ASEAN cảnh giác với nguy cơ khủng hoảng

Theo Đại biểu Nhân dân

Sự phát triển năng động của khu vực Đông Nam Á đi kèm với các vấn đề cố hữu như thâm hụt ngân sách và thương mại, bong bóng kinh tế trong thời gian gần đây đã khiến một số chuyên gia phân tích cảnh báo về sự tích tụ của những yếu tố gần giống như thời kỳ trước khi xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997.

ASEAN cảnh giác với nguy cơ khủng hoảng
Các nước thành viên ASEAN. Nguồn: Internet
Thủ đô Bangkok của Thái Lan đang ăn mừng sự bùng nổ xây dựng, với giá căn hộ chung cư ở hai quận Wacharapon và Sai Mai tang gấp đôi trong vòng ba năm qua. Hàng loạt trung tâm thương mại mọc lên ở khu phố mua sắm Si Lom. Dấu hiệu của đợt bùng nổ này cũng có thể quan sát thấy ở nhiều thành phố khu vực nông thôn, nhất là ở Chiang Mai và nhiều vùng khác. Tính đến cuối năm 2012, đã có hơn 8.000 doanh nghiệp Nhật Bản hoạt động ở thị trường Thái Lan, cùng với hàng nghìn doanh nghiệp khác của Mỹ, châu Âu, Hàn Quốc và Đài Loan.

Ngày 19/3 vừa qua, Chính phủ của Thủ tướng Yingluck Shinawatra đã gây bất ngờ khi công bố kế hoạch xây dựng bốn đường tàu điện cao tốc, trong đó có hai tuyến nối Bangkok với Chieng Mai và Nong Khai, trị giá gần 70 tỷ USD, tương đương 20% GDP Thái. Bộ trưởng Tài chính Kittirat Na Ranong cho rằng, khoản tiền khổng lồ này chủ yếu sẽ vay từ nguồn trong và ngoài nước và trả dần trong 50 năm. Đây chưa phải là kế hoạch chi tiêu mạnh tay duy nhất của Thái Lan. Từ năm 2011, Chính phủ của bà Yingluck đã hào phóng cung cấp các khoản vay có lãi suất thấp, đồng thời đưa ra chính sách thu mua lúa gạo với giá cao hơn thị trường quốc tế từ 40 - 50% cho nông dân. Kết quả là Thái Lan đánh mất vị trí nhà xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới và ngân sách Chính phủ có thể sẽ phải gánh thêm khoản chi tới hơn 2 tỷ USD mỗi năm.

Sự phát triển bùng nổ tiềm tàng nhiều rủi ro cũng có thể quan sát thấy ở Indonesia, nước chiếm tới 40% GDP của cả khối ASEAN. Năm 2012, lần đầu tiên thị trường này tiêu thụ vượt quá 1 triệu xe ô tô, trong khi doanh số bán lẻ thiết bị điện gia dụng đã tăng tới 13% trong tháng giêng vừa qua so với cùng kỳ năm trước. Từ khi Tổng thống Susilo Bangbang Yudhoyono bước vào nhiệm kỳ thứ hai, kinh tế Indonesia dần phát triển ổn định, tiêu dùng cá nhân tăng mạnh và nhờ đó nước này trở thành đầu tàu của khu vực Đông Nam Á. Quốc gia vạn đảo đã ghi nhận mức thặng dư thương mại kỷ lục với hơn 20 tỷ USD trong các năm 2010 và 2011. Tuy nhiên, Indonesia rơi vào thâm hụt tới 1,626 tỷ USD năm 2012, khi xuất khẩu giảm 6,6% so với năm trước do than bán sang Trung Quốc, và hàng hóa xuất khẩu sang châu Âu gặp khó khăn, trong khi nhập khẩu tăng 8% do nhu cầu tiêu dùng và sản xuất trong nước tăng, đặc biệt là của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Chuyển biến này cho thấy Indonesia không thoát khỏi bài toán điển hình của các quốc gia đang phát triển, trong đó nhu cầu trong nước bùng nổ sẽ khiến cho nhập khẩu hàng tiêu dùng và hàng hóa thiết yếu phục vụ sản xuất gia tăng, ảnh hưởng tiêu cực đến cán cân thương mại. Để tránh cho nền kinh tế khỏi phát triển quá nóng do sức ép của nhu cầu trong nước, tháng 6.2012 Chính phủ Indonesia đã ban hành một số quy định mới hạn chế tiêu dùng. Song, bất chấp các biện pháp mạnh, nhu cầu nội địa vẫn tăng, tạo ra hiện tượng lạm phát thắt cổ chai. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 2 vừa qua của nước này tăng 5,3% so với cùng kỳ năm trước, tiến sát giới hạn mà Ngân hàng Trung ương đề ra cho năm nay là khoảng 4,5% ±1. Điều này có thể khiến cho Ngân hàng Trung ương phải đưa ra chính sách thắt chặt tiền tệ.

