1 tháng nữa sẽ có thông tin chính thức về gói 100.000 tỉ đồng

Theo laodong.com.vn

(Tài chính) Đây là khẳng định của ông Phan Thành Mai – Tổng Giám đốc Ngân hàng Xây dựng (VNBC) - khi trả lời phỏng vấn nhanh của phóng viên ngày 25/2.

Giải pháp bơm tiền cứu thị trường chưa hẳn là giải pháp tối ưu. Nguồn: internet
Giải pháp bơm tiền cứu thị trường chưa hẳn là giải pháp tối ưu. Nguồn: internet

Liên tục trong những ngày gần, đây dư luận xôn xao thông tin về gói hỗ trợ 100.000 tỉ đồng nhằm cứu thị trường bất động sản (BĐS). Một số cơ quan chức năng đã lên tiếng bác bỏ về khả năng Chính phủ “bơm” thêm gói hỗ trợ 100.000 tỉ đồng, trong khi đó từ một nguồn tin lại cho biết, gói hỗ trợ này được phát động từ một ngân hàng thương mại (NHTM) và kêu gọi sự "chung tay" của một số ngân hàng thương mại khác. Thực hư về gói cứu trợ khổng lồ này ra sao, và liệu thị trường BĐS Việt Nam có thực sự được cứu nếu có thêm gói 100.000 tỉ đồng.

"Có sự hiểu nhầm"

TS. Lê Xuân Nghĩa - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh doanh (BDI), nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia - đã khẳng định như trên khi trao đổi với PV. Theo ông, sẽ không có gói hỗ trợ nào của Chính phủ lên tới 100.000 tỉ đồng cả, mà là tới đây Ngân hàng Xây dựng và 4 NHTM quốc doanh sẽ liên minh với nhau thành lập ngân hàng cho vay tái cấp vốn BĐS với một gói tín dụng từ 75.000 - 100.000 tỉ đồng để hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng và nhà ở trong chương trình liên minh 4 nhà gồm: Ngân hàng, nhà sản xuất vật liệu xây dựng, nhà thầu và chủ đầu tư. Đây không phải là gói ưu đãi mà là gói cho vay thương mại, nhưng lãi suất có thấp hơn so với mặt bằng lãi suất trên thị trường.

TS. Lê Xuân Nghĩa phân tích, khi áp dụng liên kết 4 nhà, niềm tin về sự hồi phục của thị trường BĐS sẽ quay trở lại, người dân sẽ tin tưởng hơn, không còn lo tiền nộp vào sẽ bị chủ đầu tư dùng vào việc khác, vì tiền mua vật liệu xây dựng (VLXD) của chủ đầu tư dành cho các công trình xây dựng nhà ở sẽ được ngân hàng giải ngân trực tiếp tới tài khoản của nhà cung cấp VLXD. “Điều này sẽ tránh được tình trạng đồng tiền đi ngang, đi chéo” - ông Nghĩa nói. 

“Đây là động thái cho thấy các NHTM khá năng động. Dự án này được các NHTM quốc doanh hỗ trợ về mặt chủ trương, và 5 ngân hàng đang xúc tiến để thực hiện sao cho nhanh chóng và hiệu quả. Gói tín dụng này vừa tài trợ được cho BĐS, vừa cung ứng VLXD với chất lượng và giá cả ổn định, tin cậy, và về mặt vĩ mô sẽ góp phần làm tăng thêm cầu, giúp thị trường BĐS ấm lên” - ông Nghĩa khẳng định.

Gói tín dụng phục vụ cho nhiều mục đích, trước hết là xây dựng cơ sở hạ tầng, nhà giá thấp. Đặc biệt bất cứ ai có nhà rồi muốn thay đổi, hay có đất chưa có tiền xây... đều có thể vay.

Bơm thêm tiền – bước đi mạo hiểm

Tuy nhiên, trao đổi với phóng viên, khá nhiều chuyên gia và thậm chí cả lãnh đạo doanh nghiệp BĐS đã tỏ ra nghi ngại về tính hiệu quả của biện pháp hè nhau bơm thêm tiền cứu BĐS. Lãnh đạo một DN xây dựng tại TP. Hồ Chí Minh đặt câu hỏi: Hiện gói tín dụng 30.000 tỉ đồng còn đang ì ạch, liệu việc đưa thêm gói 100.000 tỉ đồng có cần thiết hay không? 

“Trên thực tế, dù thị trường BĐS “đóng băng” nhưng giá nhà đất vẫn chưa giảm tới mức phù hợp với nhu cầu của nhiều người chưa có nhà ở. Nay nếu bơm thêm tiền cho BĐS, có khả năng giá nhà đất sẽ tăng lên thì bài toán hài hòa cung - cầu của thị trường sẽ giải quyết bằng cách nào?” - ông này chất vấn.

Đa số chuyên gia đều cho rằng việc cần làm trước mắt là sớm sửa đổi các quy định của gói 30.000 tỉ đồng cho hợp lý hơn để phát huy hiệu quả của gói này, thay vì tiếp tục đưa thêm một gói tín dụng mới. “Việc bơm tiền thêm cho BĐS có thể giải cứu được cho các nhà đầu tư đang “mắc kẹt” ở thị trường này, nhưng chưa hẳn đã có lợi cho việc phát triển thị trường BĐS một cách lành mạnh. Hơn nữa, áp lực lạm phát tăng trở lại trong năm 2014 còn rất lớn, việc bơm thêm tiền cho thị trường BĐS sẽ làm mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô trở nên khó khăn hơn” - ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP. Hồ Chí Minh - nêu quan điểm.

Thực tế vừa qua cho thấy, giải pháp bơm tiền cứu thị trường chưa hẳn là giải pháp tối ưu. Bằng chứng là đến nay gói hỗ trợ 30.000 tỉ mới giải ngân được hơn 3%. Cho tới nay thị trường vẫn chưa có nhiều cải thiện. Một lãnh đạo NHTM quốc doanh cho rằng, đây là bước đi khá mạo hiểm và bài toán lợi ích từ các giải pháp này cần được cân nhắc kỹ. “Cần lưu ý rằng trong 3 năm qua và cả năm 2014, chủ trương của Ngân hàng Nhà nước là tập trung vốn vào 5 lĩnh vực là: Nông nghiệp - nông thôn, doanh nghiệp vừa và nhỏ, công nghiệp hỗ trợ, xuất khẩu, công nghệ cao. Đây là những lĩnh vực được ưu tiên tín dụng phục vụ mục tiêu phát triển bền vững, còn việc khai thông lại vốn cho BĐS chỉ mang tính chất là giải cứu tạm thời” - quan chức này khuyến cáo.

Không nhất thiết phải xin phép cơ quan ngân hàng trung ương

Ông Nguyễn Viết Mạnh-Vụ trưởng Vụ Tín dụng (Ngân hàng Nhà nước)– khẳng định, cho đến nay cơ quan ngân hàng trung ương không hề có bất kỳ đề xuất hay kiến nghị nào liên quan đến gói tín dụng 100.000 tỉ đồng hỗ trợ nhà ở cho người có thu nhập trung bình hay phát triển cơ sở hạ tầng quan trọng.

Theo ông, đến nay cơ quan này chưa nhận được thông tin hay kiến nghị nào từ phía các NHTM liên quan đến gói tín dụng 100.000 tỉ đồng, bao gồm Ngân hàng Xây dựng và 4 ngân hàng: Vietinbank, Vietcombank, BIDV và Agribank. “Có thể thông tin là từ đâu đó thôi”- ông Mạnh nói.

Theo các thông tin mà Vụ Tín dụng nắm được qua báo chí, gói tín dụng trên (nếu có) cũng chỉ là một hoạt động cho vay thương mại thông thường với lãi vay thương mại bình thường và không có chính sách hỗ trợ lãi suất như gói 30.000 tỉ đồng của Chính phủ đang được Ngân hàng Nhà nước và các NHTM quốc doanh triển khai.

“Theo tôi, điểm khác biệt và mới ở đây có thể là thay vì một ngân hàng cho vay trực tiếp tới khách hàng thì nay các ngân hàng ngồi lại với nhau, phối hợp với nhau để đảm bảo dòng tiền, vốn cho vay ra đến đúng địa chỉ, không thất thoát và phát huy đúng hiệu quả của từng đồng vốn theo như mô hình liên kết 4 nhà: Ngân hàng, nhà thầu, nhà cung cấp vật liệu xây dựng và chủ đầu tư”. Vụ trưởng Nguyễn Viết Mạnh cũng bác bỏ thông tin gói tín dụng 100.000 tỉ đồng nói trên có thể được triển khai thông qua đề án thành lập một cơ quan hay ngân hàng tái cho vay thế chấp nhà ở.

Đối với vấn đề pháp lý của gói tín dụng 100.000 tỉ đồng, ông Nguyễn Viết Mạnh cho rằng, đây vẫn là nghiệp vụ cho vay thông thường, các ngân hàng phải cho vay theo đúng các quy định trong hoạt động tín dụng và không nhất thiết phải xin phép cơ quan ngân hàng trung ương.

Trên thực tế theo Vụ trưởng Nguyễn Viết Mạnh, cơ quan này cũng đang nghiên cứu phương án sản phẩm cho vay theo mô hình 4 nhà trên đây nhằm quản lý dòng tiền trong lĩnh vực xây dựng. Dù vẫn đang trong giai đoạn ý tưởng và nghiên cứu song nếu triển khai, toàn bộ dòng tiền từ vốn vay ngân hàng đến chủ đầu tư, tới các đơn vị thi công và các doanh nghiệp cung cấp vật liệu xây dựng sẽ được các ngân hàng giám sát chặt chẽ. “Việc này nhằm đảm bảo dòng vốn được đầu tư hiệu quả, đến đủ, đến đúng đích, tránh thất thoát và sẽ có tác động tích cực đến thị trường bất động sản”.

Cũng liên quan đến thông tin về gói tín dụng 100.000 tỉ đồng, một bất ngờ là chính lãnh đạo của ít nhất 2 NHTM quốc doanh được nhắc đến trong gói này đều không hay biết. “Chúng tôi không nhận được đề nghị triển khai nào và cũng chỉ mới biết thông tin này thông qua báo chí” – Tổng Giám đốc Vietcombank - ông Nghiêm Xuân Thành, cho hay.