Bất động sản công nghiệp: Điểm sáng trong năm 2019

Theo Thanh Minh/congthuong.vn

Các chuyên gia kinh tế và bất động sản nhận định, năm 2019 thị trường bất động sản sẽ gặp nhiều thách thức. Tuy nhiên phân khúc bất động sản (BĐS) công nghiệp là "điểm sáng” trên thị trường và sẽ là xu hướng lựa chọn của nhà đầu tư.

Bất động sản công nghiệp được dự báo là “điểm sáng” trong năm 2019. Nguồn: congthuong.vn
Bất động sản công nghiệp được dự báo là “điểm sáng” trong năm 2019. Nguồn: congthuong.vn

BĐS công nghiệp hút nhà đầu tư

Theo dự báo của các chuyên kinh tế và bất động sản trong nước và quốc tếtrong năm 2019, phân khúc bất động sản (BĐS) công nghiệp sẽ đặc biệt phát triển. Đây là làn sóng mới tại Việt Nam, việc phát triển các khu công nghiệp theo đó cũng phải đồng bộ hơn để thu hút nhà đầu tư nước ngoài. Đồng thời, các nhà đầu tư cũng phải quan tâm đến nhà ở thương mại để đáp ứng các khu công nghiệp.

Ông Stephen Wyatt, Tổng giám đốc JLL Việt Nam - cho rằng, chu kỳ phát triển của thị trường BĐS đã thay đổi rất nhiều so với chu kì trước. Thị trường phát triển nhiều phân khúc hơn, thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư. Trước đây, chúng ta chỉ nhắc đến thị trường nhà ở đơn thuần, nhưng hiện nay thị trường văn phòng, bán lẻ cũng hoạt động rất tốt.

Bên cạnh đó, lượng du khách quốc tế đến Việt Nam ngày càng nhiều khiến cho thị trường du lịch phát triển. Đặc biệt, thương mại điện tử phát triển, mảng sản xuất mở rộng khiến cho thị trường logistics hay khu công nghiệp cũng phát triển.

Cùng quan điểm, TS. Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương - cho biết, nếu nhìn rộng toàn cảnh thị trường BĐS Việt Nam thì tiềm năng còn rất lớn. Nhu cầu thị trường không chỉ có phân khúc nhà ở (căn hộ, biệt thự, condotel...), mà còn bao gồm cả thị trường văn phòng, BĐS liên quan đến sản xuất kinh doanh như: BĐS bán lẻ, BĐS logisstics, các Khu công nghiệp, BĐS liên quan đến hạ tầng như sân bay, hải cảng...

Theo đánh giá của các chuyên gia, thị trường BĐS công nghiệp ở Việt Nam, bao gồm đất công nghiệp, nhà xưởng xây sẵn, nhà kho và logistics vẫn đang trong giai đoạn phát triển mới với nhiều tiềm năng.

Ngoài ra, BĐS công nghiệp Việt Nam cũng đang có sức hút mạnh mẽ với các nhà đầu tư nước ngoài muốn dịch chuyển sản xuất từ các nước khác sang Việt Nam. Nguyên nhân là bởi Việt Nam có chi phí sản xuất thấp, chỉ dưới 1 USD/giờ, thấp nhất trong ASEAN và thấp hơn cả Trung Quốc.

Năm 2019, BĐS công nghiệp nhiều tiềm năng phát triển

Đánh giá về cơ hội của thị trường BĐS Việt Nam trong cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, theo ông Nguyễn Mạnh Hà - Phó Chủ tịch Hiệp Hội Bất động sản Việt Nam, Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội hơn là khó khăn. Dòng vốn đầu tư từ các nước, bao gồm Mỹ, Trung Quốc và một số nước khác do "né" chiến tranh thương mại nên sẽ "chảy" vào Việt Nam nhiều hơn trong năm 2019.

Trên thị trường đầu tư gián tiếp là chứng khoán, Việt Nam vẫn đang được đánh giá tốt hơn so với các thị trường khác trong năm vừa qua. Do đó, các nhà đầu tư khi quyết định chuyển dịch dòng vốn, họ sẽ chọn thị trường vốn gián tiếp là chứng khoán Việt Nam.

“Trong dòng vốn chứng khoán đó, có một phần không nhỏ là đầu tư vào các doanh nghiệp kinh doanh BĐS. Sự phát triển mạnh của dòng vốn đầu tư sẽ tạo ra nhu cầu lớn ở các phân khúc BĐS” - ông Nguyễn Mạnh Hà nhấn mạnh.

Mặt khác, trong bối cảnh chiến tranh Mỹ - Trung, nhà đầu tư nước ngoài đã nhận ra đây là một tiềm năng lớn. Chính vì thế, nhiều hãng bán lẻ nước ngoài đã và đang thực hiện nhiều thương vụ M&A đối với thị trường bán lẻ Việt Nam.

Đặc biệt, từ năm 2018, chủ trương của Chính phủ tiếp tục thu hút các dự án công nghệ cao và thân thiện với môi trường; khuyến khích đầu tư vào các dự án năng lượng tái tạo, nông nghiệp công nghệ cao và các thành phố thông minh; xây dựng các giải pháp cân bằng FDI và cho phép tập trung đầu tư vào các tỉnh khác… điều này sẽ thúc đẩy phân khúc BĐS công nghiệp phát triển.

Theo ông Troy Griffiths, Phó Giám đốc Điều hành Savills Việt Nam, Chính phủ Việt Nam đang đặt nhiều quan tâm đến thị trường logistics và rót vốn đầu tư nhiều vào cơ sở hạ tầng. Do đó, phân khúc về logistic) cũng đang có sự thay đổi. Ngoài ra, sự phát triển của thương mại điện tử đồng nghĩa với việc thực hiện “khâu cuối cùng” có tiềm năng đáng kể, cụ thể là nhu cầu về các kho bãi gần các trung tâm kinh tế và các tuyến đường huyết mạch của thành phố.

Có thể thấy, những nhà cung cấp dịch vụ logistics thuê ngoài quốc tế đang đầu tư tích cực hơn vào thị trường Việt Nam và sẽ thúc đẩy nhu cầu phát triển cơ sở vật chất hiện đại hơn. Dự báo đến năm 2025, thị trường thương mại điện tử tại Việt Nam sẽ tăng lên đến 8 tỷ USD. Như vậy, bên cạnh công nghệ, các doanh nghiệp logistics cũng đang nhanh chóng đầu tư hạ tầng để chiếm miếng bánh lớn nhất trong tương lai.

Theo kế hoạch phát triển đến năm 2020, tổng diện tích đất dành cho phát triển công nghiệp sẽ tăng gấp đôi. Do đó, cơ hội sở hữu quỹ đất để thâm nhập và phát triển trong lĩnh vực BĐS công nghiệp là rất lớn đối với cả nhà đầu tư hiện hữu và các nhà đầu tư tiềm năng trong tương lai.