Bất cập khi sổ đỏ sẽ ghi tên các thành viên trong gia đình

Thanh Sơn

Thông tư số 33/2017/TT-BTNMT của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) sẽ ghi tên các thành viên trong gia đình cùng sử dụng đất sẽ có hiệu lực từ ngày 05/12/2017. Tuy nhiên, nếu áp dụng sẽ gặp rất nhiều bất cập trong các giao dịch.

Sẽ phải giải quyết rất nhiều phát sinh khi áp dụng việc ghi tên các thành viên trong gia đình cùng sử dụng đất. Nguồn: internet
Sẽ phải giải quyết rất nhiều phát sinh khi áp dụng việc ghi tên các thành viên trong gia đình cùng sử dụng đất. Nguồn: internet
Đây được coi là điểm mới, khi xác định là khối tài sản chung cả gia đình nhằm mục tiêu tránh những tranh chấp, kiện cáo phát sinh, đồng thời sẽ giảm bớt tình trạng tranh chấp pháp lý, loại bỏ tình trạng lừa đảo trong chuyển nhượng quyền sử dụng đất.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cũng cho rằng, quy định mới này sẽ gây ra nhiều bất lợi trong khi thực hiện, bởi lẽ việc đóng góp hình thành khối tài sản chung là khác nhau giữa các thành viên trong gia đình, do đó việc xác định tỷ lệ đóng góp trong khối tài sản chung này sẽ phức tạp.
Theo quy định tại Điều 27 Luật Hôn nhân gia đình, quyền sử dụng đất mà vợ chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung của vợ chồng và Mục 3 Nghị quyết 02/2000 ngày 23/12/2000 quy định trong trường hợp tài sản thuộc sở hữu chung của vợ chồng mà pháp luật quy định phải đăng ký quyền sở hữu mà trong Giấy chứng nhận quyền sở hữu chỉ ghi tên vợ hoặc chồng nếu không có tranh chấp thì tài sản đó là tài sản chung của vợ chồng, nếu có tranh chấp thì phải chứng minh được đó là tài sản riêng, không chứng minh được thì tài sản đó là tài sản chung của vợ chồng. Nếu theo quy định này thì khi thành tài sản chung của vợ chồng sẽ ghi tên các thành viên trong hộ gia đình và tài sản thành đồng sở hữu.
Việc này sẽ xảy ra tranh chấp về tài sản khi xảy ra mâu thuẫn trong gia đình. Khi đó, sẽ ưu tiên giải quyết theo thỏa thuận giữa các bên; trong trường hợp các bên không có thỏa thuận hoặc không thỏa thuận được thì sẽ giải quyết theo quy định của Bộ luật Dân sự và các quy định khác của pháp luật có liên quan trên cơ sở bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các thành viên.
Việc giải quyết tranh chấp tài sản sẽ áp dụng nguyên tắc tài sản riêng của ai thì thuộc quyền sở hữu của người đó; Tài sản chung cùng tạo lập mà không thể tự thỏa thuận việc chia tài sản thì Tòa án sẽ xem xét dựa trên công sức đóng góp của mỗi bên trên cơ sở bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của đồng sở hữu. Tuy nhiên, việc xác định công sức đóng góp cũng sẽ hết sức khó khăn.
Bên cạnh đó, người chủ sở hữu tài sản này muốn giao dịch phải xin ý kiến của những người không có tý đóng góp nào. Ví dụ như một thành viên trong gia đình được nhận thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật, thì các thành viên khác trong gia đình không thể ghi vào là chủ tài sản. Hoặc khi giao dịch thế chấp bất động sản với ngân hàng sẽ phải có các thành viên trong sổ đỏ đồng ý mới thực hiện được...