Bất động sản có dấu hiệu phục hồi nhanh

Nam Khang (Tổng hợp)

Nếu như ở đầu năm, vẫn còn những hoài nghi về việc thị trường khởi đầu hơi chậm thì giờ đây, bức tranh toàn cảnh thị trường đã trở nên rõ ràng hơn, thị trường căn hộ đã được phục hồi một cách bền vững.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Sôi động vốn ngoại ngoại

Số liệu của Cục Thống kê Tp. Hồ Chí Minh cho biết, tính từ đầu năm đến ngày 15/7 đã có 284 dự án có vốn đầu tư FDI, với số vốn 2,02 tỷ USD được UBND TP. Hồ Chí Minh cấp giấy chứng nhận đầu tư, trong đó lĩnh vực bất động sản chiếm đến 65% (1,3 tỷ USD).

Nổi bật gần đây nhất là khoản đầu tư 200 triệu USD của Quỹ đầu tư Creed Group – Nhật Bản đầu tư vào Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển BĐS An Gia.

Trước đó, Quỹ đầu tư Tập đoàn Global Emerging Market (GEM) của Hoa Kỳ cũng đã rót 20 triệu USD vào lĩnh vực bất động sản TP. Hồ Chí Minh, thông qua việc mua cổ phiếu Công ty cổ phần Địa ốc Hoàng Quân.

Ngoài việc thu hút vốn đầu tư, các dự án BĐS còn thu hút việc hợp tác với các đối tác nước ngoài, trong đó phải kể đến sự hợp tác giữa Công ty Cổ phần Đầu tư Nam Long với hai nhà đầu tư lớn của Nhật Bản là Hankyu Realty và Nishi Nippon Railroad trong việc phát triển sản phẩm Flora Anh Đào, Quận 9 nhằm cung cấp sản phẩm nhà ở vừa túi tiền chất lượng, theo tiêu chuẩn Nhật Bản.

Bên cạnh đó, những quy định từ chính phủ trong việc nới lỏng việc mua nhà cho người nước ngoài cũng đã tạo những hiệu ứng rõ rệt. Vingroup cho biết họ đã nhận được đặt cọc cho 112 căn hộ chỉ trong 2 giờ đồng hồ giới thiệu các dự án cao cấp giành cho người nước ngoài hoặc Việt kiều tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Hay, dự án Eastern đã có đến 70% căn hộ đã được bán vừa qua là cho người nước ngoài hoặc được mua để cho người nước ngoài thuê.

Thị trường còn nhiều tiềm năng cho mọi phân khúc

Ngoài yếu tố vốn ngoại đang đổ vào bất động sản thì tốc độ tăng trưởng nhanh chóng của tầng lớp trung lưu tại Việt Nam cũng là một nguyên nhân khiến thị trường BĐS ấm lên nhanh chóng. Hơn nữa, kinh tế Việt Nam đang có sự hồi phục mạnh mẽ với mức tăng trưởng 6,28% nửa đầu năm nay, tốc độ tăng nhanh nhất trong những năm qua.

Theo ông Nguyễn Mạnh Hà, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và Thị trường bất động sản(Bộ Xây dựng), trong những năm tới, nhu cầu nhà ở đô thị tại Việt Nam rất lớn, mỗi năm Việt Nam cần phát triển thêm 35 triệu m2 nhà ở đô thị để đạt 29m2/người vào năm 2020.

Về phân khúc nhà ở vừa túi tiền của người dân, theo ông Lê Chiến Thắng, Giám đốc phát triển kinh doanh của Nam Long cho rằng đây vẫn là phần khúc có nhu cầu cao nhất của Việt Nam trong ít nhất 5 năm nữa. Mặc dù trong quý II vừa qua, lượng tiêu thụ nhà chủ yếu đến từ phân khúc cao cấp nhưng Nam Long đã có hơn 1.000 sản phẩm được đặt chỗ và bán được hơn 600 căn hộ, và theo kế hoạch thì Nam Long sẽ bán thêm khoảng 1.200 sản phẩm nữa trong những tháng cuối năm.

Lý giải về sức hút của EHome trong trong phân khúc vừa túi tiền, ông Thắng cho biết đó chính là sự phát triển tổng thể của sản phẩm này. Theo đó, một căn hộ có mức giá vừa tầm từ 450 triệu/đồng/căn nhưng luôn nằm trong một tổng thể có công viên, hồ bơi, câu lạc bộ cộng đồng, khu thể dục thể thao…

Với EHome cao hơn ở mức giá khoảng 1 tỷ đồng, bên cạnh tiện ích chuẩn Nam Long còn áp dụng mô hình condominium tức phát triển khu quy hoạch biệt lập, an ninh. Chất lượng và môi trường sống của dòng Affordable Housing của Nam Long luôn đạt ở mức tốt nhất có thể so với các căn hộ cùng mức giá.

Được biết, Affordable housing sẽ vẫn là phân khúc chủ đạo của Nam Long trong ngắn và trung hạn nhưng Nam Long cũng sẽ phát triển thêm những dòng sản phẩm khác nếu thị trường có nhu cầu. Ngoài ra, trong thời gian tới, Nam Long sẽ đưa ra thị trường dòng sản phẩm Nam Long Home là nhà phố và biệt thự gắn liền với đất, dòng sản phẩm rất phù hợp với nhu cầu và văn hóa sống của người Việt Nam đang thu hút nhiều khách hàng quan tâm và được giao dịch tốt trong thời gian qua.

Nói về tiềm năng của thị trường BĐS tại Việt Nam, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch hiệp hội BĐS TP.Hồ Chí Minh cho biết vẫn còn rất lớn vì hiện nay có khoảng 4,2 triệu Việt kiều trên thế giới và khoảng 30.000 giám đốc điều hành nước ngoài đang làm việc dài hạn tại Việt Nam.

Theo một báo cáo mới đây của hãng nghiên cứu của Mỹ JLL, TP. Hồ Chí Minh là thành phố tăng trưởng nhanh nhất trong số 120 thành phố được tổ chức này theo dõi. Đại diện JLL tại Việt Nam cho biết: "Chúng tôi thấy rằng rất nhiều nhà đầu tư và công ty bất động sản quốc tế đang cố gắng để tham gia thị trường Việt Nam".

Ngoài ra, giới đầu tư quốc tế cũng nhìn nhận rằng, nền kinh tế chung của Việt Nam đang có sự phát triển khá nhanh và ổn định trong ít nhất là vài ba năm tới, vì thế lĩnh vực kinh doanh BĐS ở Việt Nam sẽ phát triển, nhất là ở những thành phố lớn và ở các vùng kinh tế đã và đang có sự phát triển năng động hiện nay như TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng…