hậu sông” và sát nách trung tâm TP. Cần Thơ, huyện Châu Thành tỉnh Hậu Giang được xem là “đất vàng” của địa phương. Thực tế thu hút đầu tư tại huyện Châu Thành đã vượt mặt trung tâm tỉnh lỵ - TP. Vị Thanh.   

Với 1 KCN đã lắp đầy và hàng loạt KCN được quy hoạch và đã thu hút được nhiều dự án đầu tư lớn của Tập đoàn Masan, Tân Hiệp Phát, Minh Phú… thị trường BĐS trên địa bàn huyện Châu Thành- Hậu Giang được dự báo sẽ bật tăng trong thời gian tới. Theo dự báo, trong vài năm tới số lao động quy tụ về làm việc trong các KCN trên địa bàn huyện Châu Thành có thể lên đến hơn 30.000 người, đều đó cho thấy nhu cầu nhà ở trong thời gian tới tại địa phương sẽ tăng rất mạnh.

Đại diện Tập đoàn Đất Xanh đang đầu tư dự án khu đô thị tại thị trấn Mái Dầm quy mô 97ha tại huyện Châu Thành cho biết, mặc dù chỉ cách trung tâm TP. Cần Thơ khoảng 15 km nhưng thị trường BĐS ở đây còn rất “hoang sơ”, giá đất khá mềm, rất tiềm năng để nhà đầu tư phát triển dự án.

Qua khảo sát của Nhadautu.vn hiện nay đất nền có hạ tầng ở một số khu đô thị tại đây chỉ tầm trên dưới 1 tỷ đồng, rất phù hợp với khả năng tài chính của người có thu nhập trung bình trong khu vực.

Theo TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia tài chính - ngân hàng, Hậu Giang và một số tỉnh khác ở ĐBSCL vẫn còn nhiều tiềm năng phát triển các dự án BĐS vì tại đây vẫn còn ít dự án nhưng nhu cầu sở hữu BĐS có hạ tầng được quy hoạch bài bản hiện đại còn cao. Với tiềm năng, thế mạnh sẵn có, đặc biệt tính lan tỏa kết nối phát triển kinh tế khu vực đang được chú trọng, BĐS nhà ở và BĐS công nghiệp sẽ có nhiều lợi thế phát triển mạnh tại vùng ĐBSCL.

Theo chương trình phát triển nhà ở trên địa bàn tỉnh Hậu Giang đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, chỉ tiêu diện tích nhà ở bình quân toàn tỉnh đạt 26,5m2/người; tổng diện tích nhà ở tăng thêm của tỉnh giai đoạn 2020-2025 đạt 3,87 triệu m2 sàn. Đến năm 2030, diện tích nhà ở bình quân toàn tỉnh đạt 30m2/người; tổng diện tích nhà ở tăng thêm trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2026-2030 đạt 3,56 triệu m2 sàn. Nhu cầu nguồn vốn đầu tư xây dựng nhà ở trong 10 năm tới tại tỉnh Hậu Giang hơn 55.366 tỷ đồng.

Khi mới chia tách từ TP. Cần Thơ, tỉnh Hậu Giang chỉ có 1 đô thị loại IV, 8 đô thị loại V nay đã tăng lên 18 đô thị gồm 1 đô thị loại II (TP. Vị Thanh), 2 đô thị loại III (TP. Ngã Bảy và thị xã Long Mỹ) và 15 đô thị loại V. Tỷ lệ đô thị hóa của tỉnh hiện 28,3%, tăng hơn 10% so với năm 17 năm trước.