Bất động sản bình dân hút nhà đầu tư nước ngoài?

Theo PV/baoxaydung.vn

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vào Việt Nam đang có tiến triển tích cực, trong đó đầu tư vào bất động sản (BĐS) có dấu hiệu khả quan. Đáng chú ý, thay vì chỉ chú trọng vào phân khúc BĐS cao cấp như trước đây, nhà đầu tư nước ngoài đang bắt đầu quan tâm đến phân khúc nhà ở trung bình.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Thống kê từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, 6 tháng năm 2018, doanh nghiệp FDI đã đầu tư vào 55 tỉnh, thành phố, trong đó Hà Nội thu hút nhiều vốn nhất với 5,87 tỷ USD. TP. Hồ Chí Minh đứng thứ 2 với tổng vốn đăng ký là 3,68 tỷ USD và Bà Rịa - Vũng Tàu đứng thứ 3 với tổng vốn đăng ký là 1,93 tỷ USD.

Trong số các quốc gia đầu tư vào Việt Nam, đầu tư của Nhật Bản đang có xu hướng gia tăng. Năm 2017, Nhật Bản đứng vị trí thứ nhất với 9,11 tỷ USD, chiếm 25,4% tổng vốn FDI vào Việt Nam. 6 tháng đầu năm, Nhật Bản tiếp tục đứng vị trí thứ nhất với 6,47 tỷ USD, chiếm 31,8% tổng vốn đầu tư. Hiện các dự án, lĩnh vực doanh nghiệp Nhật Bản đang hiện diện chủ yếu là lọc hóa dầu, công nghệ thông tin, công nghiệp, vật liệu xây dựng…

Ông Hiroyuki Ishige - Chủ tịch Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) cho rằng: “Môi trường đầu tư của Việt Nam đang được nỗ lực đổi mới và ngày càng cải thiện. Cùng với đó là những thay đổi về cải cách thủ tục hành chính, thủ tục hải quan, tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp trong việc thông quan hàng hóa, góp phần đẩy mạnh hoạt động đầu tư nước ngoài, trong đó có BĐS”.

Có 17 lĩnh vực thu hút đầu tư, trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo thu hút nhiều sự quan tâm nhất với 7,91 tỷ USD, chiếm 38,9% tổng vốn đầu tư đăng ký. Kinh doanh BĐS đứng thứ 2 với tổng vốn đầu tư 5,54 tỷ USD. Đứng thứ 3 là bán buôn, bán lẻ với 1,5 tỷ USD, chiếm 7,4% tổng vốn đầu tư đăng ký.

Người tiêu dùng hẳn còn nhớ khoảng chục năm trở về trước, dòng vốn FDI chỉ tập trung ở phân khúc nhà ở cao cấp với những tên tuổi rất nổi như Capitaland, Kangnam, The Estella hoặc The Vista được đưa ra chào bán trên thị trường. Trong giai đoạn này, tỷ suất sinh lợi kỳ vọng của các dự án đầu tư BĐS của các nhà đầu tư nước ngoài thường ở mức 30% - 35%. Đây là mức sinh lợi rất cao và hấp dẫn đối với các dự án BĐS, dẫn đến tình trạng vốn FDI đăng ký đầu tư BĐS, chủ yếu đến từ các quốc gia khu vực châu Á, cao kỷ lục trong năm 2008, lên đến 23 tỷ USD, chiếm hơn 30% tống vốn FDI đăng ký. Trong ba năm trở lại đây, tỷ lệ này đang duy trì ở mức 7%-9%.

Vào khoảng tháng 3/2008, trước áp lực tăng trưởng quá nóng của thị trường trong năm 2007 và sự ảnh hưởng của suy thoái kinh tế tài chính toàn cầu, các công cụ tài chính tiền tệ dường như không thể kiểm soát nổi khi sự gia tăng liên tục không ngừng của lãi suất cho vay, có lúc lên đến 25% và lạm phát đỉnh điểm ở mức 23%. Thị trường BĐS rơi vào chu kỳ suy thoái và vốn FDI đầu tư vào BĐS cũng giảm lại. Dòng vốn này bắt đầu hồi phục trở lại từ cuối năm 2013, đầu năm 2014.

Các chuyên gia nhìn nhận, năm 2018 sẽ là một năm ấn tượng của BĐS Việt Nam khi dòng vốn FDI đổ vào đây tiếp tục đà tăng trưởng. Bên cạnh đó, cùng với sự phục hồi của thị trường BĐS, các nhà đầu tư nước ngoài đã bắt đầu chú ý đến phân khúc thị trường trung cấp và khách hàng bình dân.

Có thể điểm qua một số thương vụ hợp tác trong phân khúc này như nhà đầu tư Nhật Bản Hankyu Realty và Nishi Nippon Railroad hợp tác cùng Nam Long, hoặc Sanyo Homes và Tiến Phát; gần đây nhất là liên doanh giữa Mitsubishi Corporation và Phúc Khang…

Theo xu hướng này, các chuyên gia dự đoán sẽ có rất nhiều nhà đầu tư đang cân nhắc và sẵn sàng tham gia liên doanh, góp vốn với các chủ đầu tư Việt Nam có uy tín tốt để thâm nhập phân khúc này.