Bất động sản 2017: “Khỏe” nhất sẽ là biệt thự, liền kề

Theo thoibaokinhdoanh.vn

Tổng hợp nhanh về thị trường hai tháng gần nhất, VnREA đúc kết rằng năm 2016, thị trường bất động sản (BĐS) đã có bước phát triển vững chắc, ổn định. Các phân khúc đều phát triển mạnh mẽ, nhất là phân khúc nhà ở cao cấp và bất động sản du lịch. Dự báo năm 2017, Hiệp hội đánh giá, biệt thự, liền kề là phân khúc có sức khỏe tài chính tốt nhất.

Dòng nhà phố, biệt thự tiếp tục có những chuyển biến mạnh mẽ nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường. .Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Dòng nhà phố, biệt thự tiếp tục có những chuyển biến mạnh mẽ nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường. .Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Theo báo cáo của VnREA, năm 2016, lượng giao dịch BĐS thành công có sự sụt giảm, tính chung cả Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh có khoảng 30.565 giao dịch – chỉ bằng 80% của năm 2015.

Đặc biệt, chất lượng, giá trị các giao dịch tăng lên đáng kể do nguồn cung phần lớn tập trung vào phân khúc cao cấp và BĐS du lịch. Ở thông số tồn kho, tính đến ngày 20/11/2016, tổng giá trị hàng tồn kho BĐS còn khoảng 31.842 tỷ đồng, so với quý I/2013 giảm 96.706 tỷ đồng (giảm 75,23%), so với tháng 12/2015 giảm 19.047 tỷ đồng (giảm 37,43%). Trong đó, “tỷ trọng tồn kho đất nền nhà ở là nhiều nhất” với 3.765.611 m2 (tương đương 14.325 tỷ đồng).

Tương lai rộng mở, bất chấp tồn kho

Dự báo tổng quan về thị trường BĐS 2017, địa ốc chưa xuất hiện các “cú huých” mạnh đủ để tạo tăng trưởng đột biến trong lĩnh vực BĐS. Tuy nhiên sự năng động, quyết tâm của Chính phủ và thị trường trong việc điều chỉnh cơ cấu hàng hóa, phát triển nhà ở xá hội và nhà ở hạng tiêu chuẩn (phân khúc trung bình), đa dạng hóa nguồn tín dụng vào thị trường, đồng thời sự phát triển tiếp của phân khúc BĐS du lịch sẽ tạo nên sức hấp dẫn của thị trường năm 2017.

Đáng chú ý, theo VnREA, dòng nhà phố, biệt thự tiếp tục có những chuyển biến mạnh mẽ nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường. Các chủ đầu tư hiện nay đang xây dựng những dự án biệt lập với tiện nghi hiện đại đáp ứng mọi nhu cầu của người tiêu dùng.

Giai đoạn đầu mở bán, hầu hết sản phẩm đưa ra thuộc nhóm nhà phố thích hợp với phần lớn khả năng tài chính của những gia đình trẻ. Những người thật sự có nhu cầu sinh sống cũng chiếm lượng mua không nhỏ với nhóm nhà phố, biệt thự. Nguyên nhân là do những nhà đầu tư và các cá nhân đầu cơ ít tham gia vào phân khúc này, dẫn tới nhu cầu vay thấp hơn. Vì thế, đây được xem là mô hình nhà ở có tài chính “khỏe mạnh”.

Bất động sản 2017: “Khỏe” nhất sẽ là biệt thự, liền kề - Ảnh 1

Biệt thự, liền kề sẽ có mức tài chính "khỏe mạnh"

Loại hình BĐS này cũng được hưởng lợi khá lớn từ những cải thiện của cơ sở hạ tầng và việc kết nối đến trung tâm thành phố đang ngày càng thuận lợi hơn.

Dự báo, trong năm 2017, phân khúc nhà phố, biệt thự vẫn tiếp tục có những diễn biến tích cực trên thị trường do tâm lý của người mua nhà Việt Nam phần lớn vẫn thích có một căn nhà độc lập hơn là sống trong chung cư cao tầng Năm 2017, nhà ở hạng tiêu chuẩn (phân khúc trung bình) sẽ có điều kiện phát triển xứng với tiềm năng của phân khúc này. Đồng thời, phân khúc nhà ở xã hội sẽ được tạo điều kiện phát triển do có sự vào cuộc của Chính phủ, các tổ chức và doanh nghiệp.

Nhà ở cao cấp biến động đa chiều

Hiệp hội dự báo “phân khúc nhà ở cao cấp trong năm 2017 sẽ có biến động đa chiều”. Cụ thể, tác động của chính sách qua việc phân loại sản phẩm tiêu chuẩn, cao cấp… sẽ ảnh hưởng đến các dự án, sản phẩm BĐS đang được gọi là cao cấp.

Những sản phẩm thực sự cao cấp, với các dịch vụ, tiện ích cao cấp đồng bộ cùng trách nhiệm cao của chủ đầu tư sẽ tồn tại và phát triển tốt. Ngược lại, những sản phẩm đang gọi là cao cấp nhưng chủ đầu tư chưa đạt đến trình độ quản lý cao cấp, chưa xác định đầy đủ trách nhiệm và nguồn lực, bản thân sản phẩm chưa hội tụ đủ các điều kiện cao cấp cũng như chưa có đủ các dịch vụ, tiện ích tương xứng… sẽ cần có sự thay đổi và điều chỉnh cho phù hợp.

Cuối cùng, BĐS nghỉ dưỡng, du lịch – phân khúc được cho là “thỏi nam châm” hút quan tâm đầu tư của nhiều thương hiệu doanh nghiệp mạnh gần đây – cũng nhận được dự báo tích cực.

Theo đó, thị trường này sẽ tiếp tục phát triển mạnh với sự tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài, người dân Việt Nam tầng lớp trung lưu nhờ tiềm năng du lịch đang lớn.

Về nguồn vốn cho phát triển BĐS, FDI vẫn chiếm tỷ trọng cao, vốn tín dụng trong nước là nguồn lực chủ yếu, vốn trong dân, kiều hối sẽ được huy động nhiều hơn, nhất là đầu tư vào phân khúc du lịch, nghỉ dưỡng.