Bất chấp khó khăn, thị trường bất động sản cuối năm vẫn được dự báo lạc quan

Theo Lệ Ánh/reatimes.vn

Bước qua 8 tháng đầu năm 2019, giới quan sát đã đặt ra e ngại trước bức tranh chững lại của thị trường bất động sản khi khó khăn đang chồng chất. Tuy nhiên, nhiều dự báo vẫn cho rằng, cuối năm 2019, thị trường bất động sản sẽ vẫn có diễn biến đầy lạc quan.

Nhiều dự báo vẫn cho rằng, cuối năm 2019, thị trường bất động sản sẽ vẫn có diễn biến đầy lạc quan. Nguồn: internet
Nhiều dự báo vẫn cho rằng, cuối năm 2019, thị trường bất động sản sẽ vẫn có diễn biến đầy lạc quan. Nguồn: internet

Sự chững lại của thị trường bất động sản

Ngay từ thời điểm đầu năm, thị trường bất động sản 2019 đã được dự báo sẽ là một năm nhiều thách thức. Thông tư 36 về siết tín dụng của Ngân hàng Nhà nước đã trở thành trở ngại lớn đầu tiên cho thị trường khi vốn chảy vào lĩnh vực này sẽ trở nên chặt chẽ và khắt khe hơn.

Ngay sau sự phát triển nóng năm 2018, thị trường bất động sản đã phải đối mặt với cuộc rà soát mạnh mẽ từ phía cơ quan quản lý Nhà nước. Điển hình của cuộc rà soát trên diện rộng các dự án ở TP. Hồ Chí Minh khiến 7 dự án của Novaland bị “đóng băng” vào tháng 1/2019. Dù đã có lệnh hủy “đóng băng” song doanh nghiệp địa ốc này đã bị bốc hơi 7.000 tỷ đồng. Không chỉ có Novaland mà rất nhiều doanh nghiệp địa ốc khác chịu ảnh hưởng từ cuộc rà soát của chính quyền địa phương. Nhiều dự án bị dừng lại tiến độ thi công vì vướng thủ tục đăng ký, trong khi đó có dự án đã vào bàn giao cũng buộc phải tạm hoãn. Các dự án cấp phép mới trở nên “nhỏ giọt” khiến số lượng cung sản phẩm chào hàng giảm gấp 3 - 4 lần so với năm 2018.

Sự cộng hưởng của chính sách siết chặt tín dụng và rà soát pháp lý trên diện rộng của chính quyền địa phương được đánh giá là 2 khó khăn chính tác động lớn đến thị trường bất động sản. Để rồi, trải qua hơn 2 quý, thị trường có giá trị vốn hóa cao nhất đang được đánh giá là bị chững lại khi nguồn cung ra hàng dự án mới hiếm hoi, tính thanh khoản của các sản phẩm bất động sản đang sụt giảm nghiêm trọng.

Thị trường bất động sản đang được nhận định bởi hai luồng quan điểm khác nhau. Thứ nhất, nhiều ý kiến cho rằng, với việc hạn chế nguồn cung ra thị trường, thì dự báo trong thời gian tới, cung sản phẩm sụt giảm, đẩy tình trạng gom hàng và đầu cơ gia tăng. Khi hàng hóa khan hiếm trên thị trường, giá bất động sản tăng thì thị trường có thể đối mặt với tình trạng bong bóng.

"Có thể cuối năm 2019 và sang năm 2020 thị trường sẽ có những hoạt động sôi động mới, phát triển tốt hơn". 

Ông Nguyễn Hoàng - Giám đốc Bộ phận R&D DKRA Việt Nam

Trong khi đó, luồng quan điểm còn lại cho rằng, thị trường bất động sản đang được đánh giá là mất cân đối, khi có phân khúc đang dư thừa nguồn cung và có phân khúc đang thiếu hụt trầm trọng. Đáng lo ngại đó là nhu cầu về nhà ở thực đã sụt giảm sẽ có thể đẩy thị trường vào tình trạng khó khăn chồng khó khăn.

Khách quan thấy rằng, dù ở hướng nhận định nào, thị trường bất động sản vẫn đang ở trong tình trạng đáng quan ngại khi diễn biến ở thời điểm hiện tại còn nhiều gam màu xám. Nhất là hiện tại, lãi suất cho vay bất động sản đang có chiều hướng gia tăng.

Bất động sản cuối năm 2019 sẽ về đâu?

Bất chấp những lo ngại ở hiện tại, bất động sản 4 tháng cuối năm vẫn được dự báo đầy lạc quan. Không xảy ra bong bóng bất động sản là nhận định của nhiều chuyên gia.

Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, cuộc rà soát của chính quyền địa phương sẽ góp phần tạo ra sự thanh lọc cho thị trường bất động sản, giảm rủi ro đáng kể. Vị chuyên gia này cũng nhấn mạnh, bất động sản giai đoạn cuối năm 2019 và đầu năm 2020 sẽ không thể xảy ra bong bóng. Thị trường có thể sẽ vận động theo chiều hướng ổn định và lành mạnh hơn.

Còn theo ông Trần Đức Vinh - Tổng Giám đốc Trần Anh Group, mặc dù nguồn cung sụt giảm mạnh nhưng tính thanh khoản được đánh giá khá tốt, nhu cầu về các loại bất động sản nhà ở trong phân khúc hạng C vẫn còn rất cao, đặc biệt là tại các đô thị lớn và các khu hành chính - kinh tế mới.

Trên cơ sở đó, ông Vinh lạc quan cho rằng, thị trường bất động sản những tháng cuối năm 2019 sẽ tiếp tục phát triển ổn định, nhất là các đô thị vệ tinh của TP. Hồ Chí Minh, nơi còn quỹ đất lớn và giá còn mềm như: Long An, Bình Dương, Đồng Nai... Bức tranh bất động sản cuối năm 2019 vẫn có những gam màu sáng và đang được kỳ vọng sẽ tạo ra những dấu hiệu tích cực.

Ông Nguyễn Hoàng - Giám đốc Bộ phận R&D DKRA Việt Nam cũng đưa ra nhận định tích cực: “Có thể cuối năm 2019 và sang năm 2020 thị trường sẽ có những hoạt động sôi động mới, phát triển tốt hơn. Mới đây, trong lần làm việc giữa UBND TP. Hồ Chí Minh cùng với cơ quan chức năng, chính quyền đã có chỉ đạo tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong việc phê duyệt cấp phép cho các dự án. Cá nhân tôi cũng hy vọng nửa cuối năm 2019 sẽ có những dấu hiệu tích cực hơn, qua đó nguồn cung sẽ dồi dào hơn để đáp ứng nhu cầu của thị trường”.

Trong khi đó, TS. Đinh Thế Hiển, chuyên gia kinh tế vẫn khẳng định rằng, dù còn nhiều khó khăn nhưng bất động sản vẫn là kênh đầu tư tốt đáng tin cậy.