Thị trường Singapore - Khó nhưng không phải không thể

Theo Tuấn Linh/Báo Lâm Đồng

Dù là thị trường không hạn chế quốc gia và vùng lãnh thổ để nhập khẩu, nhưng điều mà Singapore quan tâm là chất lượng hàng hóa. Tuy nhiên, theo bà Đỗ Phương Dung - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường Châu Á - Châu Phi (Bộ Công thương), không phải Lâm Đồng không có những cơ hội, triển vọng để tìm kiếm đầu tư, hợp tác thương mại tại đất nước này, đặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp và sản xuất chế biến mà Lâm Đồng đang có nhu cầu.

Sầu riêng là một trong những nông sản của Lâm Đồng đã khẳng định được thương hiệu trong và ngoài nước. Ảnh: Tuấn Linh
Sầu riêng là một trong những nông sản của Lâm Đồng đã khẳng định được thương hiệu trong và ngoài nước. Ảnh: Tuấn Linh

Theo TS. Trần Thu Quỳnh - Tham tán Thương mại Việt Nam tại Singapore, Từ năm 2016 đến 2020, Singapore nhập khẩu nông sản của Việt Nam chủ yếu các mặt hàng như rau củ, trái cây, hạt trái cây rau và các bộ phận khác của cây, cây cảnh, cây hoa cắt cành và lá cũng như gạo và ngũ cốc.

Tất cả các mặt hàng trên đều tăng theo hàng năm và hiện tại rơi vào khoảng 124 triệu USD Singapore (SGD). Nếu tính cả lĩnh vực thủy sản và công nghiệp chế biến khác là 269 triệu SGD mỗi năm. Nhưng cũng theo bà Quỳnh thì con số này khá khiêm tốn, chỉ chiếm khoảng 5% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Singapore, thực sự chưa tương xứng với tiềm năng của Việt Nam cũng như nhu cầu thực tế của Singapore.

Ở chiều ngược lại, có một nghịch lý không mấy dễ chịu, hàng năm, Việt Nam đều phải nhập lại thực phẩm chế biến của Singapore lên tới hơn 400 triệu SGD. Bài toán cho Việt Nam nói chung và cho cả những vùng có tiềm năng như Lâm Đồng nói riêng đó là làm cách nào để nâng cao giá trị nông sản, bởi chúng ta vẫn là nước phải xuất thô, nhập tinh và đáng buồn là lại nhập các mặt hàng chế biến từ Singapore, một đất nước không hề có nông nghiệp.

Cũng tính từ 2016 đến nay, đã có 5 loại trái cây mới của Việt Nam được thị trường Singapore chấp nhận, bao gồm: Vải thiều, ổi (xanh và đỏ), chanh leo, chuối, hồng xiêm (mãng cầu xiêm). Tỉnh tổng tất cả các loại trái cây Việt Nam đã có mặt tại Singapore về giá trị nhập thì vải thiều đứng đầu, sau đó đến thanh long, dừa xiêm, chanh và ớt các loại. Lượng rau Việt Nam xuất sang Singapore hiện tại cũng chỉ chiếm 5% trong tổng số mặt hàng này Singapore nhập khẩu từ các nước trên thế giới.

Việt Nam là 1 trong 4 nước khu vực Đông Nam Á (cùng với Thái Lan, Indonesia, Malaysia) xuất khẩu nông sản đến thị trường Singapore. Tuy nhiên, do chính sách của Singapore chỉ quan tâm đến chất lượng, không hạn chế đến khoảng cách địa lý, vì thế, các nước có nền nông nghiệp phát triển tiên tiến như Mỹ, Australia, Hà Lan, Braxin mới là những quốc gia có mặt hàng nông sản được Singapore nhập khẩu nhiều nhất với đa dạng các mặt hàng.

Trong khi Việt Nam mới chỉ xuất sang Singapore chủ yếu là gạo, thủy sản, trái cây và một số lượng nhỏ rau, củ, quả. Riêng đối với các thực phẩm chế biến như thịt, trứng, sữa và các loại thực phẩm cao cấp khác chúng ta vẫn chưa thâm nhập và được chấp nhận.

Hầu hết các hàng hóa nhập khẩu tại Singapore đều được miễn thuế nhập khẩu trừ 6 dòng thuế liên quan đến rượu bia và các mặt hàng có tác động đến thần kinh. Việc quản lý nhập khẩu được thực hiện theo tiêu chí nhất quán là lý do sức khỏe, an ninh và môi trường.

Để xuất và nhập, cần có đối tác là công ty có trụ sở tại Singapore đóng vai trò nhập khẩu và phân phối, công ty này sẽ thực hiện tất cả các thủ tục nhập khẩu và khai báo hải quan. Việc nhập khẩu cũng tương đối dễ dàng ở thủ tục hành chính với giấy phép nhanh, kho hàng có sẵn. Chính vì những lý do đó, cùng với việc không hạn chế đối tác và sản phẩm nên hiện tại Singapore có khoảng 150 quốc gia là bạn hàng, chỉ tính riêng trong lĩnh vực nhập khẩu nông sản.