Thâm hụt ngân sách, thương mại và lạm phát ở Đông Nam Á tương đối cao, nhất là Indonesia và Philippines. Trong đó, thâm hụt ngân sách của Indonesia đã lên đến 1,62% GDP và Philippines là 1,88% GDP năm 2012. Tỷ lệ này thấp hơn nhiều so với các nước phát triển, nhưng có thể sẽ còn tăng do nhiều nước bắt đầu đầu tư vào phát triển hạ tầng và dự án lớn trong năm 2013. Xu hướng này thu hút một lượng lớn vốn đầu tư nước ngoài chảy vào khu vực và điều đó được phản ánh rõ trên thị trường chứng khoán các nền kinh tế có kết quả tăng trưởng tốt năm qua. Từ đầu năm 2012, chỉ số chứng khoán Indonesia, Philippines, Thái Lan và Malaysia liên tục đạt các kỷ lục mới.

Luồng vốn đầu tư nước ngoài lớn, thâm hụt ngân sách và thâm hụt thương mại cao, bong bóng nhà đất, chứng khoán cộng với đầu tư xây dựng ồ ạt – tất cả những dấu hiệu này gợi nhớ lại tình hình các nước Đông Nam Á trước giai đoạn bùng nổ cuộc khủng hoảng năm 1997.

Để tránh tái diễn một cuộc khủng hoảng mới, ASEAN cũng như các nền kinh tế Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Hong Kong đã thông qua Sáng kiến Hoán đổi tiền tệ đa phương Chiang Mai. Các nước ASEAN cũng cố gắng thu hẹp thâm hụt thương mại và tăng dự trữ ngoại hối. Tuy nhiên, dù cơ chế ổn định tài chính của khối đã được tăng cường, cơ chế này sẽ phải chứng tỏ khả năng chống chịu sự tấn công ồ ạt của các quỹ đầu cơ.

Một mối de dọa tiềm tàng khác của cả ASEAN, Trung Quốc và Hàn Quốc là sự xuống giá của đồng yen Nhật. Yếu tố này, thật không may, cũng giống với tình hình năm 1997. Khi đó, đồng yen đã giảm giá từ 94 yen ăn một USD năm 1995 xuống còn 108 yen ăn một USD năm 1996, thậm chí là 120 yen ăn một USD vào thời điểm ngay trước khủng hoảng. Hiện nay, đồng yen mất giá làm tăng sức cạnh tranh của Nhật Bản, song điều này có nguy cơ làm cho sức cạnh tranh của những nước trên suy giảm, kéo theo sự sụt giảm xuất khẩu và sản xuất công nghiệp, cuối cùng là dẫn tới khả năng các nhà đầu tư rút vốn.

Tác động của một cuộc khủng hoảng kinh tế nếu xảy ra sẽ lớn hơn nhiều so với lần trước, do hiện nay kinh tế Trung Quốc gắn chặt với các nước ASEAN. Các nhà đầu tư lo ngại bất cứ bong bóng kinh tế nào trong ASEAN vỡ cũng sẽ gây phản ứng dây chuyền tới Trung Quốc và lan ra cả các nước xuất khẩu tài nguyên lớn như Brazil, Nga, Canada, Australia và có thể tạo ra cú sốc không khác vụ sụp đổ tập đoàn Lehman Brothers của Mỹ năm 2008.

Nền kinh tế ASEAN có tiềm năng tăng trưởng lớn là điều không thể phủ nhận, nhưng nó cũng tồn tại nhiều điểm yếu trong cấu trúc. Các nhà lãnh đạo ASEAN cần nhận thức đầy đủ các rủi ro tiềm ẩn, những yếu tố có khả năng đe dọa tương lai của khu vực để có biện pháp ngăn chặn khủng hoảng.