Bất động sản 2016: Sự góp mặt của các dự án quy mô lớn

Theo tapchithue.com.vn

Những dấu hiệu tích cực của thị trường bất động sản (BĐS) 2015 sẽ tiếp tục duy trì trong năm 2016 khi thị trường đón nhận hàng loạt dự án lớn của các tập đoàn đầu tư có tên tuổi trong nước như: Vingroup, Sun Group, BIM Group, NovaLand, Him Lam, FLC, TNR Holdings… Điểm nổi bật của thị trường BĐS năm mới là sự lớn mạnh của khối DN tư nhân, công ty cổ phẩn với nhiều dự án hứa hẹn sẽ là những “thành phố mới” tại các trung tâm đô thị lớn.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Nhiều dự án tỷ đô bung hàng

Những ngày đầu tiên của năm mới 2016, thị trường BĐS đã chứng kiến sự ra mắt ngoạn mục của khu đô thị Vinhomes Gardenia tại Mỹ Đình (Hà Nội) của Tập đoàn Vingroup.. Dự án có quy mô 17,6 hecta được quy hoạch đối xứng qua trục đường Hàm Nghi, hướng ra sông Nhuệ và Đại lộ Thăng Long. Vinhomes Gardenia gồm 2 phân khu nhà ở là khu căn hộ - The Arcadia nằm tại trục đường chính Hàm Nghi, gồm 3 tòa chung cư và phân khu thấp tầng The Botanica gồm hệ thống biệt thự liền kề, nhà phố thương mại Shophouse và biệt thự song lập nằm dọc hai bên trục cảnh quan chính, với tổng vốn đầu tư gần 5 nghìn tỷ đồng.

Tuy nhiên, Vinhomes Gardenia chỉ là một trong số 3 dự án mà Vingroup đang phát triển ở phía Tây Hà Nội. Ở cửa ngõ Trung Hòa - Nhân Chính, Vingroup đã thâu tóm 2 dự án lớn, bao gồm khu phức hợp 4,5ha ở ngã tư Khuất Duy Tiến - Trần Duy Hưng và khu đô thị 39ha ở trước Trung tâm Hội nghị quốc gia. Đó là chưa kể đến một khu đô thị khác nằm trên đường Nguyễn Trãi đã được phê duyệt quy hoạch.

Cùng với các công trình của Vingroup, các dự án quy mô “ngàn tỷ” khác tại Hà Nội sẽ tiếp tục “bung hàng” trong năm 2016, có thể kể đến khu đô thị Goldmark City của TNR Holdings với gần 5.000 căn hộ tại Cầu Diễn và Goldsilk Complex với gần 800 căn hộ tại Hà Đông. TNR Holdings mới đây còn tiếp tục cho ra mắt khu căn hộ Goldsilk Season tại quận Thanh Xuân với quy mô 1.600 căn hộ.

Loạt dự án của FLC như: FLC Complex 36 Phạm Hùng, FLC Twin Towers 265 Cầu Giấy, FLC Garden City (quận Bắc Từ Liêm) hay FLC Star Tower tại quận Hà Đông và hàng loạt những dự án khác đang được triển khai ở quận Nam Từ Liêm và Hà Đông như HD Mon City (2.500 căn hộ và nhà liền kề), Season Avenue (1.300 căn hộ), Ecolife Capitol (800 căn hộ) và Landmark 51 (700 căn) ước tính sẽ cung cấp nguồn cung căn hộ cực lớn cho Hà Nội trong năm 2016.

Phát biểu tại hội thảo dự báo xu hướng BĐS Việt Nam 2016, TS Trần Kim Chung, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương nhận định: năm 2015, thị trường BĐS đã phát triển lên một tầm mức mới theo hướng chuyển từ giai đoạn tiền tệ sang tài chính hóa, tỏ rõ sự tới hạn của dư nợ tín dụng.

Các chủ thể đầu tư cũng đã có những bài học về sự phụ thuộc vào lượng tín dụng của hệ thống ngân hàng thương mại. Một số chủ thể đã vận dụng thành công các công cụ, các nguồn tài chính mới. Các sản phẩm tài chính hỗ trợ thị trường đã dần hình thành. Nhờ đó, quy mô dự án BĐS không ngừng gia tăng. Số dư tín dụng của hệ thống ngân hàng cho thị trường cũng tăng cao với hàng loạt chương trình linh hoạt đã được áp dụng.

Còn dư địa cho tăng trưởng

Dưới góc độ của chuyên gia tài chính, TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, chuyển biến của kinh tế thế giới và xu hướng hợp tác quốc tế có sẽ có những tác động quan trọng tới thị trường BĐS Việt Nam, bao gồm cả yếu tố tích cực và tiêu cực, trong đó yếu tố tích cực vẫn chiếm ưu thế. Theo đó, nhìn chung, người dân và DN sẽ lấy tiền đồng đầu tư vào BĐS vì đây là kênh đầu tư hấp dẫn hiện nay nếu như nắm bắt được cơ hội và có chiến lược kinh doanh phù hợp.

Phân tích về cơ hội của nhà đầu tư BĐS trong năm 2016, TS Cấn Văn Lực - chuyên gia kinh tế của Ngân hàng BIDV nhấn mạnh, thị trường Việt Nam đứng trước cơ hội có luồng vốn lớn từ các hiệp định tự do thương mại đã, đang và sắp ký kết. Đây là một trong những thời điểm thuận lợi chưa từng có của thị trường BĐS Việt Nam.

Theo đó, một số phương thức đầu tư mới, công cụ tài chính mới như timeshare, tái thế chấp, quỹ tiết kiệm tương hỗ có nhiều cơ hội xuất hiện và đi vào thực hiện dưới tác động của các chủ đầu tư nước ngoài - những chủ thể có kinh nghiệm và năng lực triển khai các hình thức này. Vì thế, thị trường BĐS còn dư địa lớn để phát triển.

Có nhiều quan điểm khác nhau về nguyên nhân dẫn đến sự phục hồi của thị trường BĐS thời gian gần đây, tuy nhiên, hầu hết các chuyên gia đều đồng tình với đánh giá, kết quả phục hồi của thị trường trong năm 2015 là bền vững và xu hướng này sẽ tiếp tục trong năm 2016. Theo TS. Trần Kim Chung, ngoài các chính sách hỗ trợ của Chính phủ phát huy hiệu quả thì việc dòng tiền từ ngân hàng đã mạnh dạn trở lại với thị trường là một trong những yếu tố giúp thị trường BĐS hồi phục.

“Mặc dù dòng tiền chảy mạnh vào BĐS đã làm dấy lên những lo ngại về tình trạng bong bóng xảy ra. Tuy nhiên, khác với giai đoạn trước, sự tăng trưởng của thị trường hiện nay có yếu tố bền vững hơn vì kinh tế vĩ mô đã dần ổn định trở lại, còn các chủ đầu tư ít phụ thuộc vào nguồn vốn ngân hàng cũng như các nhà đầu tư khác” – TS Trần Kim Chung nói.