Bất động sản bán lẻ: Hút nhà đầu tư ngoại

Theo Thời Báo Ngân hàng

Mặc dù nền kinh tế vẫn chưa hoàn toàn hồi phục, thị trường bất động sản (BĐS) nói chung đang đóng băng nhưng thị trường bán lẻ vẫn tiếp tục thu hút các nhà bán lẻ trong nước và quốc tế. Điều này cho thấy nhiều nhà bán lẻ vẫn tin tưởng vào triển vọng của thị trường bán lẻ Việt Nam.

Bất động sản bán lẻ: Hút nhà đầu tư ngoại
Trung tâm thương mại có vị trí tốt vẫn “đắt hàng”. Nguồn:Internet

Bất động sản bán lẻ vẫn “sống khỏe” trong thời điểm khó khăn

Sản xuất đình đốn, tồn kho tăng ảnh hưởng đến thu nhập của người lao động. Nhưng tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 4 tháng đầu năm ước vẫn đạt 849,9 nghìn tỷ đồng, tăng 11,8% so với cùng kỳ năm 2012.

Trong đó, kinh doanh thương nghiệp chiếm tỷ trọng lớn nhất với 76,9%, đạt 653,2 nghìn tỷ đồng, tăng 10,6% so với cùng kỳ năm trước. Bán lẻ truyền thống vẫn thống trị, bán lẻ hiện đại mới chiếm khoảng 20% trên cả nước.

Dự kiến, đến năm 2020, Việt Nam sẽ nâng tỷ lệ này lên 45% cho thấy mặt bằng bán lẻ sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển thị trường BĐS. Bằng chứng là các nhà đầu tư quốc tế vẫn tiếp tục tìm kiếm cơ hội tham gia vào thị trường này, đặc biệt đối với các BĐS tại khu vực trung tâm.

Theo báo cáo thị trường BĐS của Knight Frank quý I/2013, dự án Vincom Mega Mall Royal City (tại Hà Nội) đã có hơn 80% trên tổng diện tích 230.000m2 được khách đăng ký và đặt thuê. Đạt được thành công này có thể do dự án tọa lạc tại vị trí khá tốt, kết nối khu trung tâm Hà Nội và khu vực mở rộng của thủ đô - Hà Đông.

Trung tâm mua sắm Pico Plaza, quận Tân Bình (TP. Hồ Chí Minh) vừa chính thức đi vào hoạt động cũng đạt được tỷ lệ thuê/cam kết thuê khá cao đạt khoảng 90%. Hệ thống FPT Shop đã chính thức khai trương cửa hàng thứ 60 trên phạm vi toàn quốc trên đường Trần Hưng Đạo, quận 5.

Starbucks Coffee, nhãn hiệu cà phê hàng đầu của Mỹ cũng đã khai trương cửa hàng đầu tiên tại khách sạn New World, quận 1. Hiện, Starbucks Coffee dự kiến sẽ sớm công bố cửa hàng thứ hai cũng tại quận này. Trung tâm mua sắm Icon 68 (Bitexco Financial Tower) đã chính thức hoạt động.

Giá thuê trung bình của các dự án bán lẻ tại TP. Hồ Chí Minh tăng khoảng 2% so với quý trước. Tuy nhiên, giá thuê trung bình của toàn thị trường lại giảm khoảng 6% so với cùng kỳ năm trước. Phần lớn nhu cầu tìm kiếm mặt bằng là từ các nhà bán lẻ trong lĩnh vực ăn uống (F&B) và siêu thị đang có nhu cầu mở rộng hệ thống chuỗi cửa hàng.

Bên cạnh đó, vẫn có dự án như Mipec Mall, trước đây có tên gọi là Pico Mall, đang trải qua giai đoạn tái lựa chọn thương hiệu và định vị lại dự án chuyên sâu dù nằm trên con đường Tây Sơn sầm uất của Hà Nội.

Mặc dù nền kinh tế vẫn chưa hoàn toàn hồi phục, thị trường BĐS nói chung đang đóng băng nhưng thị trường bán lẻ vẫn tiếp tục thu hút các nhà bán lẻ trong nước và quốc tế như: Metro Cash & Carry (Đức), Casino Group (Pháp), Circle K (Mỹ), Zen Plaza, Family Mart, Ministop (Nhật), Diamond Plaza, Lotte Mart (Hàn Quốc), Dairy Farm (Hồng Kông), Gouco Group (Hà Lan)… Điều này cho thấy nhiều nhà bán lẻ vẫn tin tưởng vào triển vọng của thị trường bán lẻ Việt Nam.

Để ngỏ thị trường nông thôn

Hiện các nhà bán lẻ vẫn chỉ tập trung ở khu vực trung tâm quận 1, TP. Hồ Chí Minh, quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) hoặc những khu dân cư mới sang trọng và đẳng cấp như quận 2, 7 (TP. Hồ Chí Minh) và quận Mỹ Đình, Từ Liêm (Hà Nội).

Nguyên nhân cơ bản là do sự thiếu da đạng về các chủng loại hàng hóa, các dịch vụ gia tăng nhằm phục vụ nhu cầu giải trí của khách hàng như rạp hát, khu vui chơi, nhà hàng… và sự hình thành những khu phố mua sắm liên tiếp nhau. Thêm nữa phát triển mặt bằng bán lẻ tại đây còn phải được kết hợp đồng bộ với việc xây dựng và nâng cấp cơ sở hạ tầng cũng như hệ thống giao thông công cộng, nghiên cứu từ COLDWELL BANKER Việt Nam nhận định.

Trong khi đó, nhiều chuyên gia khuyến cáo, thị trường nông thôn đang bị bỏ ngỏ. Với hơn 61 triệu người, chiếm gần 70% dân số cả nước, khu vực nông thôn có lượng khách hàng gấp 3 lần khu vực thành thị. Và số khách hàng này sẵn sàng tiêu dùng nhiều gấp 3 lần khu vực thành thị.

Đó là nguyên nhân mà nhiều chuyến đưa hàng về nông thôn, vùng sâu, vùng xa đạt doanh số tiêu thụ khá cao; sản phẩm, hàng hóa, nhu yếu phẩm bán trong các phiên chợ rất được ưa chuộng. Bởi vậy xu hướng phát triển ngành bán lẻ ra vùng ven đã và đang được các nhà bán lẻ chú trọng.

Dự báo cuộc chiến giành thị phần nông thôn sẽ diễn ra quyết liệt. Năm 2013, nhiều giải pháp về tài chính - tiền tệ được đưa ra, mặt bằng lãi suất tiếp tục giảm không chỉ kích cầu tiêu dùng trong nước, mà còn là cơ hội để các DN bán lẻ tiếp cận được với nguồn vốn rẻ để phát triển sản xuất kinh doanh, từng bước mở rộng năng lực hoạt động, nhất là về khu vực nông thôn...

Dân số đông, với cơ cấu dân số trẻ cùng với xu thế đô thị hóa và hiện đại hóa của nền kinh tế tại Việt Nam vẫn là yếu tố hấp dẫn cho nhiều nhà bán lẻ quốc tế tiềm năng. Trong tương lai gần sẽ có thêm nhiều nhà bán lẻ lớn tham gia vào thị trường như Tesco (Anh), Wal-mart (Mỹ), E-Mart (Hàn Quốc), AEON Co Ltd. (Nhật), Auchan (Pháp) và NUTC Fair Price (Singapore)...