Bảo lãnh để bảo vệ quyền lợi người mua nhà

Theo daibieunhandan.vn

(Tài chính) Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua đã quy định chủ đầu tư dự án phải được tổ chức tài chính, tổ chức tín dụng bảo lãnh việc bán, cho thuê nhà ở hình thành trong tương lai. Quy định này nhằm bảo vệ quyền lợi của người mua nhà, góp phần lành mạnh hóa thị trường bất động sản.

Bảo lãnh để bảo vệ quyền lợi người mua nhà
Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Người góp tiền mua nhà ở bằng hợp đồng trên giấy rất dễ gặp rủi ro, vì chủ đầu tư là người cầm đằng chuôi. Người mua nhà ở thế bị động và chỉ biết hy vọng vào năng lực thực hiện được chủ đầu tư quảng cáo. Trong thời gian vừa qua, nhiều nhà đầu tư thấy lợi nhuận của thị trường bất động sản cao nên đã chuyển đầu tư dưới hình thức tay không bắt giặc, triển khai dự án chủ yếu dựa vào số tiền đóng của khách hàng. Do tiềm lực tài chính không có nên không ít nơi rơi vào tình trạng khởi công rồi để đấy, hoặc chỉ thực hiện một số hạng mục vì thúc ép của cơ quan chức năng.

Trước thực tế này, Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) đã đưa ra quy định: chủ đầu tư dự án nhà ở phải có sự bảo lãnh của tổ chức tài chính hoặc tín dụng mới được thực hiện việc bán, cho thuê nhà. Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Trọng Hòa cho rằng, quy định này sẽ ràng buộc các doanh nghiệp bất động sản hoạt động quy củ hơn, tăng trách nhiệm và sự uy tín trên thị trường. Thực tế, hiện chỉ có các dự án nhà ở quy mô lớn như khu đô thị Phú Mỹ Hưng, khu đô thị Time City, Royal City... đang được đầu tư có trách nhiệm, với việc triển khai tu sửa, dọn dẹp, bảo vệ. Nhiều dự án nhỏ lẻ, nhà bán xong là chủ đầu tư bỏ mặc người ở, buộc người dân và chính quyền địa phương phải tự lo. 

Tuy nhiên, việc đưa chế định bảo lãnh sẽ khiến cơ hội tham gia thị trường bất động sản thu hẹp lại đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa. Bởi việc đứng ra bảo lãnh cũng có nghĩa các tổ chức tài chính, ngân hàng sẽ phải cùng chịu trách nhiệm với chủ đầu tư khi thực hiện công trình. Vì thế, các tổ chức, ngân hàng sẽ sàng lọc kỹ càng, không thể có tình trạng tay không bắt giặc. Nói cách khác, nếu áp dụng ngay quy định này cũng có nghĩa nhiều doanh nghiệp bất động sản có thể sẽ phải rời thị trường. Đại diện Hiệp hội xây dựng TP. Hồ Chí Minh đề nghị, cần có lộ trình cho các doanh nghiệp tự hoàn chỉnh, nếu nhỏ quá sẽ sát nhập và hợp tác với các doanh nghiệp khác để đủ điều kiện thực hiện các dự án bất động sản theo quy định của Luật.

Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam, bảo lãnh là quy định cần thiết để góp phần giảm nguồn cung ảo, cũng như những dự án mà trên thực tế sẽ khó hoàn thành hoặc chậm tiến độ kéo dài. Mặt khác, nếu cho phép giao dịch nhà ở hình thành trong tương lai mà không có điều kiện bảo đảm thì tranh chấp sẽ xảy ra nhiều hơn, trong khi không có cơ sở để bảo đảm sẽ giúp phá băng cho thị trường bất động sản. Nhiều tiêu cực trong thời gian qua như nợ xấu, khiếu kiện, tranh chấp giữa chủ đầu tư với khách hàng... đều là do mua bán nhà trên giấy mà ra.

Kinh doanh tài sản hình thành trong tương lai đã được chấp thuận tại nhiều quốc gia trên thế giới và góp phần tạo một kênh huy động vốn cho lĩnh vực này. Song, để bảo vệ quyền lợi của người mua nhà, cũng như giúp lành mạnh thị trường bất động sản, Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) đã quy định hoạt động này phải được bảo lãnh. Đã đến lúc các nhà đầu tư nhà ở cần làm thật, bán thật, phù hợp với đúng năng lực tài chính của mình.