Riêng với chứng từ nhập khẩu, phía Singapore cũng chỉ yêu cầu cần phải có hợp đồng, hóa đơn thương mại, vận đơn, giấy phép nhập khẩu và các chứng từ liên quan, như hàng thực phẩm phải có giấy phép của Cơ quan thực phẩm Singapore (SFA); chứng nhận xuất xứ nếu muốn hưởng ưu đãi thuế quan (riêng thực phẩm chiếu xạ phải có chứng từ bổ sung); kiểm tra hàng hóa không bắt buộc thường do SFA kiểm tra xác xuất hoặc do thông tin trình báo. Các mặt hàng như trứng, sữa, gạo, thực phẩm, rau quả thì có các quy định riêng (tìm hiểu tại http://vntradesg.org/en/home/).

Riêng với các mặt hàng mà Lâm Đồng có thế mạnh như rau, củ, quả tươi và trái cây (kể cả hoa tươi) chỉ có thể nhập khẩu sau khi có sự cho phép của SFA. Căn cứ theo Luật Quản lý về thực vật, trái cây tươi và rau quả nhập khẩu của đất nước này thì hàng hóa không được chứa bất kỳ loại thuốc trừ sâu bị cấm hoặc mức độ dư lượng thuốc trừ sâu (được phép sử dụng) và dư lượng hóa chất độc hại vượt quá mức độ quy định tại Biểu thứ Chín của Luật Thực phẩm hoặc khuyến nghị của FAO/WHO.

Mỗi thùng hàng phải được dán nhãn với nội dung sau đây: Tên và địa chỉ của nhà sản xuất; mô tả của sản phẩm. Tất cả các loại rau, quả tươi nhập khẩu đều phải chịu sự kiểm tra của SFA, cơ quan này sẽ lấy mẫu xác xuất và tiến hành kiểm dịch tại phòng thí nghiệm sau đó mới được phép thông quan.

Ở lĩnh vực thực phẩm chế biến, SFA cũng là cơ quan có thẩm quyền cho phép. Doanh nghiệp nhập khẩu phải đảm bảo và cung cấp được giấy tờ chứng minh rằng các sản phẩm nhập khẩu được sản xuất tại cơ sở dưới sự giám sát thích hợp của cơ quan thực phẩm có thẩm quyền tại nước sở tại; trong đó, có một chương trình được SFA chấp nhận.

Riêng các sản phẩm có độ rủi ro cao như đồ uống thì doanh nghiệp phải cung cấp giấy chứng nhận y tế (HSA); kiểm tra lấy mẫu, sau đó đạt tiêu chuẩn mới cho phép tiêu thụ và có thực hiện giám sát sản phẩm sau khi tiêu thị trên thị trường.

Về quy trình nhập khẩu tại Singapore, thủ tục hành chính đơn giản, nhưng nhà chức trách lại yêu cầu phải tuân thủ rất nghiêm ngặt các thành phần nguyên liệu phải được phép sử dụng tại Singapore, sau đó sẽ là các chứng chỉ: ISO, HACCP, Halal, FSCC, Organic, FDA, GMP. Họ cũng kiểm tra báo cáo hàm lượng dinh dưỡng phải khớp với nhãn đính kèm sản phẩm; quy định về tem nhãn nhập khẩu (tên, địa chỉ sản xuất/phân phối, quốc gia sản xuất, các thông số dinh dưỡng và logo chứng chỉ, hướng dẫn sử dụng, ngày sản xuất/hết hạn).

Tất cả những vấn đề trên đều rất quen thuộc với các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam, tuy nhiên có nhiều chi tiết mà doanh nghiệp Việt Nam lại hay mắc lỗi rất nhỏ dẫn đến trả về, đặc biệt là trong một sản phẩm thực phẩm và đố uống chế biến, đó là ghi hạn sử dụng quá ngắn, trong khi theo quy định của các siêu thị Singapore thì hạn sử dụng tối thiểu phải 12 tháng.

Cũng theo Tham tán Thương mại Việt Nam tại Singapore thì chiến lược thị trường nông sản của Singapore giai đoạn 2020 - 2030 dựa trên 3 vấn đề căn bản chủ yếu, đó là: Đa dạng hóa nhập khẩu (tránh phụ thuộc vào nguồn cung, đặc biệt là thoát Mã (Malaysia), thoát Trung (Trung Quốc) cũng như bị đứt gãy bởi Covid-19); năng lực nội sinh (tăng cường năng lực lương thực nội sinh, đảm bảo cơ chế giảm xóc trong trường hợp bất thường); phát triển nguồn cung nước ngoài (khuyến khích và hỗ trợ doanh nghiệp Singapore mở rộng đầu tư trang trại ở nước ngoài). 

Cũng theo TS. Trần Thu Quỳnh, qua khảo sát và tìm hiểu thực tế của Thương vụ Việt Nam tại Singapore thì tại Lâm Đồng cũng đã có một số doanh nghiệp đến đầu tư (trồng cây ớt chuông và các loại rau đặc hữu). Với những chính sách trên của Singapore thì Lâm Đồng hoàn toàn là một điểm đến hấp dẫn thu hút được sự quan tâm đặc biệt của các nhà đầu tư Singapore trong lĩnh vực nông nghiệp và chế biến.